Thứ Sáu | 19/04/2013 09:27

Đấu thầu vàng có bình ổn được thị trường?

Dường như việc đấu thầu bán vàng miếng chưa đạt được mục tiêu bình ổn thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng cao.
Một năm qua đầy xáo trộn trên thị trường vàng vì những chính sách mới khiến vàng luôn trở thành “điểm nóng”, nhất là nhiều tháng qua thị trường vàng luôn bất ổn, giá vàng trong nước chênh lệch với giá thế giới khá cao, có thời điểm gần 7 triệu đồng mỗi lượng.

Nhằm bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành tổ chức đấu thầu vàng. Vậy đấu thầu vàng liệu có bình ổn được thị trường hay không?
Mơ hồ về bình ổn thị trường vàng
Bình ổn thị trường về bản chất là bình ổn giá bởi trên thị trường, giá cả là tín hiệu, là hàn thử biểu phản ánh thực trạng của thị trường. Việt Nam không sản xuất vàng nguyên liệu, phải nhập khẩu vàng để đảm bảo cân đối cung cầu. Do vậy, giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới. Bình ổn thị trường vàng đồng nghĩa giá vàng trong nước phải theo sát và liên thông với giá vàng thế giới.

Như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng tuyên bố: chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới chỉ cần 400.000 đồng/lượng là hợp lý. Tuy nhiên, không nên hiểu một mức chênh lệch “cố định” này để làm căn cứ can thiệp thị trường. Phải tùy theo tín hiệu thị trường, tùy thuộc sức mua của VND, tỷ giá... và không phải lúc nào cũng phải cố để giữ chênh lệch giá vàng ở một mức cứng như vậy.

Liên quan tới thị trường vàng, Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ một trong những mục tiêu năm 2013: “Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông và sát với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân”.

Nhưng trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội cuối năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện quan điểm không nhất thiết phải bình ổn giá vàng, ông Bình nói: “Nếu thấy rằng chênh lệch giá như thế mà phải bình ổn thì rõ ràng không có lý do để bình ổn, kể cả về mặt tác động đối với kinh tế vĩ mô cũng như bản chất của vàng miếng” và “liên thông giá vàng là vấn đề chúng ta không đặt ra”.

Như vậy chấp nhận giá trong nước không liên thông với quốc tế. Đây là hệ quả buông xuôi của một loạt chính sách dồn đọng thời gian qua và thể hiện sự bất lực của quản lý nhà nước trước một thị trường rối ren và phức tạp.

Trả lời trên website của Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho rằng, mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường.

Cũng như vậy, sau phiên đấu thầu vàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước trả lời trước phóng viên báo chí: “Mục tiêu của chúng tôi là bình ổn thị trường chứ không chạy theo bình ổn giá, không dùng cách thức bù giá để ép giá xuống. Giá vàng là do thị trường tự điều chỉnh”.

Như vậy, theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước: “Đấu thầu vàng nhằm bình ổn thị trường, không bình ổn giá” là chưa chuẩn, còn mơ hồ. Một khi đã không nhất thiết phải bình ổn mà vẫn bình ổn theo những quan điểm mơ hồ nào đó ắt sẽ dẫn đến những kết quả mơ hồ.

Như vậy, với quan điểm mơ hồ không phản ảnh đúng bản chất của mục tiêu bình ổn thị trường vàng chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy mà hậu quả nhãn tiền là vàng SJC luôn đứng cao hơn giá vàng thế giới, tiềm ẩn rủi ro cực lớn cho thị trường.

Đấu thầu bán vàng miếng

Không đạt mục tiêu bình ổn thị trường

Qua 8 phiên đấu thầu, tổng cộng đã có 223.600 lượng vàng được cung ứng ra thị trường, tương đương 8,6 tấn vàng, trong tổng số 262.000 lượng vàng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu.

Cho đến thời điểm này, chênh lệch giá giữa vàng SJC và giá vàng thế giới lại gia tăng khoảng cách lên 6 triệu đồng/lượng. Với kết quả 8 phiên đấu thầu vàng đã thực hiện, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường như vậy là chưa thành công.

Nguyên nhân đấu thầu vàng không đạt được mục tiêu bình ổn thị trường: Giá vàng trong nước bị chi phối bởi giá vàng thế giới, trong khi giá vàng thế giới tăng hay giảm trong tương lai luôn là một “ẩn số”.

Thị trường vàng quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, giá vàng thế giới liên tục biến động theo cả hai chiều tăng và giảm. Ngân hàng Nhà nước cũng khó có thể biết trước tương lai của giá vàng để đưa ra “cái nhìn trong dài hạn” mà xác định giá sàn phù hợp với xu hướng biến động của giá vàng thế giới.

Trong 8 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước định giá chủ yếu dựa theo giá trong nước có tính đến giá thế giới nhưng với sự phòng ngừa rủi ro quá lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, mức giá sàn đấu thầu đưa ra được tính toán từ thực tế của thị trường và “có cái nhìn dài hạn”. Ở đây Ngân hàng Nhà nước đã quên vai trò điều hành, quản lý để đi kinh doanh.

Từ sự ôm đồm đó khiến dư luận đặt dấu hỏi về “khả năng” định giá và dự báo giá vàng của Ngân hàng Nhà nước trong tương lai, nhất là sau phiên đấu giá thất bại sáng 28/3.

Một mặt khác, trên thế giới chưa có ngân hàng nào độc quyền nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, sau đó đấu giá để cung cấp nguồn cung vàng cho thị trường. Trong khi tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước lại kiêm tất cả vai trò này và trở thành đơn vị kinh doanh vàng. Mà kinh doanh thì không thể đứng ra bình ổn thị trường được, vì có sự mâu thuẫn trong lợi ích.

Nguyên tắc cao nhất của Ngân hàng Nhà nước khi tham gia thị trường vàng là phải bảo đảm dự trữ ngoại hối quốc gia, không được lỗ. Do vậy, dù Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục đấu thầu vàng thì chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới khó có thể giảm xuống.

Giá vàng trong nước đang có biểu hiện giảm chậm hơn nhưng lại tăng nhanh hơn so với giá vàng thế giới, khiến khoảng cách giá giữa hai thị trường bị kéo giãn mạnh. Chênh lệch giá vàng SJC trong nước với thế giới vẫn lên tới 6 triệu đồng/lượng đang cho thấy nhiều nguy cơ tiềm ẩn trên thị trường vàng.

Ngoài ta, nếu Ngân hàng Nhà nước chào thầu và bán ra với mức giá gần sát với giá vàng quốc tế, thì không có gì bảo đảm doanh nghiệp trúng thầu sẽ bán vàng với giá rẻ. Rất có thể ngân hàng trúng thầu mua vàng với giá rẻ, nhưng lại duy trì mức giá cao như giá thị trường để hưởng mức chênh lệch lớn nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Ngân hàng Nhà nước chào thầu vàng miếng với giá thấp sát với giá thế giới, các ngân hàng sẽ mua vào để đóng trạng thái, chứ chưa hẳn bán ra thị trường.

Như vậy, người được lợi lớn nhất là các ngân hàng này chứ chưa hẳn là người dân.

Với cách đặt giá sàn của Ngân hàng Nhà nước như vậy, chắc chắn giá vàng trong nước sẽ luôn cao hơn so với giá vàng thế giới, việc bình ổn thị trường vàng càng trở nên xa vời và không mấy ai tin vào điều này.
Chính sách bình ổn thị trường vàng
Chính sách “một mình một chợ” hoặc điều tiết thị trường vàng chủ yếu bằng biện pháp hành chính cần được xem xét lại. Ngân hàng Nhà nước nên trở về với các nhiệm vụ cố hữu của một ngân hàng Trung ương trong việc điều tiết chính sách tiền tệ và cải thiện tình trạng vĩ mô, không tham gia sản xuất kinh doanh.

Hãy trả lại việc kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất – kinh doanh thì phải để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cùng tồn tại thay vì độc quyền.

Bên cạnh đó, nên thành lập sở giao dịch vàng quốc gia, chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản...) trên một trung tâm giao dịch tập trung. Cho phép thành lập các quỹ tín thác bằng vàng (ETF- Exchange Traded Fund) như một công cụ tài chính quốc tế. Tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường cho phép người dân ở mọi vùng miền đều được hưởng lợi, có điều kiện giao dịch thuận lợi.

Sau khi ổn định trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu thực hiện chủ trương tiếp tục huy động vàng trong dân, nhưng lần này không phải để ngân hàng thương mại kinh doanh mà Ngân hàng Nhà nước sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về Ngân hàng Nhà nước.

Song, để thực hiện điều này, Nhà nước sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện