Dầu thô Mỹ "tái xuất giang hồ": Liệu thị trường có dậy sóng?
Mùa đông năm 1975, trong bối cảnh phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng do các nước Trung Ðông ngừng xuất khẩu dầu thô, Tổng thống Mỹ khi đó là Gerald Ford bèn ký lệnh cấm quốc gia này xuất khẩu dầu thô nhằm đáp trả. Theo đó, các công ty khai thác dầu thô của Mỹ chỉ được bán cho nhà sản xuất dầu trong nước, trừ một số bang có thể xuất dầu thô sang Canada.
Tròn 40 năm sau, vào ngày 18.12.2015 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nói trên. Quyết định này thuộc gói Dự luật chi tiêu và giảm thuế trị giá 1.800 tỉ USD, diễn ra khi giá dầu thế giới đang giảm sâu xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm, chỉ 35,5 USD/thùng.
Quân bài chính trị
Suốt thời gian “bế quan tỏa cảng” không xuất khẩu dầu thô, nước Mỹ đã phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp lọc và khai thác dầu. Nhiều tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ khai thác dầu đá phiến, đã đưa Mỹ vượt qua Saudi Arabia và Nga để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới với sản lượng 9,2 triệu thùng/ngày. Nước Mỹ ngày nay cũng không còn phải lo thiếu hụt năng lượng. Theo số liệu năm ngoái, nguồn cung dầu trong nước có thể đáp ứng 89% nhu cầu của quốc gia này.
Trên bình diện quốc tế, khối OPEC hiện chỉ còn chiếm khoảng 30% thị phần dầu mỏ thế giới, so với mức 55% hồi năm 1973. Những năm gần đây, Nga và Venezuela, hai quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu và hiện phải đối mặt với tình trạng giá dầu giảm, cũng liên tục “đối đầu” chính trị với Mỹ trên trường quốc tế. Đây rõ ràng là lúc Mỹ hội đủ nội lực tham gia chi phối thị trường dầu mỏ thế giới, hướng đến việc làm suy yếu hơn nữa sức mạnh của Nga và khối OPEC, đặc biệt là thành viên Venezuela.
Mặt khác, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cũng sẽ giúp các đồng minh của quốc gia này ở châu Âu và châu Á giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ Nga. Theo tính toán của hãng nghiên cứu IHS, riêng khu vực Ðông Âu sẽ giảm hơn 1/3 sản lượng dầu nhập khẩu trực tiếp từ Nga, Venezuela, và các quốc gia OPEC khác sau sự kiện này.
Về khía cạnh kinh tế, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ cũng sẽ khởi sắc, góp phần thu hút đầu tư vào hoạt động thăm dò, khai thác và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. IHS tính toán rằng hoạt động xuất khẩu dầu của Mỹ trong năm 2016 sẽ góp phần tăng GDP nước này thêm 73 tỉ USD, và lên đến 134 tỉ USD vào năm 2018. Ngoài ra, hàng trăm ngàn việc làm mới cũng sẽ được tạo ra. Tất cả các yếu tố trên chính là chất xúc tác hiệu quả cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế nước Mỹ.
Thay đổi cuộc chơi?
Hiện tại, ở một số thị trường Mỹ cho phép xuất khẩu dầu như Canada, sản lượng ở mức 580.000 thùng/ngày. Mức này chỉ ngang với sản lượng xuất khẩu của một số thành viên nhỏ thuộc OPEC như Ecuador hay Libya. Với việc dỡ bỏ lệnh cấm, trong số 9,2 triệu thùng dầu thô được sản xuất mỗi ngày trên đất Mỹ và 490,7 triệu thùng dầu thô dự trữ thương mại của quốc gia này có thể được xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo dự báo của IHS, sản lượng xuất khẩu dầu của Mỹ cũng sẽ không cao hơn quá nhiều, chỉ đạt khoảng 665.000 thùng/ngày năm 2016 và sẽ lên đến 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2020.
Lý do khá rõ ràng. Mỹ là nước không có tiềm năng xuất khẩu dầu với số lượng lớn. Dù Mỹ có thể vượt Saudi Arabia và Nga trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nước của quốc gia này quá lớn (lên đến 19 triệu thùng/ngày).Vì thế, Mỹ vẫn là phải nhập siêu dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước và rất khó có thể xuất khẩu quá nhiều.
Có thể thấy, thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới trong tương lai gần sẽ vẫn là sân chơi của những nước giàu truyền thống như Nga, Venezuela và các quốc gia OPEC khác. Và một trong những động thái mới nhất là OPEC đã quyết định nâng trần sản lượng khai thác dầu thô lên 31,5 triệu thùng/ngày.
Như vậy, Mỹ xuất dầu trở lại trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ thế giới hiện đang dư thừa, mức cầu vẫn “ì ạch”, dầu lại chịu áp lực giảm giá sau khi FED tăng lãi suất. Theo Goldman Sachs, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng giá dầu tiếp tục đi xuống, bất chấp việc Mỹ có tham gia vào thị trường xuất khẩu dầu mỏ hay không. Thậm chí, Goldman Sachs còn đưa ra một viễn cảnh đầy “u ám” rằng giá dầu có thể xuống mức 20 USD/thùng.
“Tuy nhiên, nếu kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ hơn, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ tăng lên đáng kể. Và đến khi đó, chúng ta sẽ có cơ hội để thấy rõ hơn tác động của việc Mỹ tham gia vào hàng ngũ các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới”, báo cáo của Goldman Sachs cho hay.
Trong dài hạn, quyết định xuất dầu trở lại của Mỹ chắc chắn sẽ là một sự thay đổi cuộc chơi. Nhờ việc độc quyền làm chủ công nghệ khai thác dầu từ đá phiến ở cấp độ thương mại với chi phí thấp, giá thành dầu siêu nhẹ của Mỹ đã giảm xuống thấp hơn nhiều so với chi phí khai thác dầu kiểu cũ. Ðây sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nước phụ thuộc vào công nghệ truyền thống, góp phần giúp Mỹ chiếm lĩnh thị trường dầu thế giới.
Cũng trong dài hạn, dầu thô của Mỹ sẽ tìm thấy một thị trường mới đầy hứa hẹn. Ðó là Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất châu Á. Trong tương lai, sẽ có không ít các công ty lọc dầu Trung Quốc tìm mua dầu thô ngọt Mỹ trộn với dầu thô nặng và rẻ của Trung Đông, nhằm giảm giá thành sản phẩm. Các nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ chiếm 1/3 năng suất lọc dầu của Trung Quốc và 13 nhà máy trong số đó đã được cấp hạn ngạch nhập tổng cộng 55 triệu tấn dầu mỗi năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này.
Theo số liệu của Citi Research, nhập khẩu ròng dầu thô của Trung Quốc đã tăng 7,9% trong 10 tháng đầu năm 2015. Citi dự báo nhập khẩu ròng dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng ít nhất 5% trong năm 2016, đạt 7 triệu thùng/ngày. Trong đó, 60% sản lượng nhập khẩu sẽ đến từ khối OPEC và 40% đến từ các thị trường xuất khẩu dầu khác. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn tiêu thụ khoảng 31,93 triệu thùng dầu/ngày, cũng là đối tượng khách hàng mà các nhà xuất khẩu dầu của Mỹ nhắm tới.
Các nhà máy lọc dầu ở châu Á, thị trường truyền thống của Việt Nam, cũng có công nghệ chưa phù hợp với dầu đá phiến ngọt nhẹ từ Mỹ. Và để đến châu Á, dầu đá phiến từ Mỹ sẽ phải đi qua chặng đường xa hơn 1/3 so với quãng đường vận chuyển dầu từ Trung Đông hay các nước khai thác dầu như Việt Nam. Vì thế, chi phí phí sẽ cao hơn nhiều và không hiệu quả kinh tế. Trong trung hạn, các thị trường truyền thống nhập khẩu dầu Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi dầu từ Mỹ.
Tính đến thời điểm hiện tại, do phân khúc thị trường truyền thống khác nhau nên Mỹ chưa phải là đối thủ đáng gườm ảnh hưởng trực tiếp đến dầu thô xuất khẩu Việt Nam. Năm 2015, mặc dù lượng dầu thô sang Việt Nam xuất sang Nhật, Úc và Trung Quốc có giảm nhẹ, nhưng lại tăng rất cao ở thị trường Malaysia, Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, việc Mỹ mở cửa xuất khẩu dầu mỏ lần đầu trong 40 năm sẽ gián tiếp tác động kéo giá dầu mỏ toàn cầu về vùng đáy rộng, dao động dưới mức 45 USD/thùng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo từ nay đến năm 2020, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng dưới 1%.
Bối cảnh này sẽ làm giảm thu ngân sách từ xuất khẩu dầu của Việt Nam và khiến dự thu ngân sách từ dầu thô ước đạt 159.000 tỉ đồng năm 2016 càng thêm khó khăn.
Nguyệt Minh