Đất trồng lúa: Thừa và thiếu
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam chỉ cần từ 3 đến 3,2 triệu ha đất lúa vẫn có thể bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. Khi tính lượng gạo đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhóm nghiên cứu của WB đã tính đến các kịch bản về cung với diện tích đất, năng suất khác nhau và kịch bản về cầu với mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người khác nhau. Có 3 kịch bản về cầu được đưa ra: mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người 100 kg/người/năm; 120 kg/người/năm; và 140 kg/người/năm.
Xu hướng chung trên thế giới, kể cả ở nông thôn, là khi thu nhập tăng lên, người dân ăn ít gạo, nên giảm nhu cầu tiêu thụ gạo. Trong điều kiện năng suất thấp nhất không tăng lên nhiều và sử dụng đất vẫn không giảm, giữ 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2025-2030 vẫn thừa 6 đến 8 triệu tấn gạo để xuất khẩu; nếu giữ 3,2 triệu ha đất lúa, vẫn thừa 4 triệu tấn gạo; và nếu giữ lại 3 triệu ha đất lúa thì còn vẫn hơn 1 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu lựa chọn kịch bản “chắc ăn” nhất, tức là chỉ cần giữ 3,2 triệu ha đất lúa.
Nghiên cứu của WB cũng chỉ ra thực tế, chưa khi nào ngành nông nghiệp nói chung và trồng lúa của Việt Nam lại đứng trước sức ép cải tổ và tái cơ cấu lớn như thời điểm hiện tại. Cơ bản đó là nhiệm vụ tăng năng suất và giá trị cho nông sản. Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm khoảng 7,6-7,7 triệu ha, năng suất bình quân 57,8 tạ/ha, sản lượng đạt 44,5 triệu tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2016, ngành dự kiến sẽ giảm khoảng 100.000 ha diện tích gieo trồng lúa để chuyển sang trồng một số cây hàng năm khác; trong đó chủ yếu là ngô, cây thức ăn chăn nuôi.
Để tăng chất lượng nông sản và lúa gạo, theo các chuyên gia, Nhà nước nên đặt ra tiêu chuẩn về chất lượng, sau đó để doanh nghiệp cung cấp giống được tham gia theo cơ chế thị trường. Như vậy, người nông dân sẽ chọn được người cung cấp đầu vào tốt nhất, với chi phí hợp lý nhất. Với đầu ra, Nhà nước nên tạo ra các chương trình thu mua tạm trữ một cách tốt nhất, mua của nông dân với giá tốt nhất, có liên kết hợp đồng nông sản với nông dân. “Cách thức tổ chức như thế, người nông dân có thể tính toán được lợi nhuận của mỗi vụ và yên tâm sản xuất, tăng năng suất, đảm bảo sản phẩm chất lượng, đúng như người tiêu dùng mong muốn”, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Cũng theo vị tiến sĩ này, lúa là mặt hàng giá trị thấp, không nhất thiết sử dụng 3,8 triệu ha đất lúa để đảm bảo nhu cầu gạo. Công cụ “an ninh lương thực” đã quá cổ điển, thay vào đó, nên quan tâm đến vấn đề an ninh dinh dưỡng của người dân. Tuy nhiên, thị trường lúa gạo những năm gần đây có sự thay đổi rõ rệt về nhu cầu. Gạo lúa lai ngày càng khó bán dù với giá rẻ, trong khi các loại gạo có chất lượng cao lại tiêu thụ rất dễ dàng với mức giá khá cao. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang suy giảm trong bối cảnh giá gạo trên thị trường thế giới vẫn cao, mà Thái Lan là điển hình. Đây là thực trạng đã kéo dài rất nhiều năm: lúa gạo của Việt Nam nhiều về số lượng nhưng kém về chất lượng.
Chính phủ chủ trương bảm bảo nông dân có lãi từ 30% trở lên, nhưng thu nhập của người trồng lúa trên thực tế không được như vậy do chất lượng lúa kém nêu trên. Trồng lúa giá trị thấp không có lãi, người nông dân muốn phát triển chăn nuôi. Nhưng chăn nuôi nếu chỉ có 5% đất vườn sau nhà, thì vừa không mang lại giá trị, vừa gây ô nhiễm môi trường, song không ai dám chăn nuôi ở ruộng. Chưa kể đến những khó khăn trong việc thay đổi cấu trúc đất nông nghiệp, làm cho việc sử dụng đất không linh hoạt và kém hiệu quả. Người nông dân đang bị kẹt cứng ở hai đầu, cả thị trường đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi…), lẫn thị trường sản phẩm đầu ra. Với thị trường như vậy, nông dân bỏ ruộng, ngừng canh tác ngày càng nhiều, hoặc làm thì không chăm chút cho chất lượng sản phẩm, vì cho rằng giá trị không xứng với công lao động.
Muốn nông dân trồng lúa làm giàu là điều dễ nói nhưng khó làm. Sẽ còn nguyên đó nỗi ám ảnh “được mùa rớt giá, mất mùa đói kém” nếu không có một chính sách cải tổ mạnh mẽ ngành nông nghiệp...
Hải Vân