Đâu là đích ngắm mới của Sacom?
Năm 2015 ghi nhận mốc son của ngành du lịch Việt Nam với 57.000 lượt khách, tăng trưởng 48% so với năm trước. Theo Tổng cục Du lịch, du khách cũng chi mạnh tay hơn khi tổng doanh thu toàn ngành đạt 330.000 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2014.
Trong khi sức cầu tăng trưởng mạnh, phía nguồn cung cũng có những thay đổi lớn. Trong năm qua, nhiều công ty du lịch nhà nước đã tiến hành cổ phần hóa và giới tư nhân cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Điển hình có thể kể đến thương vụ giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) cùng Công viên Đầm Sen gần đây.
Ra mắt từ năm 1989, Công viên Đầm Sen đã đi vào tiềm thức của người dân TP.HCM. Còn Sacom, sau khi từ bỏ ý định mua Tổng Công ty Ôtô Việt Nam (Vinamotor), Đầm Sen đang là đích nhắm mới của họ.
Du lịch thay Ôtô
Nếu như đầu năm 2015, SAM ngỏ ý muốn mua Vinamotor thì đầu năm nay, công ty này lại quyết định sẽ rót vốn thêm vào Công ty Du lịch Phú Thọ, thành viên của Saigon Tourist. Cả Vinamotor lẫn Du lịch Phú Thọ đều có mức vốn điều lệ sau cổ phần hóa xấp xỉ cả ngàn tỉ đồng.
Cuối năm 2015, Sacom đã sở hữu 5,16% vốn điều lệ của Du lịch Phú Thọ, sau khi mua 6,13 triệu cổ phần với giá 12.000 đồng/cổ phần, bằng giá khởi điểm đấu giá. Và mới gần đây, theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị của Sacom, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm để trở thành cổ đông chiến lược với tỉ lệ sở hữu dự kiến là 30,7%.
Phú Thọ là công ty du lịch “nóng” ngay từ khi bắt đầu cổ phần hóa. Ðợt IPO của Du lịch Phú Thọ nhận được nhiều sự quan tâm với 78 nhà đầu tư đặt mua số lượng cổ phần cao hơn số lượng chào bán công khai.
Một trong những lý do là vì Du lịch Phú Thọ sở hữu thương hiệu giải trí mạnh ở thị trường TP.HCM. Tài sản đáng kể nhất của Công ty chính là thương hiệu Đầm Sen. Ngoài Công viên Đầm Sen, Du lịch Phú Thọ còn sở hữu cả Công viên nước Đầm Sen (33%), một công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Hai hệ thống kinh doanh giải trí này có lợi thế lớn về mặt địa lý, khi nằm ở trung tâm thành phố.
Khác với Suối Tiên hay Đại Nam, du khách có thể lui tới Công viên Đầm Sen khá dễ dàng. Với công suất thiết kế 100.000 khách/ngày, bình quân từ năm 2011-2013, Công viên Đầm Sen đón trên 2 triệu khách/năm.
Ngoài Công viên Đầm Sen, Du lịch Phú Thọ còn sở hữu 8 công ty con kinh doanh du lịch, nhà hàng và 3 đơn vị liên kết. Có thể kể ra một số cái tên khác như Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát, Trung tâm dịch vụ du lịch Đầm Sen, Nhà hàng Phong Lan, Nhà hàng Thủy tạ Đầm Sen, Khách sạn Ngọc Lan, Khách sạn Phú Thọ, Trung tâm chăm sóc sức khỏe và Giải trí Đầm Sen (Đầm Sen Plaza).
Việc Sacom quyết chuyển hướng từ ôtô sang du lịch là dễ hiểu, bởi tài sản thiên nhiên mà Du lịch Phú Thọ đang sở hữu sinh lời tốt hơn. Trong khi ngành công nghiệp sản xuất ôtô nội địa gặp khó, thì năm 2014, Du lịch Phú Thọ tạo ra 474 tỉ đồng doanh thu với tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu là 33,7%.
Mảnh ghép bất động sản
Mặc dù Sacom nhảy vào du lịch, nhưng đây chỉ là một mảng bổ sung trong hướng đi đa ngành của Công ty. Từ năm 2010, Sacom đã đổi tên từ “Công ty dây và cáp” sang “Công ty đầu tư và phát triển”.
Những diễn biến gần đây cho thấy Sacom đang dần ưu tiên cho mảng tài chính, bao gồm cả bất động sản và đầu tư tài chính. Theo báo cáo tài chính trong cả 3 niên độ gần đây, tỉ trọng vốn điều lệ rót vào mảng bất động sản và tài chính đã chiếm phần lớn tài sản của Sacom. Còn theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2015, đầu tư tài chính dài hạn chiếm gần 86% quy mô tài sản của công ty này.
Sacom cũng không che giấu kế hoạch đa ngành và mô hình công ty mẹ - con của mình. Ngoài lĩnh vực kinh doanh truyền thống là dây và cáp các loại, việc Sacom lấn sân mảng du lịch có lẽ cũng không nằm ngoài mục tiêu phục vụ cho việc đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Du lịch Phú Thọ không phải là đơn vị nhà nước cổ phần hóa duy nhất mà Sacom đưa vào tầm ngắm. Điểm chung của Vinamotor và Du lịch Phú Thọ là sở hữu quỹ đất lớn nhờ lợi thế công ty nhà nước trước đây. Với Vinamotor, lợi thế đất đai nằm ở các công ty con, vốn sở hữu nhiều nhà xưởng rộng lớn như Công ty Cơ khí Ôtô 3/2, Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự hay Công ty Cổ phần Ôtô 1/5. Trong khi đó, với đặc thù là hoạt động kinh doanh giải trí, quỹ đất của Du lịch Phú Thọ cũng không hề ít.
Việc bắt tay với Du lịch Phú Thọ còn có thể giúp Sacom mở rộng thêm mảng bất động sản nghỉ dưỡng. Hiện Sacom đang sở hữu dự án phức hợp Sacom Tuyền Lâm ở Đà Lạt. Dự án này bao gồm khu nghỉ dưỡng và sân golf.
Trong bản kế hoạch hoạt động những năm tới, Du lịch Phú Thọ cũng có nhiều dự án liên quan đến bất động sản. Ngoài việc nâng cấp hạ tầng hiện có ở Đầm Sen, Vàm Sát thành khu nghỉ dưỡng cao cấp, công ty này còn có những dự án bất động sản khác trong tương lai. Có thể liệt kê một số dự án như Cao ốc Đầm Sen hay Khách sạn Thể thao Sài Gòn. Các dự án này có chung mô hình, bao gồm khối đế là trung tâm thương mại và giải trí hiện đại, phía trên là khách sạn.
Hiện nay, cái khó của Du lịch Phú Thọ là lĩnh vực khách sạn lại kém hiệu quả, tỉ suất lợi nhuận của nhà hàng cũng đang giảm, mặc dù lĩnh vực vui chơi giải trí, du lịch, du lịch sinh thái có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao, mang lại trên 60% lợi nhuận cho Công ty. “Nguyên nhân là do tiền thuê mặt bằng cao và quy mô nhỏ”, báo cáo của Du lịch Phú Thọ viết.
Hãy quay trở lại với câu chuyện đầu tư của Sacom. Doanh nghiệp này liệu có đủ lực đầu tư vào những dự án bất động sản mới hay không? Trên thực tế, việc sở hữu Du lịch Phú Thọ là nằm trong tầm tay của Sacom, bởi số tiền gần 400 tỉ đồng sẽ dễ dàng được bù đắp bởi phần thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển, hơn 550 tỉ đồng của công ty này.
Trước đây, chuyện Sacom đầu tư nhiều vào bất động sản cũng dấy lên câu hỏi về khả năng họ thoái vốn khỏi mảng dây cáp điện. Song, theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Trắc, Tổng Giám đốc Sacom, Công ty sẽ không rời khỏi mảng nghề chính của mình.
Sacom hiện đang tha hồ vùng vẫy, bởi từ năm 2014, họ đã là công ty tư nhân hoàn toàn khi Nhà nước thoái hết 31% số vốn còn lại. Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu HFC Việt Nam (HFC) đã mua lại phần vốn này. Sacom cũng đã thay Chủ tịch Ban Quản trị và giữ nguyên cho đến nay.
Ở thời điểm đó, NCĐT cũng đã có bài viết phản ánh về vấn đề sở hữu ở Sacom. HFC có quan hệ mật thiết với Công ty Chứng khoán phố Wall, một công ty khác cũng đang sở hữu Sacom. Tuy nhiên, 2 cổ đông tổ chức này lại đăng ký mua bán cổ phiếu liên tục, chứ không nắm giữ trọn vẹn số cổ phần của mình. Có cổ đông là tổ chức tài chính chuyên nghiệp có thể là nguồn lực tốt giúp Sacom hoạt động theo mô hình công ty tài chính. Nhưng kèm theo đó là câu hỏi về sự ổn định của Ban Quản trị trong tương lai. Ông Trắc, người gắn liền với tên tuổi của Sacom, đã nâng tỉ lệ sở hữu từ mức gần 0,1% lên gần 4% trong năm qua.
Thanh Phong