Thứ Sáu | 16/05/2014 19:01

Đẩy nhanh đưa vào khai thác dự án GTVT trọng điểm

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp thường kỳ Ban Chỉ đạo về tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm GTVT.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong số 26 dự án trọng điểm của ngành với tổng kinh phí 576.484 tỷ đồng, hiện đã có 9 dự án, tiểu dự án bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng, trong đó có 6 dự án đường bộ (cao tốc TPHCM-Trung Lương, Cầu Giẽ-Ninh Bình, Láng-Hòa Lạc, Hà Nội-Thái Nguyên, cầu Thanh Trì, tuyến phía Nam Vành đai 3 Hà Nội), tuyến đường sắt Hạ Long-Cái Lân, Dự án cảng hàng không Phú Quốc mới, Cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, ngành GTVT cũng đã triển khai, đưa vào khai thác một loạt công trình giao thông cấp bách khác; tập trung xử lý vấn đề chất lượng và sự êm thuận của một số công trình; xây dựng chương trình giảm áp lực đầu tư từ ngân sách với việc đẩy mạnh triển khai 38 dự án BOT, BT có tổng mức đầu tư hơn 116.000 tỷ đồng; rà soát điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và dự toán để giảm kinh phí đầu tư được hơn 35.000 tỷ đồng...

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nghe báo cáo, rà soát tình hình triển khai từng dự án còn lại trong Danh mục trọng điểm. Cụ thể, dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 với 23 dự án đang triển khai, dự kiến lần lượt hoàn thành trong các năm 2014, 2016, 2017; Dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã thông xe 110/245 km, dự kiến thông xe toàn tuyến vào tháng 7/2014; cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây đã hoàn thành 19/55km; cao tốc Bến Lức-Long Thành đang chuẩn bị khởi công; cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã thi công 8/12 gói thầu; cao tốc Hà Nội-Hải Phòng hoàn thành trên 40%...

Dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên (TPHCM) đang triển khai 2/4 gói thầu; đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) đạt gần 40% khối lượng; các dự án đường sắt đô thị khác của 2 thành phố đang trong giai đoạn thẩm định, phê duyệt triển khai.

Nhìn chung, so với yêu cầu tổng thể, đa số các dự án trọng điểm còn khá chậm và đều gặp khó khăn về nguồn vốn và công tác GPMB chậm trễ, thời gian giải quyết kéo dài. Bộ GTVT cũng đưa ra kiến nghị từng điểm để đôn đốc, lấy lại tiến độ triển khai các dự án.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả tích cực của các dự án trọng điểm ngành GTVT thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh điều kiện tài chính tiếp tục khó khăn hiện nay, nhu cầu hạ tầng giao thông vẫn rất bức thiết, ngành Giao thông cần tập trung ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án, công trình trọng điểm, đưa vào khai thác càng sớm càng tốt từng dự án, công trình để phục vụ nhu cầu thông thương, phát triển kinh tế-xã hội.

Xác định tồn tại hiện nay vẫn xoay quanh vấn đề tiến độ, Phó Thủ tướng chỉ rõ những nhiệm vụ mà các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư các dự án, công trình trọng điểm cần tập trung ưu tiên.

Trước hết, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, những điểm cốt yếu được phản ánh là chưa tạo thuận lợi cho dự án thời gian qua; Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý vấn đề vốn đối ứng dự án ODA trên tinh thần bám sát các kế hoạch chi Quốc hội giao và phân bổ vốn được Thủ tướng chỉ đạo. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp giải quyết vấn đề mỏ nguyên liệu để cung cấp cho các dự án cấp bách, rà soát, đề xuất giải quyết những vướng mắc trong khai thác, cung cấp vật liệu thời gian qua.

Bộ GTVT đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường thi công, nâng cao chất lượng thiết kế, thi công công trình, lưu ý chất lượng, đồng thời, chú ý vấn đề quy hoạch các công trình đồng bộ ở các tuyến đường, nhất là các tuyến cao tốc để phát huy hiệu quả khi các dự án đi vào khai thác.

Xác định vướng mắc GPMB là tình trạng phổ biến ở các dự án, tập trung ở các khu vực đô thị, vùng giáp ranh nên Ban Chỉ đạo phối hợp với các địa phương tập trung các biện pháp, cơ chế xử lý dứt điểm các điểm nghẽn để khai thông, sớm đưa các công trình đi vào khai thác, nhất là những dự án sắp hoàn thành ở Hà Nội mà còn một số điểm vướng nhỏ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho ý kiến xử lý đối với từng dự án. Cụ thể, Dự án đường Hồ Chí Minh cần thực hiện quyết toán giai đoạn 1, đôn đốc các gói thầu giai đoạn 2; vấn đề vốn dư, tái cơ cấu Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các dự án liên quan; khai thác đường Hà Nội-Lào Cai trong bài toán du lịch, giảm tải cho vận chuyển hàng hóa; phương án tài chính cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; góp vốn cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết; yêu cầu đồng bộ trong việc đưa vào khai thác cuối năm nay dự án cầu đường Nhật Tân-sân bay Nội Bài; triển khai dự án luồng sông Hậu, sân bay Long Thành theo các ý kiến giám sát, tiến độ trình Quốc hội.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện