Dầu ăn từ mỡ cá: Hướng đi mới cho ngành dầu ăn?
Có một hệ thống máy cao như tòa nhà 8 tầng, mỗi ngày xử lý 200 tấn nguyên liệu và cho ra lượng thành phẩm tương đương, tỉ lệ hao hụt chỉ khoảng 6%. Chỉ cần 6 nhân viên thay ca, hệ thống này sẽ hoạt động liên tục 20-25 ngày/tháng. Đó là dây chuyền sản xuất dầu ăn từ mỡ cá của Sao Mai An Giang (ASM), được đầu tư với tổng vốn 30 triệu USD.
Năm 2014, thị trường dầu ăn bỗng “sôi” lên. Các hệ thống siêu thị như BigC hay Co.opMart cùng lúc đưa ra những dòng sản phẩm mang thương hiệu riêng, còn Tập đoàn Kinh Đô thì chi ra thêm hàng trăm tỉ đồng để nâng mức sở hữu lên 51% ở Vocarimex, công ty sở hữu thương hiệu dầu ăn Tường An đang chiếm khoảng 70% thị phần ngành. Không chỉ có vậy, sự thâm nhập ồ ạt của các thương hiệu dầu ăn ngoại nhập cũng làm cho cuộc chơi thêm náo nhiệt, đến mức Bộ Công Thương phải áp thuế tự vệ để bảo vệ các thương hiệu Việt Nam. Vì thế, đã có không ít ý kiến lo ngại khi ASM quyết định lấn sân sang ngành dầu ăn bằng một sản phẩm có nguồn gốc từ mỡ cá mang tên Ranee.
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Dầu cá châu Á (AFO), thành viên của ASM, thị phần dầu ăn mà Ranee chiếm được hiện đã đạt 8%. Mức này cũng nằm trong kế hoạch thị phần 5-10% của Công ty, bởi sản lượng loại dầu ăn này lệ thuộc vào nguồn mỡ cá tra thu hoạch trong vùng và công suất của nhà máy.
Nguyên liệu sản xuất từ mỡ cá là lợi thế, nhưng cũng là yếu điểm của Ranee. Tuy công nghệ tinh chế dầu ăn từ mỡ cá khó bị bắt chước, nhưng nguồn nguyên liệu này lại bị giới hạn. Theo tính toán của AFO, sản lượng mỡ cá tra thô của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long là khoảng 140.000 tấn/năm. Trong đó, 50% được dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu nên chỉ còn lại khoảng 70.000 tấn. Còn nhu cầu nguyên liệu của AFO lại lên đến 72.000 tấn/năm. Trước tình trạng này, Công ty đã tiếp tục đầu tư thêm nhà máy thức ăn cá, nhà máy chế biến và nhà máy sơ chế mỡ cá nhằm khép kín mô hình nuôi trồng, gia tăng nguồn cung nguyên liệu.
Theo ông Lê Quốc Trường, Tổng Giám đốc AFO, 3 thị trường xuất khẩu chủ lực của Ranee hiện là Trung Quốc, Trung Đông và Singapore. Giá xuất khẩu đang ở mức 1,5-2 USD/chai/950 ml. “Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của AFO đã đạt 200 tỉ đồng. Công ty này cũng vừa ký được một hợp đồng xuất khẩu trị giá 4 triệu USD”, ông cho hay.
Dù thị trường xuất khẩu đang khá rộng mở, Ranee vẫn chưa thực sự là một sản phẩm quen thuộc với nhiều bà nội trợ Việt Nam. AFO cho đến nay cũng chưa thực sự mở rộng thị trường nội địa. Sản phẩm Ranee cũng chỉ xuất hiện tại kệ hàng ở một số siêu thị có doanh thu lớn.
“Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn duy trì chiến lược tập trung vào phân khúc các trường mẫu giáo và tiểu học bán trú với dòng Ranee Kids. Còn sản phẩm Ranee thông thường vẫn sẽ tiếp tục được mở rộng theo xu hướng tiếp cận người tiêu dùng ở kênh bán lẻ”, ông Trường nói.
Sau hơn 1 năm tham gia thị trường, AFO hiện đạt mức doanh thu khoảng 600 tỉ đồng. Theo vị đại diện Công ty, dự kiến AFO sẽ đóng góp khoảng 5-10% trong tổng doanh thu của Tập đoàn.
Đức Tài