Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á
Theo số liệu của Tổng Cục hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 11 năm 2014, gạo của Việt Nam đã xuất khẩu sang 46 trên 78 thị trường tại khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á với tổng kim ngạch đạt khoảng 410 triệu USD trong đó xuất khẩu gạo sang các thị trường chính ở châu Phi như Bờ Biển Ngà, Angola, Cameroon giảm mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu là một số nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Phi bằng cách giảm giá gạo. Đặc biệt, việc Thái Lan xả hàng bán gạo tồn kho giá rẻ đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi.
Năm 2014, xuất khẩu gạo sang châu Phi còn gặp khó khăn do đại dịch Ebola bùng phát ở khu vực Tây Phi (gồm 4 nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria). Số lượng tàu hàng đến các nước châu Phi giảm mạnh do thủy thủ đoàn không muốn đến các nước có dịch. Hầu hết các công ty bảo hiểm cũng không muốn cung cấp bảo hiểm toàn cầu liên quan đến đại dịch này.
Các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, trong năm 2015, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai Chỉ thị 08 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại gạo; Triển khai thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về phối hợp công tác nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Nghiên cứu, xây dựng Đề án chiến lược phát triển thị trường gạo đến năm 2020.
Đồng thời, Bộ sẽ đàm phán và ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với các nước Bờ Biển Ngà, Congo, Kenya, Angola, Mozambique, Madagascar, v.v...Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tiềm năng xuất khẩu gạo sang thị trường khu vực trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua các cuộc hội thảo tại địa phương.
Chỉ đạo các Thương vụ trong khu vực bám sát và thường xuyên báo cáo về Bộ những thông tin tình hình thị trường gạo phụ trách, khả năng ký MOU. Giới thiệu khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp xác minh đối tác, đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh.
Bộ cũng sẽ tổ chức các đoàn giao thương, XTTM tại khu vực trong đó chú trọng thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gạo. Phối hợp với VCCI, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tổ chức các Cuộc gặp ngân hàng, Cuộc gặp bên mua/bên bán về gạo nhằm thiết lập quan hệ giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và châu Phi, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh và thanh toán xuất nhập khẩu.
Tăng cường theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam như Pakistan, Thái Lan, Ấn Độ tại khu vực thị trường.
Theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối hai bên thực hiện các MOU về thương mại gạo đã ký với Bangladesh, Sierra Leone, Guinea và Comoros. Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập công ty, mở kho ngoại quan gạo tại một số thị trường trọng điểm như Cameroon, Angola, Mozambique... để tiêu thụ gạo trực tiếp. Hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai đề án đổi gạo Việt Nam lấy điều châu Phi.
Nguồn DVO/Moit