Chủ Nhật | 25/01/2015 21:47

Dấu ấn Việt Nam tại WEF Davos 2015

Sáng 24/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã lên đường về nước, kết thúc chuyến tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos năm 2015.

Trong hai ngày tại Davos, Phó Thủ tướng đã hoàn tất một lịch trình dày đặc, gồm trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters; thực hiện 16 hoạt động, trong đó có 10 hoạt động song phương; tham dự một số phiên thảo luận quan trọng trong khuôn khổ WEF Davos.

Đặc biệt, tại WEF Davos năm nay, Việt Nam có một phiên riêng đối thoại trực tiếp với trên 30 lãnh đạo các tập đoàn của thế giới quan tâm đầu tư tại Việt Nam.

Một trong những điểm nổi bật trong chuyến công tác của Phó Thủ tướng là tận dụng mọi cơ hội, thời gian cho các cuộc gặp gỡ tiếp xúc để giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư và những cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Tại các cuộc gặp gỡ với giới doanh nghiệp, đoàn Việt Nam đã giới thiệu về tình hình phát triển gần đây của Việt Nam cũng như những tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu dài hạn như tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách hành chính, tái cơ cấu và thực hiện ba đột phá chiến lược…

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam nhờ những nỗ lực mang lại kết quả thiết thực trong quản lý điều hành nền kinh tế cũng như nỗ lực của Chính phủ trong việc đàm phán, ký kết thế hệ FTA mới. Những hiệp định này vừa giúp thúc đẩy cải cách trong nước, vừa tạo ra cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm rõ những vấn đề các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, nhất là lĩnh vực thị trường tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng dường như chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, hay cơ hội tham gia mô hình đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về cơ sở hạ tầng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho hay, chưa bao giờ Việt Nam xây dựng số lượng cơ sở hạ tầng nhiều như hiện nay. Trong 3 năm vừa qua, cả nước đã phát triển được khoảng 2.000 km đường cao tốc, thể hiện cam kết của Chính phủ thực hiện có hiệu quả 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược là phát triển hạ tầng.

Đối với hệ thống ngân hàng, Thứ trưởng Đông cho biết 3 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực ổn định và lành mạnh hóa lĩnh vực tài chính. Trong đó đáng chú ý là việc xử lý tình trạng sở hữu chéo và tiếp tục giảm số lượng các ngân hàng thương mại hoạt động không hiệu quả.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết trong 4 năm vừa qua, Việt Nam cùng với WEF tổ chức thực hiện tầm nhìn mới trong nông nghiệp. Cụ thể đã khuyến khích phát triển mô hình hợp tác công tư giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển nông nghiệp bền vững. Bộ trưởng Phát kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mô hình này tại Việt Nam.

WEF cũng thể hiện sự quan tâm và dành cho Việt Nam sự đón tiếp trọng thị.

Điều này có thể thấy rõ qua việc Giám đốc điều hành WEF Philipp Rösler đã trực tiếp có những phát biểu dẫn đề ở những phiên thảo luận có sự tham gia của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong vai trò diễn giả, như phiên đối thoại với các doanh nghiệp quốc tế, phiên về ASEAN, hay phiên thảo luận về địa chính trị năm 2015. Điều này là khá đặc biệt vì trong thời gian diễn ra WEF Davos 2015, có đến gần 300 phiên thảo luận và có rất nhiều cuộc tiếp xúc song phương của ông Philipp Rösler.

Tại phiên thảo luận về triển vọng địa chính trị toàn cầu, Giám đốc điều hành Philipp Rösler đã nói rằng: "Các bạn trông tôi không giống người châu Âu phải không. Tôi sinh ra ở Việt Nam nhưng tôi sống ở châu Âu. Chính vì vậy tôi có thể hiểu sâu sắc cả hai châu lục.”

Câu nói hàm ý ông có thể là cầu nối hữu hiệu cho mọi mối quan hệ Á-Âu mà Việt Nam là một thành viên năng động, tích cực và có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế.

Khi phát biểu dẫn đề tại phiên đối thoại của Việt Nam với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế, Giám đốc điều hành WEF cũng đã dẫn một khảo sát (do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN thực hiện gần đây) cho thấy Việt Nam là một trong những điểm hấp dẫn đầu tư nhất tại Đông Nam Á. Đó không phải là lời nói mang tính ngoại giao mà là một thực tế đang diễn ra.

Điểm đáng chú ý nữa là Việt Nam ngày càng thể hiện sự tự tin tại Diễn đàn quan trọng hàng đầu thế giới về kinh tế như WEF Davos. Đây là nơi duy nhất có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo, lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên thế giới để cùng bàn về những vấn đề, khuynh hướng ảnh hưởng tới tương lai nhân loại.

Việc tham gia với tư cách là diễn giả tại các phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp là cách không thể tốt hơn để cộng đồng quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, nhất là những thành tựu của đất nước, định hướng phát triển cũng như quan điểm của Việt Nam về các vấn đề nổi cộm của khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông hay tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Đối với Việt Nam, tham dự WEF còn mang đến cơ hội hiểu rõ hơn những vấn đề toàn cầu cho đến những vấn đề rất cụ thể như tuổi già, giáo dục… từ nhiều góc độ khác nhau, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách vĩ mô trong tương lai.

Nguồn Chinhphu.vn