95% nhà đầu tư tại Việt Nam lại chỉ thích nắm giữ ngắn hạn, thậm chí lướt sóng hằng ngày. Ảnh: Quý Hòa.

 
Nguyễn Hằng Thứ Tư | 24/04/2024 07:30

Đầu tư ngắn hay dài?

Thị trường đang lên xuống như tàu lượn khiến các nhà đầu tư đi từ thái cực này sang thái cực khác...

“Những guru (bậc thầy) thật sự thường all in (mua hết toàn bộ tiền) hàng chục triệu cổ phiếu và nắm giữ trong thời gian dài. Họ có thể kiếm lời hàng ngàn tỉ đồng từ đầu tư chứng khoán”, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset kiêm Chủ tịch FIDT, cho biết trong một hội thảo do NCĐT và Học viện BizUni đồng tổ chức.

Tại sao những guru đầu tư chứng khoán hàng đầu như Warren Buffett khuyên đầu tư dài hạn, nhưng 95% nhà đầu tư tại Việt Nam lại chỉ thích nắm giữ ngắn hạn, thậm chí lướt sóng hằng ngày? 

Chuyên gia một đằng...

Theo dữ liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tăng rất mạnh kể từ sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Tính đến hết tháng 3/2024, nhóm nhà đầu tư này đã đạt tới hơn 7,6 triệu tài khoản, tăng gấp 3 lần so với tháng 3/2020 và chiếm đến 99,2% tổng số lượng tài khoản đầu tư trên thị trường. Bên cạnh đó, giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân cũng chiếm khoảng 90% thanh khoản thị trường. Lịch sử giao dịch gần đây cho thấy nhiều đợt thị trường biến động lớn, mà kết quả sau đó các nhà đầu tư cá nhân thường thua lỗ lớn.

“Thế giới đầy rẫy những tay đánh bạc ngu ngốc nhưng thành công của họ sẽ không bằng nhà đầu tư kiên nhẫn”, đó là lời khuyên của Charlie Munger, đối tác đầu tư suốt hơn 5 thập kỷ của Warren Buffett tại Berkshire Hathaway, được Buffett chia sẻ trong một lá thư gửi cổ đông.

Theo Munger, một số người chơi cổ phiếu với lối suy nghĩ của một tay đánh bạc, nhưng hiệu quả đầu tư của họ sẽ không bằng những người đầu tư vào một doanh nghiệp, biết nắm giữ cổ phiếu và dành cho doanh nghiệp đó nhiều thời gian để phát triển. Trong giai đoạn 1965-2022, Berkshire Hathaway đã đạt mức sinh lời trung bình hằng năm 20%, gần gấp đôi chỉ số S&P 500.

“Hai cuộc khủng hoảng thanh khoản năm 2009-2011 và 2021-2022 đã tạo ra cơ hội đầu tư tuyệt vời cho những nhà đầu tư dài hạn”, ông Tuấn nhớ lại. Một số khoản đầu tư từ khách hàng của ông đã tăng gấp nhiều lần như cổ phiếu Thép Hòa Phát, Vinamilk, PNJ hay FPT.

Tất nhiên, những nhà đầu tư dài hạn với nguồn vốn dồi dào không mua cổ phiếu dựa trên tin đồn hay cảm tính. Khi nhìn thấy cơ hội, họ yêu cầu những người quản lý tài sản của mình thực hiện các phân tích về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, triển vọng thị trường và xu hướng của ngành.

The Motley Fool, một công ty tư vấn đầu tư tại Úc, đã đánh bại S&P 500 trung bình 20% khi tính trung bình lợi nhuận của 198 cổ phiếu họ đã tư vấn trong suốt 8 năm, đặc biệt khuyến nghị khách hàng mua và nắm giữ cổ phiếu dài hạn trong ít nhất 5 năm với suy nghĩ thị trường sẽ lên xuống, nhưng qua thời gian thì xu hướng là đi lên.
“Trong ngắn hạn, chuyện gì cũng có thể xảy ra, bao gồm thị trường điều chỉnh và thậm chí lao dốc”, The Motley Fool giải thích về triết lý đầu tư. “Một trong những khoản đầu tư có thể giảm 20% giá trị ngày mai, nhưng nếu nắm giữ dài hạn, bạn có thể vượt qua chu kỳ suy thoái”. Công ty tư vấn này nói tình huống suy thoái có vẻ tuyệt vọng, nhưng việc giảm giá đó sẽ không còn là vấn đề trong 10 hay 20 năm sau.

Một điều đáng chú ý trong trường phái đầu tư dài hạn được vị Giám đốc Môi giới Mirae Asset khuyến nghị là “không nên chịu đựng qua một cuộc khủng hoảng hay đặt kỳ vọng vượt chu kỳ”. Mọi nền kinh tế đều vận hành theo một chu kỳ, trong đó sẽ có pha đi lên và đi xuống, dù xu hướng dài hạn hầu hết là đi lên. Là một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ tăng trưởng cao so với các nền kinh tế trưởng thành, tính chu kỳ của kinh tế Việt Nam vì thế cũng biến động rất cao.

... Nhà đầu tư một nẻo

“Để tránh nhiễu, họ thậm chí không dùng mạng xã hội”, Chủ tịch FIDT tiết lộ. Trái ngược với họ, các nhà đầu tư cá nhân tiếp xúc với một đại dương thông tin mỗi ngày. Bằng kinh nghiệm gần 20 năm trong ngành chứng khoán, ông Tuấn ước tính có đến 95% nhà đầu tư lướt sóng trên toàn thị trường, 5% còn lại là nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước. 

Đại dương thông tin thật giả lẫn lộn khiến những người lướt sóng thường bị quá tải thông tin mỗi ngày. Họ là người có tần suất giao dịch nhiều, được công ty chứng khoán bồi đắp bởi những sản phẩm thúc đẩy giao dịch như giao dịch ký quỹ (margin). Những người này, thường sử dụng hết hạn mức vay ký quỹ, luôn ở trong vòng xoáy giao dịch mua bán liên tục.

Không có gì chắc chắn 100% khi đầu tư. Cũng vậy, việc sử dụng đòn bẩy rất nguy hiểm. Đầu tư vốn dĩ đi kèm với rủi ro và bạn cần biết mức độ rủi ro mà mình gặp phải khi đầu tư. Đây là điều Munger chỉ ra việc sử dụng đòn bẩy có thể làm gia tăng đáng kể mức độ rủi ro của bạn.

“Lòng tham và sự sợ hãi” là 2 mặt của một đồng xu, luôn hiển thị trong tâm lý nhà đầu tư. Và dưới quan sát của Giám đốc Môi giới của Mirae Asset, nhà đầu tư cá nhân dường như thường làm ngược lời khuyên được nhận.

Một khía cạnh cực đoan của việc lướt sóng là thị trường chứng khoán phái sinh. Tỉ lệ ký quỹ chỉ 17% trong khi thị trường có những phiên biến động đến 5-7% đã khiến kênh đầu tư này mang tính may rủi cực đại. “Một khi đã vào trạng thái (dù là long hay short), tôi không dám đi vệ sinh”, nhiều nhà đầu tư đã trải nghiệm cảm giác đi tàu lượn này cảm thán. Họ có thể nhân nhiều lần tài khoản trong một thời gian ngắn, rồi cháy tài khoản trong một thời gian cũng ngắn không kém sau đó. “99,9% nhà đầu tư phái sinh cháy tài khoản, còn 0,1% thắng chính là những công ty chứng khoán thu phí”, ông Tuấn nói.

Nếu dài hạn là quá dài thì một chiến lược đầu tư trong trung hạn, giữ trong nhiều tuần, hoặc vài tháng có thể sẽ dễ chấp nhận với một số nhà đầu tư Việt Nam. Trong trường hợp này, “nhà đầu tư cần chủ động trang bị kiến thức về phân tích tài chính”, ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc Học viện BizUni, tư vấn.

Có thể bạn quan tâm:

2 chiều lãi suất