Thứ Sáu | 30/05/2014 15:01

Đầu tư sang Myanmar: Không dễ như bề ngoài

Dù Chính phủ Myanmar đang thực hiện chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư, nhưng vẫn chưa thực sự mở cửa lĩnh vực lưu thông phân phối.
Theo thông tin từ Cơ quan cấp phép đầu tư DICA, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Myanmar là gần 43 tỷ USD, với 577 dự án của 32 quốc gia. Trong đó, Việt Nam hiện đứng thứ 9 trong số các nước đã đầu tư trực tiếp vào quốc gia này, với số vốn đăng ký 511 triệu USD.

Về thương mại song phương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Myanmar đạt 126,5 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar đạt 83,2 triệu USD, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như thép các loại, nguyên phụ liệu may mặc, phân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng, thiết bị điện và điện tử, văn phòng phẩm, thực phẩm chế biến, hoá chất, nguyên phụ liệu cho công nghiệp…

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại Tân Quang Minh (Birdco), DN chuyên về lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát cho biết, để nâng cao thị phần cũng như tìm kiếm nguồn doanh thu mới, Birdco đã đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang một số quốc gia lân cận trong đó có Myanmar…

Tương tự, đại diện Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn cho biết, nhận thấy môi trường đầu tư thuận lợi tại Myanmar, DN đã nhanh chóng ký kết xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này thông qua các nhà phân phối địa phương. Hiện, doanh số bán hàng sang Myanmar của công ty trong vài năm gần đây rất khả quan, ước tính 5 tháng đầu năm 2014 bán hàng sang Myanmar đạt 50.000 USD. Kết quả đó cho thấy, việc phát triển thị trường mới đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển của DN.

Dù nhiều DN đã tận dụng và khai thác tốt cơ hội từ thị trường Myanmar, ông Trần Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) - đơn vị được UBND TP. Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ là cầu nối thương mại, hỗ trợ tại thị trường cho các DN Việt Nam khi có nhu cầu đến Myanmar mở rộng kinh doanh - khuyến cáo các DN trong nước cần cẩn trọng, xem xét, tính toán kỹ trước khi quyết định rót vốn sang đầu tư vào Myanmar.

Trên thực tế, dù Chính phủ Myanmar đang thực hiện chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư, nhưng vẫn chưa thực sự mở cửa lĩnh vực lưu thông phân phối. Hầu hết hoạt động thương mại chỉ dành cho DN trong nước. Do đó, đối với các DN nước ngoài, nếu muốn tiếp thị hàng hóa vào thị trường Myanmar chỉ có thể thực hiện thông qua hình thức hợp đồng đại lý, hoặc hợp tác với các nhà phân phối địa phương.

Dù mặt lợi ích của hình thức này là dễ xâm nhập thị trường hơn, song bất lợi là giảm lợi nhuận do phải chia sẻ với đối tác nước ngoài, cũng như mức độ phụ thuộc và rủi ro lớn khi đối tác "lật kèo". Ngoài ra, một trong những vấn đề trở thành thách thức, trở ngại đối với hàng hóa Việt Nam là chi phí vận chuyển cao và rào cản thuế quan. Các yếu tố này cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư e ngại.

Đa số các DN Việt Nam có chung nhận định rằng, thị trường Myanmar khá phù hợp với điều kiện sản xuất và chất lượng hàng hóa của Việt Nam. Vì vậy, quan trọng là các DN có biết biến những khó khăn trước mắt thành tiềm năng trong lâu dài hay không?

Bởi, việc chuyển hướng đầu tư, phát triển kinh doanh sang thị trường mới không chỉ giúp DN giải quyết bài toán khó khăn trước mắt mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn khi dám mạnh dạn xâm nhập và chinh phục thị trường từ những giai đoạn khó khăn, sơ khai ban đầu thì mới có thể tạo nên vị thế vững chắc về sau.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện