thanhnien.vn

 
Hải Vân Thứ Tư | 31/10/2018 16:50

Đất cho phát triển nông nghiệp vẫn khó

Thị trường đất nông nghiệp hoạt động thế nào, có đúng với con số chỉ 10% mua bán sổ đỏ, 5% cho thuê đất hay tồn tại một thực tế khác ?

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) đã thực hiện nghiên cứu về đất nông nghiệp tại 4 địa điểm: An giang, đại diện cho Đồng bằng sông Cửu Long; Hà Nam, đại diện cho Đồng bằng Sông Hồng; Lâm Đồng đại diện cho khu vực Tây Nguyên và Hòa Bình đại diện cho khu vực miền núi phía Bắc, nhằm đưa ra các đề xuất sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản dưới luật.

Áp lực tích tụ đất đai cho phát triển nông nghiệp ngày một lớn. Bởi vì đất đất đai manh mún và phân tán từ nhiều năm nay đã trở thành thách thức lớn nhất trong tạo sinh kế bền vững, mở rộng cơ hội cải thiện sinh kế cho người nông dân.

Chính quyền thuê lại đất

Thí điểm tích tụ đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã giúp tỉnh Hà Nam có được 375,5 ha, với 2 khu nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 202,3 ha tại huyện Lý Nhân, giải quyết việc làm cho trên 400 lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết, Chính quyền tỉnh Hà Nam đã đứng ra thuê đất của nông dân trong thời hạn 20 năm, ứng tiền ngân sách tỉnh để trả trước tiền thuê đất của dân. Người nông dân vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Kế đến, chính quyền Hà Nam ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại, với thời hạn và giá thuê đất như đã ký với nông dân. Doanh nghiệp thanh toán 50% tiền thuê đất ngay sau ký hợp đồng, sau 10 năm trả nốt phần còn lại.

Thí điểm này cho hiệu quả tích cực, song Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nam cũng thừa nhận “rất khó nhân rộng”. Theo ông, “vướng mắc lớn nhất” là Luật đất đai năm 2013 không quy định các cấp chính quyền được thuê quyền sử dụng đất của dân và cho doanh nghiệp thuê lại.  

Không chỉ có Hà Nam, một số địa phương khác với mong muốn tạo đột phá, đã áp dụng các phương thức khác nhau để tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp, song hiệu quả không cao. Đến nay, cả nước chỉ có hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp, với diện tích nhỏ hơn 0,5 ha/mảnh.

Trong khi đó, Thái Lan từ năm 2012 đã có 1,4 triệu mảnh ruộng có quy mô hơn 22 ha. Trung Quốc, tính đến năm 2013, đã có 8,82% diện tích có quy mô hơn 3 ha/mảnh, và 0,1% diện tích có quy mô 30-70ha/mảnh.

Dat cho phat trien nong nghiep van kho
 

Trên thực tế, từ nhiều năm qua, sự manh mún và phân tán làm gia tăng chi phí sản xuất, tác động tiêu cực đến lợi nhuận của ngành nông nghiệp của Việt Nam, kìm hãm khả năng chuyên môn hóa sản xuất, phát triển liên kết kinh doanh, không tạo ra được quy mô sản xuất lớn đồng đều, gây phức tạp cho quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đất đai manh mún đang là nguyên nhân chính khiến cho năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực và năng suất lao động của Việt Nam luôn thấp nhất so với các nước trong khu vực trong thời gian gần đây.

Thêm nữa, một thị trường đất nông nghiệp chưa phát triển hoàn chỉnh đang trở thành rào cản đầu tư vào nông nghiệp. Phó Chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, ông Võ Thành Minh, nói rằng, đất đai manh mún là hạn chế căn bản khiến An Giang khó thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Theo ông, cơ chế chính sách của trung ương phục vụ cho hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ, gây nhiều bất cập. Trong khi đó, các quy định của Chính phủ, Bộ ngành trung ương về thủ tục đầu tư còn tốn nhiều thời gian ảnh hướng đến khả năng tiếp cận đầu tư của doanh nghiệp.

Quyền sử dụng đất như quyền tài sản

Một thể chế về đất đai cho nông nghiệp phát triển là cần. Nhưng việc này cần bắt đầu từ “thay đổi quan điểm về quyền sử dụng đất”, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, nói tại Hội thảo Tham vấn các rào cản trong phát triển thị trường đất nông nghiệp, hôm 30.10.

Viện trưởng IPSARD cho rằng, pháp lý về đất nông nghiệp cần dựa trên 3 quan điểm: Quyền sử dụng đất nông nghiệp như quyền tài sản; Phát huy vai trò Nhà nước trong hỗ trợ, tạo động lực để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên mỗi đơn vị diện tích đất; Tăng hiệu quả sử dụng đất phải gắn với phát triển bền vững và ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.

Người đứng đầu IPSARD cũng nói Việt Nam muốn gia tăng hiệu quả kinh tế, nhất thiết phải gia tăng đất đai, thông qua chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Muốn vậy, việc đầu tiên là xem xét lại thực trạng thị trường đất nông nghiệp, có đúng với con số thống kê chỉ 10% mua bán sổ đỏ, 5% cho thuê đất hay vẫn tồn tại một thực tế khác ?

Dat cho phat trien nong nghiep van kho
 

Trên thực tế, thị trường đất nông nghiệp hoạt động yếu ớt, vướng nhiều rào cản, thủ tục pháp luật phức tạp, thiếu các chính sách hỗ trợ và phát triển không chỉ trong ngành nông nghiệp mà còn cả công nghiệp và dịch vụ, những lĩnh vực thu hút lượng lớn lao động nông nghiệp, nông thôn.

Câu chuyện liên quan đến đất lúa, mục đích sử dụng khác nhau sinh ra giá khác nhau, tạo thành động lực mua bán, cho thuê. Trong khi đó, đất giành cho chăn nuôi đến nay vẫn để lơ lửng, vẫn gom chung vào đất nông nghiệp, khó khăn cho cá tỉnh và doanh nghiệp muốn phát triển chăn nuôi…

Theo IPSARD, có rất nhiều việc cần làm để thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp phát triển. Nhóm nghiên cứu của IPSARD đã đưa ra 5 kiến nghị chính nhằm xử lý những vướng mắc về cơ chế, giúp thị trường đất nông nghiệp phát triển.

Thứ nhất, trong định giá đất được quy định tại điểm C Điều 3 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT, khung giá đất cần được điều chỉnh phù hợp với thị trường.

Thứ hai, việc thiếu khung pháp lý cho Nhà nước thuê đất của người dân, Ipard cho rằng, cần xem xét quy định cụ thể.

Thứ ba, thủ tục thẩm đinh dự án phức tạp, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, ngay cả với những dự án đầu tư có quy mô, thiết kế đất được chấp thuận. Theo Ipard, cần đơn giản hóa, chỉ cần qua một vòng thẩm định phê duyệt.

Thứ tư, xử lý vấn đề đất manh mún, khó đạt đồng thuận của số lượng lớn hộ dân. Thực tế, đã có những dự án phải dừng lại do không đạt được sự đồng thuận của nông dân. Ipard cho rằng, cần có cơ chế đồng thuận khoảng 80% hộ dân và được UBND tỉnh phê duyệt dự án, buộc các hộ phải thỏa thuận, có chính sách tạo việc làm và chuyển đổi cho nông dân.

Thứ năm, về thiếu hướng dẫn thẩm định nhu cầu sử dụng đất mà không có dự án đầu tư, thu hồi theo diện doanh nghiệp tự thỏa thuận, bồi thường, Ipard cho rằng nên bổ sung diện doanh nghiệp tự bồi thường, tại Điều 61 và 62.

Đất đai, khâu đầu tiên tạo đột phá phát triển nông nghiệp của Việt Nam, với khoán 100, khoán 10 đều bắt đầu từ đất đai. Dù vậy, ông Tuấn cũng cảnh báo, đất đai cũng là yếu tố được xã hội quan tâm, việc tạo đột phá, nếu không làm cẩn thận, có thể gây ra bất ổn và khiếu kiện.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường, hôm 31.10, cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên Môi trường dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013. Nội dung này cũng đã được Quốc hội đưa vào chương trình họp năm 2019. Ông cho rằng khi đó sẽ có điều kiện bàn kỹ hơn bàn về đất đai cho phát triển nông nghiệp.