Nhân viên Amazon kiểm tra một robot nhà kho.

 
Văn Quốc Thứ Hai | 31/05/2021 07:30

Đầu tư doanh nghiệp “vào mùa”

Các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang trong cơn sốt đầu tư chưa từng có.

Trong một cuộc họp gần đây với các nhà đầu tư, Brian Olsavsky, Giám đốc Tài chính Amazon, tuyên bố chi phí vốn (capex) của doanh nghiệp này, như đầu tư vào việc mở rộng logistics và trung tâm dữ liệu, đã tăng tới 80% trong 12 tháng qua. 

Không chỉ Amazon, hàng loạt doanh nghiệp đều tuyên bố sẽ tăng mạnh đầu tư trong năm nay và những năm tới. Apple (Mỹ) sẽ đầu tư 430 tỉ USD tại Mỹ trong giai đoạn 5 năm, tăng 20% so với kế hoạch trước đó. Giới phân tích ước tính capex của Samsung (Hàn Quốc) sẽ tăng 13% năm nay sau khi đã tăng 45% vào năm 2020. TSMC (Đài Loan), nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, cũng công bố sẽ đầu tư 100 tỉ USD vào sản xuất trong vòng 3 năm tới. Đáng chú ý là các chuyên gia phân tích cho rằng cơn sốt đầu tư này chỉ mới bắt đầu. 

Nhà nhà chi tiêu 

Khi các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội được dỡ bỏ tại nhiều nước giàu, cùng với việc phổ biến vaccine, người dân đang được tự do ra ngoài và chi tiêu thỏa thích. Các nhà hàng ở Úc đang đông nghẹt người trở lại. Các trung tâm mua sắm ở Mỹ đang đầy ắp người mua sắm, một phần nhờ gói kích thích kinh tế của chính phủ nước này. Các rạp chiếu phim ở Anh cũng chật kín người xem kể từ được phép mở cửa trở lại giữa tháng 5.2021. 

 

Các doanh nghiệp cũng đang lao vào cơn sốt đầu tư vốn. Tại Mỹ, capex của các doanh nghiệp đang tăng với tốc độ hằng năm 15%, không chỉ đầu tư vào nhà xưởng, máy móc thiết bị mà cả các tài sản vô hình như phần mềm. Tại nhiều nước khác, capex cũng tăng cao. 

Có thể nói, triển vọng đầu tư doanh nghiệp trên toàn cầu chưa bao giờ xán lạn như lúc này. Các chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley dự báo “một chu kỳ capex nóng sốt”. Oxford Economics cũng cho rằng “nay là thời điểm rất thích hợp cho một cơn sốt capex”, trong khi IHS Markit dự báo đầu tư cố định thực trên toàn cầu sẽ tăng hơn 6% trong năm nay. 

Thái độ lạc quan này là một sự thay đổi hoàn toàn so với trước thời điểm dịch bệnh. Tại Mỹ, tỉ trọng tổng đầu tư doanh nghiệp nội địa trong GDP đã ì ạch kể từ đầu thập niên 1980. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, phải mất hơn 2 năm để đầu tư toàn cầu, theo giá trị thực, lấy lại mức đỉnh trước đó. Ngược lại, mặc dù đầu tư giảm sâu vào lúc dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, nhưng lần này capex đã phục hồi nhanh hơn. Triển vọng sáng sủa của capex hứa hẹn nền kinh tế toàn cầu sẽ không phải rơi vào tình cảnh đã từng xảy ra vào thập niên 2010 - thời kỳ tăng trưởng năng suất sản xuất và GDP ì ạch, chưa thể lấy lại phong độ như trước thời điểm khủng hoảng. 

Các nhà phân tích tin rằng cơn sốt capex sẽ còn kéo dài. Lấy ví dụ ở nhóm doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500. Trong một báo cáo gần đây, Bank of America đã phân tích kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này từ năm 2006 và kết luận rằng thời điểm hiện tại, các nhà điều hành đang lạc quan nhất về capex. The Economist cũng phân tích 25 doanh nghiệp phi tài chính lớn nhất trong S&P 500 và nhận thấy kỳ vọng của giới phân tích về capex năm 2021 đã tăng 10% trong năm vừa qua.

 

Cơn sốt sẽ kéo dài?

Hiện tại, sự khởi sắc về đầu tư chỉ tập trung ở một số ngành nghề. Các công ty công nghệ toàn cầu dự kiến sẽ tăng capex 42% năm nay, tương đương với năm 2019, vì đại dịch đã tạo ra những nhu cầu mới. Có thể thấy mua sắm ngày càng lên online, xu hướng làm việc ở nhà cũng gia tăng. Vì thế, rất cần đầu tư phần mềm và thiết bị mới để các hoạt động kinh doanh được cách trôi chảy. Báo cáo gần đây của Nicholas Bloom thuộc Đại học Stanford và Steven Davis cùng với Yulia Zhestkova của Đại học Chicago cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể về số hồ sơ xin cấp bản quyền sáng chế các công nghệ làm việc từ xa. 

Không chỉ khối công nghệ, các doanh nghiệp bán lẻ cũng rất tích cực gia tăng capex. Target và Walmart tìm cách bắt kịp tốc độ bành trướng của các gã khổng lồ bán lẻ online đang ăn vào thị phần của họ. Marks & Spencer (Anh) gần đây công bố đã ra mắt 46 website mới ở các thị trường nước ngoài từ Iceland đến Uzbekistan.

Các nhà bán lẻ khác như Peloton đang đẩy mạnh đầu tư để mở rộng năng suất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang tăng cao từ ghế trường kỷ cho đến bồn tắm. Maersk, một hãng vận tải biển, gần đây cho biết sẽ mua thêm nhiều container hơn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. 

Một câu hỏi lớn là liệu cơn sốt capex này có kéo dài? Không phải tất cả các doanh nghiệp đều đang tăng mạnh đầu tư. Phân tích của The Economist cho thấy khoảng 50% các công ty trong S&P 500 dự kiến sẽ không đầu tư nhiều hơn vào năm 2021 so với mức của năm 2019. Các công ty dầu khí toàn cầu thậm chí đang cắt giảm 1/10 so với mức đầu tư trước thời điểm dịch bùng phát. Các hãng hàng không và công ty khai thác tàu du lịch cũng đang giảm chi tiêu vì cho rằng sẽ mất một khoảng thời gian dài nữa để du khách đi lại thoải mái. Doanh nghiệp trong ngành nguyên liệu thô hay hàng hóa công nghiệp cũng siết lại chi tiêu vốn. 
 

 

Dù vậy, điều kiện kinh tế hiện nay có thể thuyết phục các doanh nghiệp đang do dự sẽ phải mở rộng hầu bao. Có thể thấy, các hộ gia đình có sức chi tiêu cao với lượng tiền tiết kiệm không nhỏ. Gói kích thích kinh tế ở nhiều nước cũng cho phép doanh nghiệp huy động thêm tiền. Bằng chứng là phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp Mỹ được xếp hạng đầu tư đã tăng lên con số kỷ lục 1.700 tỉ USD trong năm 2020, từ mức 1.100 tỉ USD của năm 2019, theo S&P Global Market Intelligence.

Quan trọng hơn, đại dịch đang đưa cả thế giới bước vào một thời đại công nghệ bùng nổ. Việc triển khai nhanh chóng các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới khi COVID-19 bùng phát có thể nhắc nhở các ông chủ doanh nghiệp về những trái ngọt của cải tiến và đổi mới. 

Tất cả những điều này khiến nhiều người tin tưởng kế hoạch capex của các doanh nghiệp trên toàn cầu trong năm tới thậm chí sẽ còn tham vọng hơn so với năm nay. Các chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley ước tính đầu tư toàn cầu sẽ tăng vọt, bằng 121% mức đầu tư trước thời kỳ suy thoái vào cuối năm 2022