Đâu là mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho 2017?
Theo mục tiêu quốc gia, trước năm 2020, Việt Nam sẽ có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao với khoảng 200 doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 20 doanh nghiệp tham gia trong một số lĩnh vực hạn chế.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận những nỗ lực lớn của doanh nghiệp (và một số cá nhân) trong việc đầu tư và phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần tăng năng suất, cung ứng được nguồn sản phẩm phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Đó là câu chuyện về “Huy Long An và vườn chuối triệu đô”, hay “Trại nấm mỡ hiện đại nhất Việt Nam”, “Vườn lan cho thu nhập hàng triệu đô”, “Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính”, “Trồng rau khí canh”...
Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính
Công ty Cổ phần Việt - Úc, một doanh nghiệp nước ngoài có chi nhánh tại Bạc Liêu, là đơn vị tiên phong ứng dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Công ty đã đầu tư hơn 180 tỉ đồng trên diện tích 50ha, đạt sản lượng 40-80 tấn/ha/vụ, khoảng 300 tấn/ha/năm. Ước tính sản lượng tăng từ 10-15 lần so với cách nuôi tôm truyền thống của nhiều hộ dân.
“Tại Việt Nam, có nhiều mô hình nuôi tôm khác nhau như nuôi quản canh có mật độ 3-6 con/m2, bán thâm canh mật độ cao hơn có thể từ 70-100 con/m2. Còn mô hình nuôi siêu thâm canh sẽ có mật độ 300-500 con/m2. Khu nuôi siêu thâm canh được ứng dụng những công nghệ cao như công nghệ nhà màng Israel, công nghệ lọc nước tuần hoàn theo chu kỳ của Đức và Mỹ, công nghệ vi sinh...”, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt - Úc, cho biết.
Với chi phí đầu tư vào khoảng 7 tỉ đồng/ha, nếu so sánh với chi phí đầu tư mô hình khác, rõ ràng cao hơn gấp khoảng 10 lần. Tuy nhiên, mô hình đầu tư này là hướng đi mới có thể giúp ngành nuôi tôm xuất khẩu của Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh để vượt qua những rào cản kỹ thuật và thương mại mà nhiều thị trường đang dựng lên. Bởi vì, mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng chi phí vận hành lại rẻ hơn nhiều và có thể giảm thiểu được rủi ro trong nuôi tôm.
Hiện tại, Việt - Úc đang xây dựng khu sản xuất phức hợp trên diện tích hơn 310ha tại xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu), với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất con giống, nhà máy chế biến thức ăn, quản lý nuôi và chế biến hàng xuất khẩu. Với 2-3 vụ/năm, sản lượng dự kiến đạt khoảng 260.000 tấn tôm/năm và trở thành dự án nuôi tôm sạch lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dự kiến đến năm 2018, diện tích nuôi tôm trong nhà kính của Công ty sẽ đạt 1.000ha.
Giống chuối mới xuất ngoại
Nhật, Dubai, Hàn Quốc, Trung Đông… là những thị trường mà giống chuối FOHLA đang có được vị trí khá vững. Đây là giống chuối được Công ty Huy Long An đầu tư phát triển vùng trồng. Từ mảnh đất phèn không cây cỏ nào sống nổi, sau 20 năm cải tạo tại đây là một trang trại chuối với 50 chiếc xe cơ giới xuôi ngược.
“Chúng tôi đang trồng chuối ở 2 nơi. Diện tích trồng ở Tây Ninh hơn 70ha và ở Long An là 50ha, dự kiến được mở rộng thành 100ha vào cuối năm”, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Huy Long An, từng cho biết. Khoản đầu tư cho mô hình trồng chuối sạch lên tới hàng triệu USD. Chuối được nhập giống từ Đài Loan và thậm chí, “lão nông” còn chịu chơi khi mời chuyên gia Frederick I. Silvero, có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chuối từ Philippines về tư vấn cho trang trại chuối FOHLA. Mỗi hecta trồng được khoảng 2.500 cây chuối, cho ra 20-30 tấn chuối thành phẩm (tỉ lệ hư hại, hao hụt khoảng 30%). Với giá bán tại vườn từ 8.000-10.000/kg, tỉ lệ lợi nhuận đạt được trung bình 25-30% nếu quản lý tốt.
Với chất lượng cao, chuối FOHLA đã được lên kệ hàng tại các hệ thống siêu thị của Nhật. Có vị ngọt nhẹ, song lại thơm và giá cạnh tranh hơn chuối Philippines từ 2.000-3.000/kg, chuối FOHLA đã được xuất những container đầu tiên sang các hệ thống siêu thị Don Kihote, Daiei... của Nhật. “Phải sau 7-8 tháng vừa làm vừa học, đến nay quy trình đóng gói và xuất khẩu chuối mới hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng Nhật và đảm bảo chất lượng chuối”, chuyên gia nông nghiệp Võ Quang Thuận, con trai lớn của ông Huy, cho biết. Tiếp nối sau đó là những đơn hàng dài hạn được ký kết với các đối tác tại Dubai và thị trường Trung Đông sau hàng loạt các chuyến thăm và tìm hiểu của các thương gia tại những quốc gia này.
Từ rau “lơ lửng” đến rau thủy canh
Ở nhiều nước trên thế giới, công nghệ khí canh được xem là một bước tiến trong nông nghiệp, mở ra một hướng đi mới cho công tác trồng trọt, đáp ứng một phần nhu cầu cấp bách hiện nay về rau sạch cũng như diện tích đất canh tác bị thu hẹp hoặc ô nhiễm. Tại Việt Nam, mô hình tạo ra giống khoai tây chất lượng cao trong môi trường khí canh của các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học Nông nghiệp Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Quang Thạch làm chủ nhiệm đã thành công. Trong khi công trình này đang dừng lại ở “mô hình”, thì một số sản phẩm rau được trồng khí canh đã có mặt tại bữa ăn của nhiều hộ gia đình.
Hệ thống trồng rau khí canh. Ảnh: Sơn Phạm |
“Với diện tích hiện tại 200m2, mỗi ngày tôi có thể cung ứng cho thị trường được khoảng 100kg rau; so sánh về tốc độ phát triển thời gian sẽ nhanh hơn 30% và với tốc độ tăng trưởng nhanh, mình có thể tăng được chu kỳ sản xuất và diện tích có thể trồng cao gấp 3,3 lần”, anh Dương Minh Trung, Giám đốc, người sáng lập mô hình rau khí canh của Công ty Rau Sạch Ngon, cho biết.
Mô hình này tiết kiệm nước so với các mô hình khác, bởi hệ thống cung cấp chất dinh dưỡng dưới dạng phun sương và được thu lại ngược về bể chứa, sau đó sẽ được tái cung cấp cho cây. Với lượng phân bón cho cây, công ty anh Trung thu mua thịt, xương cá phế phẩm của các nhà máy chế biến cá với giá thấp, sau đó nấu và chế biến thành phân đạm để cung cấp vào hệ thống nước phun tưới cho cây. Đặc biệt, khu nhà kín chống sâu bọ được trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời để vận hành các hệ thống tưới, hệ thống chiếu sáng...
Cùng với khí canh, thủy canh được xem là mô hình nông nghiệp khá phổ biến. Tại Lâm Đồng, mô hình thủy canh được một cô giáo về hưu thực hiện và cho đến nay đã cung ứng được sản phẩm cho nhiều hệ thống siêu thị. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ công ty chuyên cung cấp giống rau của Hà Lan, cô giáo về hưu Phạm Thị Thu Cúc đã trở thành người đầu tiên tại Lâm Đồng trồng thành công rau thủy canh theo công nghệ châu Âu.
Ưu điểm của mô hình này là tỉ lệ rau hư hao rất ít, gần như lá nào cũng dùng được do khâu bảo quản tốt và tuyệt nhiên không bị lấm đất. Với diện tích 1.000m2, bà trồng được 25.000 cây rau xà lách, mỗi cây có trọng lượng trung bình trên dưới 200gr, có thể thu 5 tấn mỗi lứa. Sản phẩm rau thủy canh được hệ thống siêu thị lớn như Metro, VinMart, Big C nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá từ 40.000-50.000 đồng/kg, tùy loại xà lách. Với giá bán này, trung bình bà Cúc thu trên 230 triệu đồng cho 1.000 m2, mỗi đợt. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, công chăm sóc, còn lãi khoảng 100 triệu đồng.
Ảnh: Đức Tài |
“Vũ nữ” xuất ngoại
Trang trại hoa của bà Phạm Thị Nhung có diện tích hơn 3ha tại Đơn Dương, Lâm Đồng được thiết kế với những dãy nhà kính kiên cố, nổi bật giữa một cánh đồng bằng phẳng; bên trong nhà kính là những vạt hoa lan vũ nữ vàng rực được đặt trên những giàn giá thể.
Nhà trồng lan của bà Nhung được trang bị hệ thống tưới phun sương, quạt tạo gió công suất lớn. Mặt đất được trải bạt nhựa, phía trên được thiết kế thêm lưới đen để hạn chế ánh sáng mặt trời nhằm cân bằng nhiệt độ cho hoa sinh trưởng.Theo bà Nhung, để thành công được với nghề trồng lan vũ nữ không phải là dễ. Chỉ riêng việc làm chủ kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh cũng đã là một vấn đề lớn.
Để ổn định năng suất, bà thuê một kỹ sư chuyên lo việc quản lý kế hoạch và kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Hiện cứ cách một vài tháng bà Nhung lại cho nhân giống lan vũ nữ ra trồng ở một khu vực mới, tạo nên các lớp kế tiếp nhau, liên tục cho ra sản phẩm để không bị đứt quãng nguồn hàng.
Mỗi gốc lan vũ nữ ở đây thời điểm bình thường được bán với giá trung bình 300.000 đồng; nếu cắt cành xuất bán trong nước, giá dao động 80.000 đồng/bó. Vào dịp lễ, Tết, giá tăng khá cao. Gần đây, lan vũ nữ của gia đình bà Nhung không còn dừng lại ở thị trường nội địa mà bắt đầu vươn xa bằng những chuyến xuất ngoại cả container sang Singapore. Doanh thu mỗi năm từ trang trại lan vũ nữ của gia đình bà Nhung lên tới cả chục tỉ đồng.
Trại nấm mỡ hàng triệu đô
Ông Tăng Thành Đức, chủ trại nấm mỡ triệu đô, từng được Chính phủ Canada vinh danh là người trồng nấm mỡ số 1 vì trang trại của gia đình ông đứng đầu cả về sản lượng lẫn chất lượng. Quay trở về Việt Nam, ông Đức và vợ - bà Huỳnh Thị Nghiêm - tiếp tục phát triển mô hình này tại vùng đất cao nguyên thuộc xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng - nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, phù hợp để cây nấm phát triển.
Theo bà Nghiêm, thời hoàng kim với nghề làm nấm của gia đình là vào những năm 1996-1997. Lúc đó vợ chồng bà sở hữu 3 trang trại trồng nấm mỡ tại Canada, với diện tích gần 100ha. Theo tính toán của ông Đức, dây chuyền vận hành trại nấm của ông ở N’Thol Hạ tốn 1 triệu USD. Tuy nhiên, do diện tích cả khu sản xuất và chứa nguyên liệu chỉ rộng chưa tới 3.000m2 nên nhiều loại máy móc hoạt động chưa hết công suất. Hiện trại nấm sử dụng 4 lao động thường xuyên tại địa phương, sản lượng nấm đạt 10 tấn mỗi tháng, với giá bán tại trại là 100.000 đồng/kg. Sản lượng có thể đạt tới 15 tấn mỗi tháng mà chất lượng vẫn đảm bảo.
Vì áp dụng công nghệ, nên công việc tại trang trại khá nhẹ nhàng, ông Đức và 2 công nhân có thể vận chuyển 60 tấn giá thể vào giàn trồng nấm trong thời gian chỉ một buổi, sau đó chỉ việc vận hành máy móc. Theo nhận định của ông Đức, ở Việt Nam có nhiều nhà đầu tư dư vốn để thực hiện các dự án như thế này, nhưng họ chưa thực sự đam mê, hoặc còn dè dặt về khâu kỹ thuật. Còn các hộ gia đình cũng khó liên kết thành tổ hợp để làm thành dự án công nghiệp công nghệ cao một cách bài bản. Theo Tiến sĩ Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, trại nấm của ông Đức là một trại nấm có kỹ thuật tiến tiến nhất ở Việt Nam hiện nay. Sản phẩm nấm ở đây không chỉ đạt tiêu chuẩn VietGAP mà chất lượng tương đương với loại nấm mỡ sản xuất tại Canada đang được nhiều nước nhập khẩu.
Hoàng Quân