Nguồn lực của nền kinh tế sẽ được huy động và sử dụng hiệu quả hơn nếu như đầu tư tư nhân và đầu tư công đều phát huy mạnh mẽ thế mạnh của mình. Ảnh: TL

 
Minh Phúc Thứ Tư | 26/03/2025 07:30

Đầu tư công cần chất

Hiệu quả của đầu tư công nâng cao chất lượng tăng trưởng, chứ không chỉ đơn thuần là việc gia tăng về số lượng và tăng trưởng GDP.

Sự phụ thuộc của Việt Nam vào thương mại quốc tế thể hiện rõ qua biến động của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2023-2024. Với độ mở cao, nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước những gián đoạn và xung đột trong thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung các biện pháp giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại. Cần lưu ý rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng gần gấp 4 lần kể từ năm 2016, lên 124 tỉ USD vào năm 2024.

Trước bối cảnh này, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 lên ít nhất 8% và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030 là thách thức lớn. Đặc biệt, chỉ với xuất khẩu và sản xuất sẽ không đủ để thúc đẩy nền kinh tế đạt mức tăng trưởng vượt trội như vậy.

Việt Nam do đó sẽ cần tăng cường đầu tư vốn, đặc biệt từ khu vực đầu tư công, không chỉ để mở rộng tăng trưởng mà còn để giảm thiểu tác động tiêu cực nếu thương mại gặp suy thoái. Tỉ lệ đầu tư vốn của Việt Nam đã duy trì quanh mức 30% GDP trong ít nhất 1 thập kỷ qua. Việt Nam có cơ sở để đẩy mạnh đầu tư công, nhất là khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong tương lai.

 

Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đánh giá đầu tư công vào cơ sở hạ tầng là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng vẫn là một trong những điểm nghẽn lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tổng giá trị đầu tư công vào hạ tầng có xu hướng tăng qua các năm nhưng tỉ lệ giải ngân chỉ đạt khoảng 70-80% ngân sách. Về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn đầu tư) cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân.

“Hiệu quả của đầu tư công hiện nay còn nhiều dư địa để cải thiện. Không nhất thiết phải tăng thêm vốn mà chỉ cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng đã có thể tạo ra sự gia tăng đáng kể trong tăng trưởng GDP”, ông Hùng nói.

 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư sẽ bước vào giai đoạn nước rút, khi hoàn thành sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và vùng kinh tế. Quốc hội đã phê duyệt tăng ngân sách đầu tư công từ 27 tỉ USD năm 2024 lên 36 tỉ USD trong năm nay. Các dự án hạ tầng quy mô lớn đã được xác định, trong đó có các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 67 tỉ USD, đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ và hệ thống đường bộ cao tốc trên toàn quốc.

Theo tính toán của giới phân tích, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 4,2 triệu tỉ đồng, tương ứng tăng 14,6% so với năm 2024; trong đó giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 875.000 tỉ đồng, tăng gần 30% so với kế hoạch năm 2024. Nợ công của Việt Nam ước tính vào khoảng 36-37% GDP năm 2024, thấp hơn đáng kể so với mức trần 60% theo quy định của Quốc hội. Mức nợ công thấp mang lại dư địa dồi dào cho các gói kích thích tài khóa trong trung hạn. Do đó, cần hóa giải nghịch lý tỉ lệ giải ngân đầu tư công vẫn nằm trên giấy chứ tiền thực sự chưa chảy ra thị trường để tạo hiệu ứng lan tỏa.

Mặt khác, để huy động tài chính cho các dự án đầu tư công, Việt Nam cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn thay vì chỉ dựa vào ngân sách nhà nước. Việc thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) là một giải pháp quan trọng để giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách, đồng thời tận dụng được nguồn lực từ khu vực tư nhân. Đặc biệt, mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần có những cơ chế cụ thể như mạnh dạn đặt hàng, giao một số việc lớn. Rõ ràng, nguồn lực của nền kinh tế sẽ được huy động và sử dụng hiệu quả hơn nếu như đầu tư tư nhân và đầu tư công đều phát huy mạnh mẽ thế mạnh của mình. 

Có thể bạn quan tâm 

Chuỗi cung ứng mới của gỗ