
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM cũng giao chỉ tiêu đảm bảo giải ngân 30% vốn đầu tư công trở lên vào cuối quý II. Ảnh: baochinhphu.vn
Đầu tư công đua nước rút
Trước tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công kéo dài tại nhiều dự án trọng điểm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã phát đi “tối hậu thư”, đến cuối năm 2025 chủ đầu tư nào giải ngân không đạt 80% kế hoạch vốn sẽ bị xem xét kỷ luật. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM cũng giao chỉ tiêu đảm bảo giải ngân 30% vốn đầu tư công trở lên vào cuối quý II.
Những giải pháp như vậy đã góp phần giúp giải ngân đầu tư công tăng ấn tượng 40% trong nửa đầu năm nay (theo số liệu từ Bộ Tài chính), phản ánh sự cải thiện trong thủ tục hành chính, một rào cản từng gây đình trệ giải ngân trong những năm trước. Không chỉ các dự án cấp tỉnh, các dự án quy mô quốc gia cũng được đẩy nhanh tiến độ. Thời gian khởi công và hoàn thành một số công trình lớn như sân bay Long Thành (13 tỉ USD), đường vành đai Hà Nội và TP.HCM (13 tỉ USD) và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (8,4 tỉ USD) đã được rút ngắn tới 3 năm.
“Một số tỉnh, thành tại Việt Nam đang tiến hành sáp nhập hành chính, một phần của làn sóng cải cách sâu rộng trong khối Nhà nước và khối tư nhân. Các bước đi này, cùng với những sáng kiến khác của Chính phủ, đã giúp bộ máy hành chính cả ở trung ương lẫn địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, đặc biệt với các dự án đã sẵn sàng triển khai, chẳng hạn như mở rộng và nâng cấp hệ thống đường và cao tốc hiện hữu”, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, đánh giá.
![]() |
Quốc hội đã thông qua một loạt biện pháp cho phép chính quyền địa phương phê duyệt các dự án quy mô lớn (như sân bay, khu đô thị trên 50 ha) mà trước đây phải trình Thủ tướng xem xét. Đồng thời, quy trình phê duyệt cho các dự án công cả ở cấp Trung ương lẫn địa phương đang được tinh giản và Chính phủ đang tích cực thúc đẩy mô hình đối tác công - tư (PPP), bao gồm cả việc khôi phục lại các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), vốn đã bị đình trệ trong nhiều năm qua, cũng như khả năng mở rộng phạm vi định nghĩa dự án PPP vượt ra ngoài hạ tầng truyền thống như đường, cầu, hầm… để bao gồm cả trung tâm dữ liệu và các thành phần khác của “hạ tầng công nghệ cao”.
Một ví dụ khác cho thấy hiệu quả của việc tinh giản bộ máy là việc sáp nhập 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh thành 20 Kho bạc Nhà nước cấp khu vực và bỏ Kho bạc Nhà nước cấp huyện đã giúp giảm đầu mối của hệ thống Kho bạc với doanh nghiệp. Các nhà thầu giờ đây có thể nộp hồ sơ trực tuyến tới Kho bạc khu vực, giúp thời gian giải ngân rút ngắn chỉ còn 1-3 ngày, thay vì quy trình trước đây phải đến trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện đến Kho bạc nơi giao dịch.
Kế hoạch đầu tư công năm 2025 dự kiến ở mức hơn 790.000 tỉ đồng, thậm chí mục tiêu giải ngân lên tới 825.900 tỉ đồng, tăng 21% so với kế hoạch năm 2024, cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc sử dụng nguồn lực này để kích thích kinh tế. Bởi vì, để đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, 6 tháng cuối năm, cần tăng trưởng 8,4-8,5%, một mức tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều thách thức.
![]() |
Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để duy trì đà giải ngân mạnh mẽ cho đầu tư hạ tầng. Nợ công của Chính phủ hiện ở mức dưới 40% GDP, tức trong giới hạn an toàn (dưới 60% GDP) trong khi thặng dư ngân sách 5 tháng đầu năm 2025 đạt trên 5% GDP và có hơn 45 tỉ USD chưa được giải ngân cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, để có nguồn lực cho đầu tư công, Chính phủ có thể phải tăng cường vay nợ. Bên cạnh nỗi lo về quản lý vốn vay hiệu quả để tránh tạo gánh nặng lên ngân sách nhà nước, việc vay nợ có thể làm tăng lãi suất thị trường, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn hoặc phải vay với chi phí cao hơn, từ đó làm giảm động lực đầu tư của khu vực tư nhân. Hiện ICOR (hiệu quả vốn đầu tư) tại Việt Nam khoảng ở mức 6. Theo chuyên gia của Dragon Capital, bài học từ các quốc gia như Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc cho thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao mà Việt Nam đặt ra, ICOR cần nằm trong ngưỡng 2-4.
Việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ tạo ra cơ hội vàng cho khối tư nhân, không chỉ thông qua việc trực tiếp tham gia dự án mà còn gián tiếp hưởng lợi từ sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đại diện VinaCapital, mặc dù giải ngân đầu tư công tại Việt Nam tăng trưởng tích cực, cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết liên quan đến đầu tư công vẫn còn hạn chế. Nhiều nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu chính đang hưởng lợi từ việc bùng nổ đầu tư hạ tầng hiện nay là các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng một số doanh nghiệp hạ tầng niêm yết lại gặp hạn chế về quản trị doanh nghiệp và năng lực tài chính.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để đầu tư công thực sự trở thành động lực phát triển, cần có một hệ thống toàn diện bao gồm pháp luật, thể chế, quy trình, công cụ quản lý và năng lực thực thi. Các nước phát triển thường có hệ thống trách nhiệm cá nhân rất cao, gắn liền với hiệu quả công việc và kết quả dự án. Trong đó, đảm bảo các luật, nghị định, thông tư liên quan đến đầu tư công có sự đồng bộ, không chồng chéo, không mâu thuẫn để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện; xây dựng và thực thi mạnh mẽ các luật, quy định phòng chống tham nhũng, có cơ chế giám sát độc lập và hình phạt đủ răn đe để ngăn chặn thất thoát, tiêu cực.
Có thể bạn quan tâm