scic.vn
Dấu hỏi về trách nhiệm giải trình của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự kiến quản lý nguồn lực rất lớn, lên tới 820 tỷ đồng vốn sở hữu nhà nước, 1,5 triệu tỷ đồng tài sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay không có cơ quan nào có đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá đầy đủ doanh nghiệp, hiệu quả và toàn diện.
“Đang có nhiều ý kiến hoài nghi về cách tổ chức, trách nhiệm giải trình của Ủy ban này trong bối cảnh có chế giám sát hiện hành bị xem là thiếu hiệu lực, kém hiệu quả”, Trưởng Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ông Phạm Đức Trung, nói tại Hội thảo: Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước hôm 19.7.
Những hoài nghi dường như được củng cố khi tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước giảm, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm 39%, trong khi tỷ số lợi nhuận trên tài sản cũng giảm tới 30% từ năm 2011 đến 2016.
Cũng giai đoạn này, tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước thua lỗ không giảm. Báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy, 23//91 công ty, nhóm công ty mẹ con lỗ lũy kế trên 17 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Trung cho biết: "Đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đầu tư".
“Đã có nhiều nỗ lực xử lý các dự án và doanh nghiệp kém hiệu quả, nhưng phục hồi rất chậm”, ông Phạm Đức Trung nhận xét.
Giám sát doanh nghiệp nhà nước trở thành vấn đề được đặt ra từ lâu, bởi chính việc quản lý vốn kém hiệu quả đã góp phần dẫn tới thất bại của Vinashin. Nhà nước đang làm rõ trách nhiệm về việc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí - CTCP thua lỗ trên 3.000 tỷ đồng.
Thực trạng này cũng được Đoàn giám sát Quốc hội chỉ rõ trong Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa 2011-2016.
“Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”.
Hiện, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đang tìm kiếm một công cụ giám sát doanh nghiệp nhà nước theo cách thức của OECD “giám sát phải là công việc thường xuyên, liên tục của cơ quan chủ sở hữu” điều đó có nghĩa là phải “theo dõi hàng ngày”.