DATC kêu khó khi ngân hàng đòi giá mua lại nợ quá cao
Ngân hàng đòi giá mua lại nợ quá cao
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa các mục tiêu hoạt động của DATC
Theo ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc DATC, công ty được giao nhiệm vụ đóng vai trò là công cụ của Chính phủ trong việc xử lý nợ tồn đọng, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, DATC lại được yêu cầu phải có hiệu quả kinh tế trong mỗi giao dịch mua bán nợ như một doanh nghiệp kinh doanh thông thường.
Yêu cầu phải hoạt động có lãi làm cho DATC có xu hướng sợ rủi ro trong mua bán nợ, chỉ mua những khoản nợ nào chắc chắn có lãi. Do vậy số lượng các giao dịch, quy mô nợ đã mua và xử lý của DATC rất thấp so với yêu cầu của nền kinh tế.
Để sử dụng vốn kinh doanh còn nhàn rỗi, trước đây DATC đã đầu tư mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư cổ phiếu của ngân hàng và doanh nghiệp, mà không phải là một phần trong hoạt động giải quyết nợ xấu.
Bên cạnh đó, việc mâu thuẫn giữa mục tiêu của DATC với các ngân hàng trong quá trình mua bán nợ cũng gây khó khăn.
Ông Thường cho hay, trong 5 đến 6 năm hoạt động, tổng số dư nợ xấu DATC mua lại là 8.000 tỷ đồng, so với tổng nợ xấu của toàn ngân hàng rất nhỏ bởi các ngân hàng thường đòi giá cao, từ 80 - 100% khoản nợ. "DATC không thể mua nợ và thực hiện giải cứu doanh nghiệp với mức giá cao như vây", ông Thường nói.
Theo quy định, DATC phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư để mua các khoản nợ và tài sản đối với khách nợ là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu và lành mạnh hóa tình hình tài chính trong quá trình kinh doanh.
Quy định về sử dụng vốn đầu tư như vậy sẽ hạn chế khả năng của DATC trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp đã mua nợ và việc tham gia các phương án xử lý nợ có tiềm năng khác như mua và xử lý nợ xấu của các đối tượng DNNN đã cổ phần hóa, nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối; mua và xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp khác...
Thứ ba, hạn chế của mô hình mua nợ xấu hoàn toàn bằng tiền mặt
Theo ông Thường, hiện nay DATC đang làm việc với các ngân hàng thông qua các thỏa thuận, đàm phán, giao dịch và thanh toán bằng tiền mặt.
Mô hình này có khá nhiều hạn chế như DATC có rủi ro không thu lại được tiền ban đầu trả cho người bán, giá vốn xử lý nợ cao hơn (do phải tính cả tiền lãi suất trên số tiền bỏ ra trả cho người bán). Áp lực về việc tạo ra lợi nhuận đối với DATC làm cho quá trình lựa chọn phân tích, tính toán phương án trả nợ thương thảo, thỏa thuận với ngân hàng bị kéo dài.
Bên bán cũng khó ra quyết định vì sợ có thể giá bán thấp hơn giá trị thực tế của khoản nợ có thể thu hồi, ngân hàng phải ghi nhận lỗ ngay khi bán nợ thấp hơn giá trị sổ sách trong khi không được chia sẻ lợi nhuận mang lại trong trường hợp DATC xử lý thành công.
Do phải dùng tiền mặt trả cho chủ nợ, nguồn lực tài chính của DATC cho việc tái cơ cấu tài chính và hoạt động của chủ nợ sẽ bị giảm xuống, DATC sẽ không đủ tiền để mua và giải quyết xử lý nợ tồn đọng ở quy mô lớn.
Thứ tư, thiếu khuyến khích đối với các nhà đầu tư chiến lược
Theo lãnh đạo DATC, hiện không có quy định rõ ràng về lợi ích mà nhà đầu tư vào tài sản xấu tiềm năng có thể được hưởng. Nhà đầu tư nước ngoài hiện không được phép mua hơn 30% cổ phần của các công ty Việt Nam chưa niêm yết và 49% cổ phần của các công ty đã niêm yết.
Điều này sẽ làm cho các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng né tránh tham gia vào việc tái cơ cấu các công ty vay nợ vì họ không thể chắc chắn liệu họ có thể kiểm soát được việc tái cơ cấu hay không.
Ngoài ra, DATC còn gặp khó khăn như hạn chế về quyền áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu, hạn chế về chuyên môn trong việc tái cơ cấu hoạt động, thiếu động lực và sức ép để xử lý nợ xấu, thiếu thông tin và sự hạn chế trong tiếp cận về thông tin của DATC...
Các giải pháp để tăng cường vai trò của DATC
Theo ông Thường, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các quy định đang hạn chế khả năng thực hiện nhiệm vụ của DATC. Trong đó, cho phép DATC áp dụng mô hình mua nợ mới; tăng cường quy mô hoạt động của DATC, nếu DATC tham gia sâu hơn vào chương trình cải cách DNNN, đồng thời xử lý nhiều hơn nợ xấu trong nền kinh tế, sẽ rất cần một nguồn lực tài chính lớn hơn.
Thay đổi quy định về tỷ lệ tối thiểu vốn sử dụng cho mua nợ của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nhằm tăng thêm quyền tự chủ cho DATC trong sản xuất kinh doanh.
Tăng cường quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về xử lý nợ xấu. Theo đó, bất kỳ tổ chức nào có nợ xấu vượt quá mức độ cho phép phải bán, chuyển giao nợ xấu cho DATC hoặc bị hạn chế một số hoạt động cho đến khi xử lý được nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức chấp nhận được để đảm bảo an toàn cả hệ thống tài chính ngân hàng. Việc này sẽ làm cho các ngân hàng sẵn sàng làm việc với DATC.
Ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt đối với trường hợp tái cơ cấu, chuyển đổi các DNNN không còn vốn nhà nước thành công ty cổ phần.Các ưu đãi này bao gồm: Bán cổ phần Doanh nghiệp nhà nước cho các nhà đầu tư chiến lược với mức giá thỏa thuận, thay vì mức giá trúng thầu trung bình; chỉ nên hạn chế đối với một số ngành cụ thể, các công ty đại chúng và các công ty lớn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và các ngành công nghiệp.
Nguồn Khampha