Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, đến nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đầu tư 91.893 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại 1.300 xã.
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, số vốn nói trên chủ yếu được sử dụng đề xây dựng giao thông bộ, thủy lợi, đường điện, trường học, chợ nông thôn, cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở...
Việc đầu tư xây dựng nông thôn mới cùng với công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn hiệu quả, bộ mặt nông thôn vùng ĐBSCL từng bước được đổi mới, mức sống người dân được nâng cao.
Đến cuối năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng tăng 9% so năm 2012, trong đó nông nghiệp tăng 4%, sản lượng lúa đạt 24,8 triệu tấn; công nghiệp tăng 11,9%; xuất khẩu nông sản đạt 10,6 tỷ USD, tăng 8%.
Thu nhập bình quân đầu người của khu vực đạt 34,6 triệu đồng/năm, tăng 2,3 triệu đồng so năm 2012, trong đó Cần Thơ đạt 62,9 triệu đồng, Kiên Giang 44,8 triệu đồng, Long An 40 triệu đồng.
Toàn vùng đã xây dựng thêm gần 2.700 phòng học mới, không còn phòng học 3 ca. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm còn 0,69%, số trường đạt chuẩn quốc gia tăng lên 1.348 trường. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tiểu học đến lớp tăng lên 97,5%, trung học cơ sở 83,7%, trung học phổ thông 54,8%.
Mạng lưới trạm y tế cơ sở được củng cố, nâng cấp, các chỉ tiêu về sức khỏe của người dân nông thôn được nâng lên.
Các chương trình, dự án thoát nghèo và những chính sách hỗ trợ cho người nghèo được các tỉnh thực hiện tốt như hỗ trợ về giáo dục, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, nhà ở, đào tạo nghề, hỗ trợ đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay ưu đãi.
Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất ở được giao đất để làm nhà ở, được hỗ trợ bằng tiền để làm các ngành nghề hoặc để chuộc lại đất sản xuất đã chuyển nhượng, thế chấp.
Cá biệt, đối với một số hộ trước đây đã chuyển nhượng, thế chấp đất sản xuất, nay không còn đất, nhưng thực sự có kinh nghiệm sản xuất, có nhu cầu đất để sản xuất và được người nhận chuyển nhượng, thế chấp đồng ý cho chuộc lại đất với giá thấp hoặc vận động được bà con thân tộc nhượng bán với giá rẻ thì được nhận vốn vay theo nhu cầu (tối đa 30 triệu đồng/hộ). Nhờ đó, trong năm 2013, ĐBSCL có thêm trên 43.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 7,2%.
Hiện ĐBSCL có 21 xã đạt từ 15-19 tiêu chí nông thôn mới, 320 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 801 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 158 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Trong đó, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang là xã đầu tiên tại ĐBSCL được công nhận là xã nông thôn mới (2013).