Dầu cọ Malaysia gặp khó vì Trung Quốc siết quy định
Theo quy định mới của CIQ, dầu ăn nhập khẩu phải có "chất lượng tại bến đáp" chứ không phải là "chất lượng vận chuyển tại gốc" như đã được CIQ thông báo vào đầu tháng này.
Điều này được hiểu rằng loại dầu cọ mà không đáp ứng được các thông số kỹ thuật sẽ không được vào Trung Quốc và cũng không được phép tái tinh chế ở nước này.
Các quy định của CIQ cũng buộc các nhà máy lọc dầu và các nhà xuất khẩu phải chịu trách nhiệm đối với sự suy giảm chất lượng của các loại dầu ăn mà không có chi phí bổ sung.
Theo các nhà phân tích, với sự biến động hiện tại trong thị trường hàng hóa, quy định mới này cũng có thể dẫn đến việc các nhà nhập khẩu lạm dụng và gây vỡ nợ đối với các nhà xuất khẩu.
Chẳng hạn, điều quan tâm nhất hiện nay của Hiệp hội các nhà tinh chế dầu cọ Malaysia (PORAM) là các thành viên của hiệp hội có thể phải đối mặt với tổn thất lớn nếu hàng hóa của họ bị từ chối. Họ cho rằng hạn chế của Trung Quốc cũng có thể mở cho các nước nhập khẩu lớn khác có yêu cầu tương tự đối với nhập khẩu dầu cọ. Do đó, nhiều nhà xuất khẩu, thường là các nhà tinh chế và thương gia, có nguy cơ bị từ chối, bởi vì họ không thể kiểm soát sự suy giảm về chất lượng của các lô hàng một khi đã được xếp lên tàu.
Mặc dù Ủy ban dầu cọ Malaysia (MPOB) nói rằng theo thông tin từ các nhà chức trách Trung Quốc thì chỉ có khoảng 5% các lô hàng dầu cọ của Malaysia xuất sang Trung Quốc không đáp ứng các chi tiết kỹ thuật mới CIQ, tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường cho rằng điều này có thể tác động tới 175.000 tấn dầu cọ xuất khẩu từ Malaysia.
Dựa vào tính toán trên phong bì, nếu không được kiểm soát, tác động của các quy định CIQ sẽ cho thấy lượng dầu cọ tồn kho trong nước có khả năng tăng khoảng 7% trong năm 2013 từ mức tồn kho kỷ lục lịch sử 2,56 triệu tấn vào tháng 11 năm ngoái.
Nếu điều này xảy ra, các biện pháp siết chặt hơn của Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu dầu cọ tinh luyện và gây giảm giá dầu cọ thô (CPO) trong ngắn hạn, bởi vì ngành công nghiệp dầu cọ Malaysia sẽ phải cố gắng để thích nghi với các yêu cầu mới.
Ngược lại, cho dù kỳ vọng xuất khẩu dầu cọ tinh chế vào Trung Quốc sẽ bị hạn chế, một số nhà kinh tế lại lạc quan rằng xuất khẩu CPO địa phương mà không bị ảnh hưởng bởi quy định mới sẽ bắt đầu tăng lên. Do đó, việc thay đổi cơ cấu thuế xuất khẩu CPO kịp thời của Malaysia, đứng ở mức thuế xuất khẩu 0% từ tháng 1/2013, có thể chứng minh là có lợi cho ngành công nghiệp địa phương.
Theo các chuyên gia thị trường, điều này sẽ giúp Malaysia giải quyết lượng dầu cọ tồn kho kỷ lục hiện nay xuống một mức ổn định hơn, dưới 2 triệu tấn vào tháng Ba năm nay.
Malaysia là nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai trên thế giới, sau Indonesia. Năm 2011, Malaysia xuất khẩu 24,27 triệu tấn các sản phẩm dầu cọ, thu về 80,4 tỷ RM (khoảng 25,6 tỷ USD).
Nguồn Vietnam+