vietnamnet.vn
Đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội để sinh lời, giảm thâm hụt
Thâm hụt Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ bắt đầu từ năm 2030 và mức thâm hụt sẽ lên 25-30% GDP vào những năm 2060-2070, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đưa cảnh báo khi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cuối tuần trước.
Việc phát triển không ngừng về tài chính của Quỹ bảo hiểm xã hội là điều kiện tiên quyết để cân đối thu – chi, bảo đảm khả năng chi trả trong tương lai. Vấn đề đặt ra: Làm thế nào để giành phần lớn nguồn tiền từ hệ thống quỹ Quỹ bảo hiểm xã hội cho phát triển thị trường vốn trong nước?
Sức ép lớn hơn
Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam có giá trị 20 tỷ USD, khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 10% GDP, ông Ngô Thế Triệu, Giám đốc Điều hành của Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investments, cho biết.
Dù vậy, khả năng thấp về đáp ứng nhu cầu thanh toán trong tương lai là điều ông Triệu chắc chắn về Quỹ Bảo hiểm xã hội của Việt Nam. Theo ông Triệu, khả năng thanh toán càng khó hơn khi sự tham gia của dân chúng ở mức thấp, chỉ 25% trong bối cảnh số lượng lao động tự do ở mức cao.
Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Theo phân tích của ông Triệu, thách thức còn lớn hơn nữa khi Chính phủ chưa có mục tiêu cụ thể về tỷ suất lợi nhuận cho một năm phải đạt được, trong khi Việt Nam là nước có tỷ lệ huy động bảo hiểm xã hội rất cao so với khu vực.
Ví dụ, khi Chính phủ tăng lương 5% áp dụng cho tất cả những người nghỉ hưu: Tỷ suất lợi nhuận để đáp ứng mục tiêu này là bao nhiêu, quỹ phải tăng bao nhiêu, sẽ huy động ở mức nào…
Chỉ khi Việt Nam có mục tiêu cụ thể, với tỷ suất lợi nhuận/năm loại tài sản được phân bổ, mới có thể giúp Chính phủ tính được tỷ suất kèm theo khi điều chỉnh tăng lương hưu, ông Triệu nhận định.
Thực ra, Việt Nam đã có những cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vào năm 2014. Nhưng những cải cách này chỉ giải quyết vấn đề thâm hụt trong ngắn hạn, chưa giải quyết được các vấn đề dài hạn.
Trong chính sách đầu tư chưa xác định rõ mục tiêu đầu tư của quỹ thống nhất với mục tiêu về nhu cầu thu nhập hưu trí của quỹ. Ví dụ, quỹ phải kiếm số tiền trung bình 12%/năm để đáp ứng nghĩa vụ trong tương lai.
Nguyên tắc đầu tư thận trọng và thiết lập chính sách đầu tư, hai cấu phần quan trọng trong đầu tư các quỹ bảo hiểm xã hội. Luật pháp của Việt Nam đã quy định rất chặt nội dung này, nhưng quá trình thực thi cho thấy những quy định này chưa gắn với thực tiễn cuộc sống.
Thêm nguồn cho thị trường vốn
Quỹ hưu trí đóng vai trò quan trọng trong mỗi một nền kinh tế trên thế giới. Khối OECD, gồm 35 quốc gia, đang sở hữu tổng giá trị quỹ hưu trí lên tới 38,1 nghìn tỷ USD, tương đương 80% GDP của khối OECD, một con số cực lớn.
Các quỹ OECD đang theo xu hướng tăng đầu tư vào các loại tài sản khác ngoài trái phiếu. Phần trái phiếu đầu tư những năm gần đây đã giảm dần, từ 45% đến 38%, trong khi phần cổ phiếu và các tài sản khác tăng tương ứng.
Trong khi đó, đầu tư vào trái phiếu chính phủ tăng mạnh tại Việt Nam những năm gần đây, bất chấp việc mang lại lợi tức rất thấp. Lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Việt Nam là 4,1%, một mức rất thấp so với lợi nhuận trung bình của Quỹ Bảo hiểm xã hội đạt được trong 10 năm gần đây, hơn 7%.
Đảm bảo khả năng thanh toán trong tương lai, ông Triệu khuyến cáo, Chính phủ nên có một kế hoạch tài khóa, một sự chuẩn bị kỹ càng cho chính sách bảo hiểm xã hội. Theo ông, vai trò của nhà hoạch định chính sách là rất quan trọng trong việc quản lý đầu tư quỹ hưu trí một cách hiệu quả.
Thị trường tài chính đang bao gồm thị trường trái phiếu chính phủ và tín phiếu chính phủ, với tính đa dạng kéo dài từ 1 đến 30 năm. Theo quan sát của ông Triệu, việc đa dạng hóa các sản phẩm, đa dạng hóa thị trường vốn là điều kiện để Việt Nam tăng lợi tức của Quỹ Bảo hiểm xã hội lên mức cao hơn.
Chẳng hạn, Việt Nam có thể phát triển thị trường cổ phiếu như một hình thức đầu tư khác từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, bởi thị trường cổ phiếu đang ổn định, với tỷ suất lợi nhuận rất tốt.
Thế nhưng, thêm hình thức đầu tư chỉ là một mặt của vấn đề gia tăng nguồn vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội cho thị trường tài chính trong nước, mặt còn lại đòi hỏi các nhà làm chính sách cần nỗ lực hơn để nghĩ ra những loại sản phẩm đầu tư mới.
Ông Triệu tin rằng, thị trường tài chính của Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa khi Việt Nam có thêm các giải pháp để "đa dạng hóa các nhà đầu tư". Đó là khi không chỉ có một bên là ngân hàng, hay bảo hiểm xã hội, hay công ty bảo hiểm nhân thọ, mua bán các sản phẩm cổ phiếu, trái phiếu với nhau.
Muốn vậy, Chính phủ cần cân nhắc việc có những "nhà đầu tư mang tính chất mồi sẵn", những nhà đầu tư dài hạn, trong khi các nhà hoạch định chính sách phải làm là đưa ra những quy định cụ thể tỷ lệ nhất định đầu tư vào một ngành; tỷ lệ phân bổ đầu tư tối đa vào một công ty không quá 10% hay cảnh báo mức độ rủi ro…