Đầu tư phim Việt: Cạm bẫy lớn
Ngày cuối tuần tháng 7 tại một rạp chiếu phim ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, một bộ phim kinh dị của Hollywood thu hút khá đông khán giả, gần kín rạp. Cùng thời điểm, một bộ phim Việt hài lãng mạn với chủ đề âm nhạc cùng dàn diễn viên, đạo diễn có tiếng lại có số lượng khán giả đếm trên đầu ngón tay. Phim Việt nổi lên gần đây như một tín hiệu tốt cho ngành sản xuất phim, nhưng một thị trường tự phát, còn “tranh tối tranh sáng” với số lượng phim ào ạt như hiện tại thì lời giải đầu tư sẽ nằm ở đâu?
Lực hút thị trường phim 7.500 tỉ đồng
Việt Nam được Tạp chí Hollywood Reporter xếp vào 1 trong 13 thị trường điện ảnh tăng trưởng nóng nhất thế giới. Điều này không quá ngạc nhiên khi nhìn trên những con số thực tế. Năm 2000, tổng doanh thu bán vé tại các rạp chiếu bóng ở Việt Nam đạt khoảng 45 tỉ đồng. Tám năm sau, con số này là gần 160 tỉ đồng và 5 năm tiếp theo đã tăng vọt xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. Đáng lưu ý hơn là giá trị toàn thị trường phim Việt năm 2015 đã được các nhà đầu tư ước tính đạt gần 2.500 tỉ đồng. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ là 7.500 tỉ đồng.
Có một so sánh thú vị để lý giải những con số tăng trưởng vừa nêu. Đó là giá vé xem phim trung bình hiện nay tại Việt Nam đã lên đến 60.000 đồng/vé, gần bằng với mức giá vé tại Malaysia, trong khi thu nhập bình quân đầu người tại 2 quốc gia chênh lệch nhau đến gấp 4-5 lần.
Chính sự hấp dẫn này đã tạo nên động lực cho các nhà sản xuất phim Việt Nam, bên cạnh sự sôi động của thị trường phim nhập khẩu từ các nước. Từ chỗ chỉ sản xuất vỏn vẹn 5-10 phim (năm 2010), chủ yếu dành để chiếu trong dịp Tết và lễ lớn thì năm nay, dự kiến ngành điện ảnh Việt Nam sẽ cho ra lò hơn 60 phim, rải đều cả năm (bình quân mỗi tuần một phim Việt). Ngoài ra, mức đầu tư bình quân cho một bộ phim cũng đã tăng từ 3 tỉ đồng lên khoảng 10-20 tỉ đồng.
Có 3 điều tạo nên động lực cho các nhà sản xuất phim Việt. Trước hết là sự khích lệ từ những bộ phim đã thành công. Cách đây 10 năm, phim Việt thường chỉ lãi khoảng 1-2 tỉ đồng, nhưng việc các bộ phim như Quả Tim Máu (2014) lãi đến 25 tỉ đồng đã khiến các nhà đầu tư để mắt đến lĩnh vực này. Gần đây nhất, trong số 10 phim có doanh thu cao nhất năm 2015, đã có đến 4 phim Việt. Trong đó, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, một bộ phim nghệ thuật do Hãng phim Thiên Ngân (Galaxy) và Cục Điện ảnh hợp tác sản xuất, là một thành công đầy bất ngờ, mang về doanh thu khoảng 78 tỉ đồng. Ngoài ra, phim Em Là Bà Nội Của Anh trong năm 2015 cũng đã đạt doanh thu hơn 100 tỉ đồng với kinh phí sản xuất chỉ khoảng dưới 9 tỉ đồng, thu hút 1,4 triệu lượt người xem sau hai tháng công chiếu, ngang ngửa với phim Để Mai Tính trước đó.
Vì vậy, các nhà làm phim trẻ và nhà đầu tư tư nhân đang xem đây là một sân chơi hấp dẫn, thu hút nguồn vốn đầu tư khá lớn. Tại Việt Nam, đáng chú ý là các công ty sản xuất phim chuyên nghiệp như Galaxy, CGV, Chánh Phương Film và BHD.
Yếu tố thứ hai góp phần thúc đẩy ngành sản xuất phim Việt là sự bùng nổ các hệ thống rạp chiếu với quy mô lớn, hấp dẫn công chúng, nơi ươm mầm cho các phim điện ảnh Việt. Tính đến ngày 1.8.2016, Công ty CGV đang sở hữu số lượng rạp chiếu phim và phòng chiếu lớn nhất Việt Nam với 35 cụm rạp; Lotte có 26 cụm rạp; Galaxy có 7 cụm rạp (sẽ mở cụm rạp thứ 8 dự kiến vào tháng 9 này); BHD có 6 cụm rạp cộng với một số ít rạp, nhỏ lẻ trên toàn quốc.
Trong khi đó, yếu tố thứ ba liên quan đến con người, cốt lõi thành công của ngành phim. Thời gian qua, đã xuất hiện nhiều đạo diễn và nhà làm phim sáng giá, tạo nên những sản phẩm hấp dẫn thị trường như Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Quang Dũng, Thái Hòa. Một số đạo diễn trẻ như Phan Đăng Di, Nguyễn Mỹ Dung, Trịnh Đan Phượng, Vũ Ngọc Phượng cũng đã bước đầu có những bộ phim ghi dấu ấn và nhận được giải thưởng, để có nguồn vốn tái sản xuất.
Bên cạnh đó là sự “lên ngôi” của nhiều sự kiện phim nội địa như Cánh Diều Vàng, Liên hoan Phim, Tuần lễ Phim, Giao lưu với các nhà làm phim châu Âu, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ, Lễ trao giải Bông Sen Vàng với các hoạt động “Chúng ta làm phim”, “Không gian phim”...
5 ăn, 5 thua
Và thế là nhà nhà làm phim, người người làm phim. Nhưng mấy ai hiểu rằng, phía sau những khoản lợi nhuận lớn cũng là những chiếc bẫy lớn. Dù được xác định là tiềm năng, sản xuất phim vẫn không phải là cuộc chơi dành cho những “tay non”.
Có thể nói, mô hình kinh doanh phim sản xuất đòi hỏi sự đầu tư bài bản. Bên cạnh chi phí sản xuất một bộ phim có chất lượng, lấy trung bình là khoảng 20 tỉ đồng thì nhà đầu tư còn phải tiêu tốn thêm hàng chục tỉ đồng cho các hoạt động quảng cáo, tiếp thị phim đến khán giả. Khi phim phát hành, nhà đầu tư còn phải tiếp tục chia sẻ cho hệ thống rạp theo tỉ lệ ăn chia 50/50. Ba khoản chi phí đầu tư vừa nêu đã đặt gánh nặng lên vai các nhà sản xuất. Đó cũng là lý do nhiều phim đình đám đã phải ngậm ngùi khi nhìn vào kết quả thu lại sau phát hành.
Điển hình như phim Dòng Máu Anh Hùng đầu tư khoảng 33 tỉ đồng chỉ thu về 7 tỉ đồng; phim Lửa Phật đầu tư 15 tỉ đồng, thu về khoảng chưa đến 1/3; phim Bẫy Rồng đầu tư hơn 30 tỉ đồng, nhận lại kết quả 12 tỉ đồng. Phim Quyên cũng được đồn đoán là lỗ đến hàng chục tỉ đồng, trên khoảng đầu tư 22 tỉ đồng. Và còn nhiều phim bị lỗ không được các nhà đầu tư tiết lộ.
Đó là chưa kể đến việc nhà đầu tư đôi khi còn phải chịu sức ép từ “quyền lực” của các nhà rạp. Dù được hiểu rằng có sự ăn chia sòng phẳng giữa nhà đầu tư sản xuất phim và ông chủ rạp theo tỷ lệ 50/50, nhưng đôi khi, nhà đầu tư phim cũng gặp nhiều khó khăn khi các ông chủ rạp muốn áp thế “trên cơ”. Thực tế đã ghi nhận, chủ rạp CGV đã bị 8 nhà sản xuất phim kiện vì giành quyền ăn chia theo tỉ lệ 55% nghiêng về CGV từ tháng 5.2016.
Ngay cả những nền điện ảnh lớn như Mỹ, việc làm phim cũng là một “canh bạc”. Trong số 21 phim mà hãng Warner Bros (WB) nổi tiếng tung ra trong năm 2012, chỉ có 2 phim đạt doanh số hơn 100 triệu USD tại thị trường Mỹ, trong đó có phim Mad Max: Fury Road. Tổng doanh thu 5 phim thành công nhất của WB trong năm 2015 vừa qua chỉ bằng chưa tới 1/2 so với cả tốp 5 phim của năm 2013 và năm 2014. Đáng ngại hơn, một số phim như phim PAN có thể làm WB mất tới 115 triệu USD. Ngay cả phim thành công nhất của WB trong năm 2015 là Mad Max thu về được 375 triệu USD, nhưng do kinh phí quá lớn là 150 triệu USD, nên lợi nhuận cũng thấp hơn nhiều.
Theo một nhà sản xuất từng làm việc với WB, một bài học cần nhớ trong ngành phim hiện nay là: “Bạn có đang chi tiêu quá nhiều cho một phim không có khả năng trở thành thương hiệu giá trị lâu dài và làm cho khán giả không muốn xem tiếp những phần sau không? Nếu có thì phải ngưng làm chuyện đó lại ngay!”. Theo nhà sản xuất này, phim PAN với kinh phí 150 triệu USD là quá đắt cho một đề tài không hấp dẫn và rất khó để phát triển các phần kế tiếp.
Trở lại với phim Việt, không chỉ áp lực về các con số đầu tư, với số lượng phim nội sản xuất liên tục thì liệu khán giả có đủ thời gian và sức mua để “hấp thụ” hết, trong khi lượng phim ngoại “nhập khẩu” vẫn không ngừng tăng? Ngoài ra, liệu sự phát triển ồ ạt về lượng có đảm bảo về chất (kịch bản, diễn viên) trong dài hạn? Rõ ràng, nguồn đầu tư cho sản xuất phim không thiếu, nhưng trớ trêu là ngành này đang đối mặt với “khủng hoảng nguồn lực” khi đầu vào là kịch bản, đạo diễn, diễn viên giỏi thiếu trầm trọng. Ở các nền điện ảnh chuyên nghiệp, một kịch bản cho phim được đầu tư từ 2-10 năm, trong khi ở Việt Nam, các kịch bản “ăn nhanh” khoảng 1-2 tháng, thậm chí có phim vừa quay vừa viết kịch bản. Những kịch bản chưa chín đã đi vào sản xuất gây nên sự suy giảm về chất lượng trong một số phim điện ảnh Việt.
Đặc biệt hơn, liệu sự tham gia quá nhiều của các nhà sản xuất, đạo diễn trẻ trong trào lưu làm phim với các phim kinh phí thấp, tự phát có làm thay đổi cấu trúc căn bản của ngành sản xuất phim trong dài hạn? Bài toán này vẫn còn mang một ẩn số lớn chờ đáp số.
Chính sách và tư duy nhà đầu tư
Hãy làm một so sánh về năng lực sản xuất phim giữa các thị trường. Ở khu vực Đông Nam Á, phim điện ảnh sản xuất nội địa của Thái Lan khoảng hơn 20 phim, Malaysia sản xuất được khoảng 15 phim, Philippines trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 30 phim. Tại Việt Nam, năm 2016, có đến khoảng trên 50 phim được sản xuất.
Rõ ràng, đầu tư có cân đong về lượng và chất là cách mà một số thị trường điện ảnh chuyên nghiệp châu Á đang hướng tới. Bên cạnh đó, các quốc gia trong châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Thái Lan còn nhận sự ủng hộ từ chính sách. Tại Hàn Quốc, một đất nước chưa đến 50 triệu dân, nhưng có tới hơn 40 cơ sở đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp và được chính phủ khuyến khích phát triển. Các cơ sở này không chỉ cung cấp nguồn nhân lực làm phim chuyên nghiệp nội địa mà còn “xuất khẩu” ra thế giới.
Thái Lan vào tháng 5.2016 đã ban hành một quyết định nhằm thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Theo đó, bắt đầu từ năm 2017, mỗi dự án phim có giá trị đầu tư tối thiểu là 1,5 triệu USD sẽ được chính phủ nước này giảm hoặc hỗ trợ tiền mặt (dưới nhiều hình thức như thuế, hỗ trợ giảm chi phí phát hành ở các rạp) tương đương khoảng 15-20% tổng giá trị đầu tư. Ngoài ra, với những phim quốc tế có bối cảnh quay tại Thái, có sử dụng diễn viên người Thái, sẽ được hỗ trợ thêm 3% trên tổng kinh phí làm phim, hay những bộ phim có bối cảnh quảng bá những cảnh đẹp, hỗ trợ ngành du lịch nước này sẽ tiếp tục được ưu đãi thêm 2%. Phó Thủ tướng Thái Lan Tanasak Patimapragorn đã thân chinh đến Liên hoan phim Cannes 2016 để quảng bá những cơ hội làm phim hấp dẫn tại quốc gia này. Tại đây, ông tuyên bố: “Chúng tôi cam kết sẽ biến Thái Lan thành điểm đến mơ ước của bất cứ đoàn làm phim nào!”.
Cả năm 2015, có tất cả 63 phim quốc tế có bối cảnh quay tại Thái so với số lượng 41 phim của năm 2014. Không chỉ các nhà làm phim nội địa Thái Lan đang ngày càng khẳng định mình trong nước, mà còn có các tác phẩm lớn của thế giới được quay tại Thái trong những năm gần đây bao gồm: Hangover II, The Beach, The Impossible và The Lady. Sự thành công lớn của bộ phim Trung Quốc Lost In Thailand vào năm 2013 đã dẫn đến một sự gia tăng đáng kể về số lượng khách du lịch Trung Quốc. Năm 2015, tại Thái, có 122 nhà sản xuất phim đến từ châu Âu và 37 nhà sản xuất phim đến từ Trung Quốc.
Trong 5 năm gần đây, ngành công nghiệp phim điện ảnh của Thái luôn tăng trưởng trên 20%/năm. Như vậy, để thấy rõ, ngành sản xuất phim không phải là một ngành đầu tư “được chăng hay chớ” hoặc “ăn may”, mà là một câu chuyện lớn của chính sách và tư duy của các nhà đầu tư. Tiếc thay, ở Việt Nam chưa có cơ chế hỗ trợ rõ ràng cho lĩnh vực này. Các nhà sản xuất tư nhân phải hiểu thấu đáo bài học kinh doanh hơn là chỉ trông chờ “sung rụng”.
Quang Dũng: Người ta gọi Nguyễn Quang Dũng là “đạo diễn bạc tỉ” vì làm 5 phim chiếu Tết thì có đến 4 phim đạt doanh thu kỷ lục. Vì sao 2 năm trở lại đây, phim điện ảnh ra rạp thường xuyên, không còn tập trung vào dịp Tết nữa? Anh đánh giá thế nào về sự cạnh tranh trên thị trường sản xuất phim điện ảnh hiện nay? Phim Việt sống sao khi phim ngoại quá nhiều như hiện nay? Yếu tố quan trọng nào làm nên thành công của bộ phim ở Việt Nam? Phan XINE: Thành công với bộ phim Em Là Bà Nội Của Anh, hiện đang tiếp tục quay bộ phim Cô Gái Đến Từ Hôm Qua (dựa trên truyện ngắn cùng tựa của Nguyễn Nhật Ánh). Từ thành công của bộ phim Em Là Bà Nội Của Anh, động lực để anh tiếp tục làm các bộ phim khác là gì? Anh có nhận xét gì về thị hiếu của khán giả Việt hiện tại? |
Tàng Long - Minh Nguyệt