Đâu là mối nguy lớn nhất đối với giá dầu toàn cầu?
Số các nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ (teapot) - chế biến dầu thô thành dầu FO hay còn gọi là dầu mazut - đang giảm vì khi giá dầu tuột dốc, chính phủ giảm chiết khấu cho các nhà máy lọc dầu này - vốn được gọi là teapot theo thuật ngữ của ngành dầu khí - khi xuất khẩu nhiên liệu. Kết quả là các nhà máy này sử dụng ít hơn dầu thô, tăng lượng dầu sẵn có cho xuất khẩu, làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung toàn cầu.
Theo James Henderson, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford - đã theo dõi ngành năng lượng hơn 20 năm qua, cho biết, xuất khẩu dầu thô của Nga có thể tăng 250.000 thùng/ngày trong năm nay - mức tăng lớn nhất trong gần một thập kỷ qua.
Theo ông Henderson tác động tiêu cực mà Nga đang phải gánh chịu khi giá dầu lao dốc khiến lượng dầu sẵn có cho xuất khẩu tăng lên. Rất ít các nhà máy lọc dầu teapot của Nga có thể giảm hoạt động.
Xuất khẩu dầu thô của Nga - một trong 3 nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới cùng với Arab Saudi và Mỹ - tăng sẽ gia tăng áp lực lên giá dầu thô, vốn đã giảm hơn 50% từ năm 2014. Giá năng lượng giảm trong khi Mỹ và EU tăng cường các đòn trừng phạt đã đẩy Nga đến bờ vực suy thoái, làm giảm nhu cầu sản phẩm nhiên liệu lọc dầu của nước này.
Giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, giao tháng 5/2015 trên sàn ICE Futures Europe London phiên thứ Sáu 20/3 tăng 89 cent, tương đương 1,6%, lên 55,32 USD/thùng. Cả tuần giá tăng 0,6%. Lượng dầu thô bốc dỡ tại các cảng của Nga trong quý I năm nay tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bloomberg.
Năm 2014, các nhà máy lọc dầu teapot chế biến 800.000 thùng dầu thô mỗi ngày, theo Igor Dyomin, người phát ngôn của Công ty vận hành đường ống dẫn dầu OAO Transneft. Nhà máy teapot thường chỉ sản xuất dầu FO thay vì các loại nhiên liệu cao cấp hơn, theo ông Dyomin.
7 nhà máy lọc dầu teapot với tổng công suất 1,2 triệu thùng/ngày sẽ gặp rủi ro lớn nhất trong môi trường giá như hiện nay, theo ông Henderson.
Sản lượng chế biến có thể giảm 400.000 thùng/ngày trong mùa bảo dưỡng định kỳ vài tháng tới. Và với lượng lớn dầu dư thừa được xuất khẩu, áp lực lên giá dầu thô sẽ tăng lên, theo JBC Energy GmhH, công ty tư vấn trụ sở tại Vienna.
Bất chấp việc OPEC duy trì mục tiêu sản lượng trong phiên họp hồi tháng 11/2014 nhằm giữ thị phần và cạnh tranh với dầu đá phiến của Mỹ, sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC vẫn chưa giảm.
Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên 9,42 triệu thùng/ngày, cao nhất trong hơn 30 năm qua, kể cả khi các công ty dầu khí giảm chi tiêu và số lượng giàn khoan đang hoạt động giảm xuống thấp nhất kể từ 2011.
Tăng trưởng xuất khẩu dầu của Nga có thể chững lại khi các nhà máy lọc dầu, do ảnh hưởng của hệ thống thuế hiện hành, đang cố gắng thay đổi chiến lược.
Igor Sechin, giám đốc điều hành OAO Rosneft, hồi tháng 2 vừa qua đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng những thay đổi về thuế trong năm nay đã làm thay đổi tính kinh tế của hoạt động lọc dầu và dẫn đến việc tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ nhà nước đối với các dự án lọc dầu.
Xuất khẩu dầu thô của Nga trung bình đạt 4,84 triệu thùng/ngày trong năm 2014, giảm 6,1% so với năm 2013.
Trong báo cáo hồi tháng 1, Rosneft cho biết, các nhà máy lọc dầu teapot - chủ yếu sản xuất dầu FO - chỉ đạt lợi nhuận 85 USD/thùng và bắt đầu “mất tiền” khi giá dầu Brent ở 50 USD/thùng.
Theo ông Dyomin, khi giá dầu cao, việc xuất khẩu dầu FO sẽ có lợi và các nhà máy sẽ nhận được khoản khấu trừ thuế lớn. Người ta gọi đó là “dầu hỏng” vì sản phẩm làm ra có giá trị thấp hơn dầu thô đầu vào sử dụng để làm ra chúng. Giờ đây mọi chuyện đã thay đổi.
Nguồn DVO/Bloomberg