hagl.com.vn

 
Vân Nguyễn Thứ Ba | 12/06/2018 08:56

Đầu tư nông nghiệp tại Lào: Bài toán đất đai và lao động

Việt Nam, một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Lào kể từ khi nước này mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Đầu tư Việt Nam sang Lào, trong 5 tháng đầu năm 2018, đạt với 80,12 triệu USD, chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Vẫn những “nút thắt” cũ

Thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Lào đã có những ưu đãi tương đối hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tương tự Việt Nam, Lào quy định giấy phép đầu tư được cấp trong vòng 10 ngày và không quá 25 ngày đối với các dự án có điều kiện.

Tuy nhiên, đầu tư sang Lào cũng có những rủi ro mà doanh nghiệp cần tính đến. Theo quan sát của ông Đoàn Thanh Nghị, Phòng Đầu tư ra nước ngoài, Cục đầu tư nước ngoài, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư tại Lào trong quá trình sửa đổi, nên có nhiều thay đổi và chưa thống nhất, đặc biệt là lĩnh vực đất đai và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một số dự án trồng cao su, nhà đầu tư Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ  (MOU) với chính quyền sở tại và tiến hành khảo sát, thăm dò cũng như xây dựng quỹ đất cho dự án. Tuy nhiên, chính quyền trung ương sau đó lại có văn bản cho rằng, diện tích đất đó thuộc rừng nguyên sinh, khu bảo tồn, nên thu hồi lại.

Ông Nghị vẫn nhớ vào năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Lào đã ban hành Chỉ thị số 13 dừng xem xét các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực cao su, dù trước đó, Bộ Nông nghiệp của Lào đã ký MOU với Bộ Nông nghiệp Việt Nam về trồng 100.000 ha Cao su tại Lào.

Dau tu nong nghiep tai Lao: Bai toan dat dai va lao dong

Trong quá trình theo dõi hoạt động của các dự án Việt Nam tại Lào, ông Nghị đã nhận được những phản hồi từ phía các doanh nghiệp Việt Nam về tình trạng các thủ tục đầu tư phía Lào rườm rà, mất thời gian. Đặc biệt là thời gian phê duyệt và thẩm định, đánh giá tác động môi trường, phê duyệt giấy phép đầu tư còn bị chậm.

Thêm nữa, lao động ở những địa phương có dự án hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Trong khi đó, chính sách của Lào lại quy định các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng tối đa 10% lao động Việt Nam ra nước ngoài. Thời gian visa cho lao động Việt Nam ngắn, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm mọi cách để huy động lao động tại địa phương.  

Ông Phạm Văn Dũng, thành viên Nhóm nghiên cứu “Đầu tư có trách nhiệm của các công ty Việt Nam trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại Lào”, dự án thuộc Hội Khoa học Đông Nam Á, cho biết, việc đưa lao động Việt Nam sang Lào cũng không dễ dàng. Bởi vì, theo quy định hiện hành, các nhà đầu tư phải trả phí cao, tới 500 USD/người/năm, để hoàn thành thủ tục cấp phép cho lao động.

Theo quan sát của ông Dũng, Lào đang có xu hướng bảo hộ lao động trong nước, trong khi vẫn còn thiếu chiến lược đào tạo kỹ năng, nâng cấp chất lượng lao động tại chỗ cùng với lộ  trình  tăng tỷ lệ lao động địa phương phù hợp. Do đó, các nhà đầu tư Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động.

“Vượt qua chính mình”

Từ kết quả 2 chuyến thực địa tại Lào vào Tháng 6.2017 và tháng 1.2018 của Nhóm nghiên cứu “Đầu tư có trách nhiệm của các công ty Việt Nam trong lĩnh vực nông lâm nghiệp tại Lào”, ông Dũng cho rằng, việc “vượt qua chính mình” không chỉ giới hạn ở lượng vốn của doanh nghiệp Việt tại Lào, mà còn ở khả năng nắm bắt cơ hội, tiếp cận các nguồn lực để đưa hàng hóa, dịch vụ ra thị trường đúng lúc nhất.

Theo ông Dũng, năng lực đầu tư hạn chế của các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào, vấn đề ít dược nhắc đến. Hạn chế đó, theo ông Dũng là khả năng nắm bắt thông tin, chính sách, xác định môi trường và cơ hội đầu tư, chuỗi giá trị và thị trường phù hợp với nội lực của doanh nghiệp.

Ông Dũng cho rằng, cào cản về ngôn ngữ và văn hóa cũng là lý do khiến một số doanh nghiệp bị giảm hiệu quả sản xuất. Ông kể, đã có nhiều lao động địa phương không muốn hợp tác với người quản lý khi nói to hoặc có những cử chỉ được coi là xúc phạm đến người lao động.

Dau tu nong nghiep tai Lao: Bai toan dat dai va lao dong

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào, hết năm 2017, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã phủ khắp 17/18 tỉnh, thành phố của Lào. Nhiều dự báo cho thấy, đầu tư của Việt Nam tại Lào ​sẽ tiếp tục tăng lên nhờ sự thúc đẩy của các yếu tố tài nguyên, lao động chi phí thấp, có biên giới chung và có nhiều người nói tiếng Việt.

Bà Hà Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), cho biết, AVIL đã kiến nghị Chính phủ Lào xem xét, quy hoạch lại quỹ đất; xác định khu vực phát triển nông nghiệp dài hạn, ưu tiên giao phía Việt Nam nghiên cứu dự án trồng cây ăn quả.

Một cơ chế ưu đãi trong đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cũng được AVIL đề xuất lên Chính phủ Lào, đó là giảm 30% tiền tô nhượng đất, giảm 50% tiền thuế sử dụng đất hằng năm, hỗ trợ hạ tầng giao thông, điện, nước vào dự án... Đồng thời xem xét cấp giấy phép kinh doanh thời hạn 5 năm thay vì 1 năm như hiện nay cho các dự án nông - lâm nghiệp kinh doanh tốt, phát triển ổn định.

Một tin tốt từ Nhóm nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Lào mới đây đã có văn bản hướng dẫn chung cho các nhà đầu tư tại Lào, cũng như những quy định chính quyền cấp tỉnh và người lao động phải thực hiện. Bộ này cũng quan tâm hơn đến việc xử lý những vướng mắc, trong đó có nội dung đất đai, trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Lào.