Giải ngân vốn đầu tư công thường thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm, nhất là trong quý IV. Ảnh minh họa: TL.

 
Nhật Anh Thứ Hai | 17/10/2022 16:59

Đầu tư công vẫn là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm đạt 253.100 tỉ đồng, bằng 48,1% kế hoạch năm và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Xét ở cấp Trung ương, Bộ Giao thông và Bộ Xây dựng là hai bộ có tốc độ giải ngân vốn đầu tư hoàn thành 60% và 68% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình. Xét ở cấp địa phương, Hà Nội và TP.HCM là hai tỉnh có quy mô vốn đầu tư công lớn nhất, lần lượt hoàn thành 63% và 45% kế hoạch năm. 

 

Riêng tháng 9, chi đầu tư phát triển đạt 40.900 tỉ đồng, cao hơn 54% so với mức giải ngân bình quân theo tháng trong 8 tháng đầu năm. Điều này cho thấy tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã có sự cải thiện đáng kể trong tháng 9. Nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng còn lại của năm 2022 là rất lớn, ước khoảng 273.100 tỉ đồng. 
Nhìn lại năm 2021, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm cho đến hết tháng 11/2021, tuy nhiên, số liệu Bộ Tài chính cho thấy, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, tổng vốn chi đầu tư phát triển ước đạt 313.700 tỉ đồng. 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong trường hợp giải ngân được như kế hoạch năm và thêm một phần bổ sung từ chương trình phục hồi phát triển, chi đầu tư phát triển ước tăng 12,4% so với cùng kỳ trong cả năm 2022. Năm 2021, mặc dù chi đầu tư phát triển giảm 10,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi tiêu dùng của Nhà nước và GDP của khu vực Nhà nước  vẫn tăng lần lượt 4,7% và 4,9% so với cùng kỳ. “Tác động của đầu tư công lên nền kinh tế mặc dù có tính lan tỏa song luôn có độ trễ, việc duy trì được đà tăng trưởng trong giải ngân vốn đầu tư công và Chính phủ liên tục ưu tiên thúc đẩy tiến độ các dự án kỳ vọng sẽ là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế của năm sau”, VDSC nhận định. 

 

Còn theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tốc độ giải ngân hiện vẫn còn hạn chế tuy nhiên đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công thường thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm, nhất là trong quý IV. Thời gian qua, việc giải phóng mặt bằng chậm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá. Hơn nữa, kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021, nên thực tế đầu năm nay chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Trong khi đó, các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng.

 

Để đốc thúc việc giải ngân đầu tư công cho giai đoạn cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, 3 công điện và chỉ đạo 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 với mục tiêu phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao và giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022. 

Theo đó, KBSV kỳ vọng từ cuối năm 2022, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh và có kết quả rõ nét hơn và có thể đạt 90 - 95% kế hoạch, tương ứng với giải ngân hơn 200.000 tỉ đồng trong 4 tháng cuối năm. Rủi ro tiến độ thực hiện không được như mong đợi có thể đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan như tiến độ thi công chậm, giá nguyên vật liệu tăng cao hay các khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng.

Có thể bạn quan tâm 

Chính sách tiền tệ “Tam giác bất khả thi”