Đầu năm đi săn cổ phiếu
Thị trường chứng khoán năm 2017 cũng như 2 tháng đầu năm 2018 đã có những diễn biến đầy kịch tính. Chỉ số VN-Index từng vượt mốc 1.100 điểm và đạt giá trị giao dịch toàn thị trường lên hơn 14.000 tỉ đồng/phiên (25.1.2018). Dù sau đó, với kỳ nghỉ Tết, chỉ số và giao dịch chứng khoán có lúc sụt giảm nhưng xu hướng tăng vẫn là chủ đạo.
Nhìn về thị trường năm 2017 và xét cả những phiên sôi động của năm 2018, ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), chưa từng nghĩ, quy mô giao dịch mỗi phiên lại có lúc lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng như thế. Theo tính toán của ông Giang, phải vài năm nữa, thị trường mới có thể đạt tới quy mô này. Tuy nhiên, diễn biến thị trường đã vượt xa mọi dự đoán của giới phân tích.
Trong đà phấn khích đó, cổ phiếu nào được giao dịch sôi động nhất?
Trái chiều về cổ phiếu ROS
Theo báo cáo mới nhất của HSC, trong hơn 800 mã cổ phiếu đang giao dịch, riêng nhóm 15 cổ phiếu gồm ROS, VNM, VNL, HPG, FLC, HBC, MSN, VRE, HSG, SSI, VJC, DXG, VIC, ACB, SHB đã chiếm gần 38% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2017. Đây cũng là nhóm cổ phiếu được giao dịch sôi động nhất.
Cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros giữ vị trí quán quân khi chiếm gần 8% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường vào năm ngoái. Trong năm 2017, mỗi ngày nhà đầu tư chi trung bình 400-700 tỉ đồng để giao dịch cổ phiếu ROS. Cá biệt có những phiên như ngày 8.5.2017, giá trị giao dịch của ROS đã lên gần 1.500 tỉ đồng. Vì thế, một số công ty chứng khoán như HSC, vì không triển khai cho vay ký quỹ (margin) đối với ROS, FLC mà ít nhiều bị giảm thị phần môi giới. Dù vậy, HSC vẫn giữ quan điểm thận trọng khi đánh giá về ROS, FLC.
Đối với các quỹ đầu tư chỉ số như FTSE ETF, VNM ETF, iShares MSCI Frontier 100 ETF thì ROS có vốn hóa và thanh khoản phù hợp để trở thành cổ phiếu không thể thiếu trong rổ danh mục. Sau 3 kỳ liên tiếp mua vào và nâng mức sở hữu lên gần 4 triệu cổ phiếu trong năm 2017, với giá giao dịch bình quân 131.000 đồng/cổ phiếu, đến cuối năm 2017, quỹ FTSE ETF ước lãi khoảng 36% từ việc đầu tư ROS. Còn ở quỹ VNM ETF, mức lãi ước tính từ việc đầu tư ROS năm 2017 là gần 90%.
Tuy nhiên, trong mắt hầu hết các nhà đầu tư, ROS, FLC vẫn là cổ phiếu có tính đầu cơ. Tính từ lúc lên sàn (tháng 9.2016), ROS đã tăng phi mã, từ mức tham chiếu 10.500 đồng vọt lên 181.700 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2017. Có những thời điểm, ROS còn tăng lên 214.000 đồng/cổ phiếu (ngày 1.11.2017 và 4.11.2017). Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của ROS tuy ghi nhận tăng trưởng mạnh nhưng có nhiều vấn đề gây nghi ngại.
Chẳng hạn, trong hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận sau thuế các năm 2016, 2017 của ROS, hơn phân nửa đến từ hoạt động tài chính. Nhiều công ty mà ROS ủy thác đầu tư hàng trăm tỉ đồng gần như không có thông tin công bố.
Các dự án mà ROS tham gia cũng ít nhiều liên quan đến FLC hoặc Chủ tịch Trịnh Văn Quyết. Điều này rất khác với các doanh nghiệp cùng ngành là triển khai dự án cho nhiều đối tác khác nhau. ROS cũng là đơn vị có mức tăng vốn ngoạn mục từ 1,5 tỉ đồng lúc mới thành lập (năm 2011) lên mức 4.729 tỉ đồng hiện nay. Vì thế, theo một số chuyên gia, đầu tư ROS chỉ phù hợp với những ai thích lướt sóng, dám chấp nhận rủi ro.
Săn hàng tốt
Thị trường chứng khoán năm 2017 tăng trưởng ổn định, ngoạn mục chủ yếu nhờ sự đóng góp quan trọng của hàng loạt tên tuổi. Đó là VNM của Vinamilk, NVL của Novaland, HPG của Hòa Phát, HBC của Hòa Bình, MSN của Masan, VRE của Vincom Retail, VIC của Vincom, VJC của Vietjet… Chỉ riêng giao dịch của VNM và NVL là đủ vượt hơn ROS.
Năm 2017, ở một số đơn vị này diễn ra nhiều sự kiện, khiến cả thị trường sôi sục. Đơn cử, trước, trong và sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái bớt vốn khỏi VNM, ở VNM đều có những làn sóng giao dịch mạnh mẽ. Hay VRE đã tạo một phiên giao dịch đột biến ở ngày thứ 2 lên sàn (7.11.2017) với giá trị lên tới 414 triệu USD (gần 17.000 tỉ đồng) từ nhà đầu tư nước ngoài.
Đây là bước chuyển tiếp sau đợt chào bán cổ phần thứ cấp của VRE. Riêng VJC kể từ khi lên sàn liên tục được săn đón và có những thông tin hấp dẫn về triển vọng ngành hàng không, về mở đường bay mới, kinh doanh tăng trưởng ấn tượng...
Về phần NVL, dù năm 2017 khá im ắng, chủ yếu hoàn thiện các dự án cũ nhưng theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau khi các dự án ổn định về mặt pháp lý, doanh nghiệp này sẽ triển khai nhanh dự án mới, bởi quỹ đất khá lớn. VDSC dự đoán năm 2018, NVL sẽ mở bán 4 dự án mới, gồm giai đoạn 2 dự án Victoria Village, Water Bay, dự án F, Harbor City và kỳ vọng đạt tăng trưởng lớn về doanh thu.
Nhà đầu tư tích cực giao dịch cổ phiếu HPG, HBC… bởi các doanh nghiệp này có vị thế tốt trên thị trường, kinh doanh tăng trưởng và có triển vọng dài hạn. Chẳng hạn, trong năm qua, HPG được hưởng lợi từ việc ghi nhận lợi nhuận từ mảng bất động sản cũng như việc giá thép liên tục tăng. Trong dài hạn, nhà đầu tư đặt cược vào Khu liên hợp thép Dung Quất của HPG.
Riêng trong mảng ngân hàng và chứng khoán, thị trường đã tập trung giao dịch nhiều nhất các cổ phiếu như SSI, ACB, SHS. So với các công ty cùng ngành, SSI hiện có quy mô vốn lớn nhất, dẫn đầu về thị phần môi giới cũng như doanh thu, lợi nhuận. Sang năm 2018, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc SSI, tin rằng: “Trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều thương vụ tỉ USD xuất hiện. Một khi nhà đầu tư có niềm tin để sẵn sàng rót vốn vào thị trường thì cả nền kinh tế, thị trường chứng khoán cũng sẽ phát triển tốt”.
Ông Trịnh Hoài Giang cũng nhận định, tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay khác nhiều so với 10 năm trước. Nhà đầu tư nước ngoài liên tục rót vốn vào Việt Nam vì nhìn thấy sự dịch chuyển đáng kể trong nền kinh tế, thông qua việc nới room 100% cho khối ngoại ở nhiều doanh nghiệp, việc Nhà nước đã và đang thoái vốn tại các công ty lớn như Sabeco, Vietcombank, Vinamilk...
Đối với mảng ngân hàng, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, từng chia sẻ, kinh tế đang trên đà tăng trưởng nên hoạt động ngân hàng trong năm 2018 sẽ tiếp tục theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 15.1.2018 cũng góp phần làm lành mạnh bảng cân đối và sức khỏe của các ngân hàng.
Thực tế, các báo cáo phân tích lẫn khảo sát gần đây đều chung nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ nóng nhất trong năm 2018. Kế đó là bất động sản, xây dựng, hàng tiêu dùng… Những ngân hàng đã trải qua quá trình tái cơ cấu, chú ý đến hoạt động cốt lõi đang được giới phân tích khuyến nghị đầu tư nắm giữ