Đẩy mạnh thâm canh đậu nành, giảm nhập khẩu
Điều này dẫn tới việc sản xuất đậu nành của Việt Nam mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ. Trên thực tế, hàng năm, các doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn đậu nành để phục vụ tiêu dùng nội địa và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cụ thể, năm 2011, Việt Nam nhập hơn 1 triệu tấn đậu nành béo nguyên chất, tăng 350% so với năm 2010 để phục vụ ngành thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trong nước. Đến hết năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu đậu nành lên tới 1.276 nghìn tấn với giá trị 755 triệu USD, tăng 51,2% về khối lượng và 57,8% về giá trị so với năm 2011.
Trước thực trạng diện tích đậu nành trong nước sụt giảm, trong khi nhu cầu sử dụng mặt hàng này ngày càng tăng, Cục Trồng trọt cho rằng, cần phải tăng diện tích trồng đậu nành và cải thiện năng suất loại cây trồng này trong thời gian tới.
Để tăng diện tích và sản lượng, nước ta phải thực hiện luân canh lúa với đậu nành, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân là do ở các tỉnh miền Bắc năng suất thu hoạch thấp hơn các tỉnh phía Nam.
Cụ thể là đậu nành trồng ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc thường chỉ đạt khoảng 14,5 tạ/ha, trong khi ở ĐBSCL, năng suất đạt khoảng 21,9 tạ/ha. Do đó, các vùng đã có kinh nghiệm trồng đậu nành lâu đời như Đồng Tháp, Vĩnh Long, cần mở rộng hơn nữa diện tích trồng chuyên canh và luân canh.
Đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng,... nên rà soát điều kiện khí hậu, đất đai của tỉnh xem vùng nào thích hợp với cây đậu nành để từ đó khuyến khích nông dân luân canh.
Bà Phan Thị Yến Nhi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang cho biết, với việc trồng đậu nành, nông dân có thể thu lợi trên 15,6 triệu đồng/ha, cao hơn 3 triệu đồng/ha so với cây lúa. Tuy nhiên, đây là cây trồng hay bị nhiễm sâu bệnh, không đầu tư thâm canh thì khó có thể tạo thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, cây đậu nành khó tìm được chỗ đứng vững chắc.
Do vậy, ngoài việc phải hoàn thiện hệ thống cơ giới hóa sản xuất, cần phải xây dựng thêm nhà máy chế biến và thu mua sản phẩm cho nông dân với giá hợp lý, tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ mua khô dầu đậu nành, không mua đậu nành hạt, gây khó khăn cho nông dân.
Nguồn Báo Công Thương