Nikkei
Đầu tư vào Gemadept, CJ lấn sân sang ngành logistics
Theo hồ sơ đăng ký hôm thứ Ba 3/10 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn CJ của Hàn Quốc đã mua lại hơn 50% cổ phần các công ty con chuyên về vận chuyển và hậu cần của Gemadept, công ty logistics lớn nhất Việt Nam.
Tuy con số cụ thể chưa được tiết lộ, nhưng theo Nikkei đưa tin thì những người trong cuộc ước tính thỏa thuận này có trị giá hơn 120 triệu USD.
CJ Group đang đặt mục tiêu là trở thành 1 trong 5 công ty logistics hàng đầu trên thế giới. Đầu năm nay, kênh tin Investor Newswire dẫn lời CEO Park Geun-tae của CJ Logistics rằng ông đang tìm kiếm các công ty logistics tại Đông Nam Á và đã "quan tâm" tới Gemadept. Trong những năm gần đây, CJ Logistics đã mua lại nhiều công ty ở Châu Á như China Shenzhen Speedex Commercial Service và Rokin Logistics (đều của Trung Quốc), Century Logistics (Malaysia), Ibrakom (UAE) và Darcl Logistics (Ấn Độ).
Gemadept được thành lập vào năm 1990, và hiện sở hữu 12 công ty con trong lĩnh vực hậu cần, khai thác cảng, lâm nghiệp và bất động sản. Đây là một trong ba doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của Việt Nam được cổ phần hóa và niêm yết. Trong năm 2016, Gemadept đã thu về 162 triệu USD doanh thu, tăng 4% so với năm trước, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm 5% xuống còn 20 triệu USD. Công ty này đang có mục tiêu đạt doanh thu 165 triệu USD và lợi nhuận trước thuế 23,2 triệu USD trong năm nay, sau khi cơ cấu lại và thoái vốn. Tháng trước, Gemadept đã chuyển nhượng 15% cổ phần tại CJ Việt Nam cho CJ O Shopping.
Hồi tháng 3 vừa qua, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CJ Group Việt Nam, từng chia sẻ với báo chí rằng tập đoàn này có một quỹ dành cho hoạt động đầu tư và thâu tóm, và quan tâm đến các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đang được cổ phần hóa. CJ đã đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 30% và muốn đa dạng hóa vào nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam. Đến năm 2016, công ty đã đầu tư 500 triệu USD vào các lĩnh vực nông nghiệp, giải trí, dược phẩm và bán lẻ tại Việt Nam, và lên kế hoạch tăng danh mục đầu tư lên 1 tỷ USD vào cuối năm.
Năm ngoái, CJ Việt Nam đã đạt doanh thu hơn 740 triệu USD và lợi nhuận trước thuế 36 triệu USD, chủ yếu là từ các mảng thức ăn chăn nuôi, nông nghiệp và giải trí. Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1998, ban đầu CJ kinh doanh trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và hiện đã trở thành một trong bốn công ty hàng đầu trong ngành này. Hiện CJ đang chuẩn bị xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 6 tại Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay.
CJ cũng bắt đầu tấn công vào ngành thực phẩm trong năm 2007 với chuỗi cửa hàng bánh ngọt Tous Les Jours, và đến tháng 9 năm ngoái thì chuỗi này đã có 30 cửa hàng trên cả nước. Trong năm 2011, CJ chi hơn 73 triệu USD để thâu tóm khoảng 80% cổ phần của Megastar, chuỗi rạp phim lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó.
Trong vài năm gần đây, CJ tập trung nhiều hơn vào chế biến thực phẩm và đầu tư vào các đối tác địa phương. Sau khi bất thành trong việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Vissan, CJ đã mua lại thương hiệu kimchi Ông Kim, cũng như mua 47,33% cổ phần tại CTCP thực phẩm Cầu Tre vào tháng 11 năm ngoái, sau đó tiếp tục nâng cổ phần tại đây lên 71,6% vào tháng 5 vừa qua.
Trong quý I năm nay, CJ đã đầu tư 13,44 triệu USD để mua 65% cổ phần của Minh Đạt, một thương hiệu hàng đầu trong thị trường thịt viên.
CJ cũng đã xây dựng nhiều mối quan hệ với các đối tác địa phương để giảm rủi ro. Một trong số đó là Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), công ty quốc doanh lớn nhất tại TPHCM. Satra đang sở hữu một số thương hiệu thực phẩm nổi tiếng, và có mạng lưới phân phối toàn quốc được CJ tận dụng để phân phối sản phẩm.
Năm nay, CJ đã đầu tư 61,8 triệu USD vào một tổ hợp chế biến thực phẩm, có bao gồm luôn một trung tâm nghiên cứu, tại KCN Hiệp Phước ở TPHCM. Dự án này được thực hiện thông qua quan hệ hợp tác với một công ty con của Satra, và sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7/2018. CJ cũng đang đàm phán với các công ty chăn nuôi để phát triển chuỗi cung cấp thức ăn gia súc.
Trang Lê
Nguồn Nikkei