Dầu ăn đang trở thành một trong những nguồn thu chính của KDC
Theo công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2018 và lũy kế 6 tháng đầu năm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido (KDC), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 2.2018 đạt 2.085 tỉ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của KDC đạt 3.777 tỉ đồng, tăng lần lượt 17% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất lại giảm trong quý II, còn 29 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng giảm 810%, còn 47 tỉ đồng. Riêng công ty mẹ có lợi nhuận sau thuế quý II giảm chỉ còn 817 triệu đồng từ mức 390 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm âm 11 tỉ đồng so với từ mức lãi 409 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm là do trong 6 tháng đầu năm 2017, KDC ghi nhận khoản doanh thu hoạt động tài chính phát sinh một lần (khoảng 531 tỉ đồng) và chi phí khấu hao lợi thế thương mại phát sinh từ việc hợp nhất VOC được ghi nhận cho nguyên sáu tháng trong năm 2018.
Khoản chi lớn nhất trong 6 tháng đầu năm của KDC là tiền chi trả nợ gốc vay lên đến 2.434 tỉ đồng, ngoài ra KDC còn phải chi 77 tỉ đồng để trả lãi vay. Trong khi đó, tiền gửi tại các ngân hàng và trái phiếu nắm giữ tính đến 30.6 là 1.500 tỉ đồng. Công ty cũng đang vay nợ cả ngắn hạn và dài hạn 1.949 tỉ đồng.
Chi phí phải trả ngắn hạn như hợp đồng ngoại tệ, cổ tức… cũng tăng vọt lên 421 tỉ đồng so với mức 150 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 6 tháng đầu năm KDC đã chi 333,868 tỉ đồng cổ tức cho các cổ đông, tăng mạnh so với con số 5 tỉ đồng tính đến cuối năm 2017.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2017, KDC tập trung thâu tóm thị trường dầu ăn Việt Nam thông qua một loạt các hoạt động M&A. Tính đến nay, tập đoàn sở hữu cổ phần ở nhiều công ty con, 65% cổ phần tại Công ty Cổ phần Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF), 75,73% cổ phần tại Công ty Thương mại và Hợp tác Quốc tế Hà Nội (HTIC), 100% cổ phần tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Kido, 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Thực phẩm Kido, Kido Food; 75,44% cổ phần tại CTCP Dầu thực vật Tường An; 51% cổ phần tại CTCP Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex); 51,05% cổ phần tại CTCP Bao bì dầu thực vật (VPK); 100% cổ phần tại Công ty Nhất Hảo.
Bên cạnh đó là một số công ty liên kết như: 34% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Phong Thịnh; 24% cổ phần tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic); 40% cổ phần tại Công ty TNHH Mỹ phẩm LG Vina; 49% cổ phần tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè (GHC).
Hai công ty do KDC liên doanh đồng kiểm soát với tỷ lệ nắm giữ 50% vốn là, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue và Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Dabaco (Dabaco Food).
Dầu ăn đang trở thành một trong những nguồn thu chính của KDC, điều này thể hiện rõ trong Báo cáo Tài chính năm 2017. Theo đó, doanh thu thuần đạt 7.022 tỉ đồng, tăng mạnh 213,7% nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 383 tỉ đồng, giảm 63,2% so với năm 2016.
Việc doanh thu năm 2017 tăng gấp đôi nhờ KDC hợp nhất Vocarimex từ tháng 5.2017. Doanh thu của KDC đến từ các mảng như, Mảng kem, sữa chua và thực phẩm đông lạnh khác (thuộc KDF) đạt 1.493 tỉ đồng, tăng trưởng 6,9%. Mảng dầu ăn (thuộc Tường An và Vocarimex) đạt 5.530 tỉ đồng, tăng trưởng 690%.
Theo từng mảng kinh doanh trong cả năm 2017, KDF đạt doanh thu thuần 1.492 tỉ đồng, tăng trưởng 6,9% và lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỉ đồng, tăng trưởng 6,7%.
Trong khi đó mảng dầu ăn gồm TAC và VOC cho kết quả kinh doanh khả quan. TAC đạt doanh thu thuần 4.338 tỉ đồng, tăng trưởng 9%; Lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi năm 2016, đạt 166 tỉ đồng. VOC đạt doanh thu thuần 4.386 tỉ đồng, giảm 21,2% so với năm 2016 do TAC trở thành công ty con của KDC kể từ tháng 12.2016 và không còn hợp nhất kết quả kinh doanh với VOC, lợi nhuân sau thuế đạt 316 tỉ đồng, tăng trưởng 2,8%.