Bá Ước Thứ Năm | 27/12/2018 14:00

Đạt 8 tỉ USD, thủy sản có một năm "siêu lợi nhuận"

Các doanh nghiệp thủy sản đã có một năm tỏa sáng cả về lợi nhuận lẫn giá cổ phiếu.

Xuất khẩu thủy sản: 5 năm, đạt 157,49 tỉ USD

Các đại gia thủy sản “bùng nổ” lợi nhuận cuối năm


Một năm thăng hoa của ngành thủy sản khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực này đạt hơn 8 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Làn gió mát của ngành cũng lan tỏa tới các công ty thủy sản đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tính đến hết quý III/2018, các doanh nghiệp thủy sản trên sàn đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 3.771 tỉ đồng, tăng 236% so với cả năm 2017.

Mỗi doanh nghiệp có một câu chuyên riêng. Lấy ví dụ, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) hưởng lợi từ việc được miễn thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ, giúp Công ty gia tăng thị phần cá tra tại Mỹ từ 43% vào cuối năm 2017 lên 60% trong 6 tháng đầu năm 2018. Vĩnh Hoàn cũng mở rộng sang các thị trường mới ở châu Á (nhất là Trung Quốc) và châu Mỹ. Kết thúc 9 tháng, lãi ròng của Vĩnh Hoàn đạt 1.036 tỉ đồng và trở thành quán quân lợi nhuận ngành thủy sản tính từ đầu năm, vượt xa chỉ tiêu cả năm.

Dat 8 ti USD, thuy san co mot nam
 


Với ngành tôm, trong khi các công ty khác chịu thuế chống bán phá giá lên đến 25,39% vào thị trường Mỹ, Minh Phú (MPC) được ưu đãi mức thuế chống phá giá dài hạn là 0% đối với tôm xuất khẩu tới thị trường Mỹ, nhờ thắng kiện với WTO năm 2016. Điều này giúp cải thiện biên lợi nhuận của Công ty, so với tỉ suất lợi nhuận gộp của các công ty tôm khác, khoảng 8-10%. Kết thúc 9 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế của Minh Phú đạt 681 tỉ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng vượt trội, giúp tạo ra lực đẩy giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu MPC và VHC đều tăng 100% kể từ đầu năm.

Dat 8 ti USD, thuy san co mot nam
 


Đó là câu chuyện với 2 doanh nghiệp lớn nhất ngành cá tra và ngành tôm. Ở các công ty nhỏ hơn, sự bùng nổ còn ấn tượng hơn. Nổi bật nhất là cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt. Mới đây, ban lãnh đạo công ty này công bố lợi nhuận của Công ty trong năm 2018 có thể đạt 600 tỉ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2017. Kết quả là cổ phiếu ANV tăng 3 lần, từ quanh mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu lên 30.000 đồng/cổ phiếu.

Dat 8 ti USD, thuy san co mot nam
 


Ngay cả một công ty nhỏ trong ngành như Camimex Group (CMX) cũng bất ngờ công bố lãi khủng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Camimex Group đạt 803 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 16,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 59 tỉ đồng, tăng cao gấp 3,7 lần. Theo đó, cổ phiếu CMX của Công ty tăng gấp 3 lần từ 5.000 đồng vào tháng 9 lên 16.000 đồng vào thời điểm hiện tại.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã tập trung đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí của quốc gia nhập khẩu trong suốt thời gian qua. Nhờ vậy, sản phẩm thủy sản Việt Nam được các quốc gia nhập khẩu đón nhận.

Còn ông Đào Phước Toàn, chuyên gia phân tích nhóm ngành thủy sản của Công ty Cổ phần Biên An Toàn, thì nhận định: “Ngành thủy sản năm 2018 hưởng lợi nhờ 2 yếu tố. Một là sản phẩm tiêu thụ tăng trưởng tại các thị trường trọng điểm là Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc... Hai là giá bán tăng mạnh (đối với sản phẩm cá). Đây là lý do chính giúp các doanh nghiệp cá tra vượt xa kế hoạch kinh doanh đề ra”.

Để đạt được thành công đó, ngoài thuận lợi từ các yếu tố khách quan kể trên, các doanh nghiệp thủy sản đã có những bước đi nhằm gia tăng năng lực sản xuất. Đặc biệt, họ đã và đang nỗ lực ổn định đầu vào, điều mà trong quá khứ đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự biến động giá vốn của các doanh nghiệp thủy sản và cũng đồng thời tác động lên lợi nhuận.

Đơn cử như Vĩnh Hoàn. Trước việc vùng nuôi Vạn Đức Tiền Giang bị xâm nhập mặn, Vĩnh Hoàn đã giảm tỉ lệ sở hữu tại vùng nuôi này và đầu tư mạnh cho hai vùng nuôi khác là Thanh Bình Đồng Tháp và Tân Hưng Long An. Kế hoạch đầu tư dài hạn trên sẽ giúp tăng năng lực chế biến, tăng mức tự chủ nguồn nguyên liệu từ 60% lên 70% trong 1-2 năm tới.

Hay như trong ngành tôm, Minh Phú đang là doanh nghiệp sở hữu vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước với 900ha nuôi công nghiệp và 50.000ha vùng nuôi liên kết được chuẩn hóa. Điều này giúp Công ty gia tăng tính tự chủ nguồn cung đầu vào. Đồng thời, nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu của ngành tôm trong nước, Minh Phú đã thông qua quyết định đầu tư nhà máy tôm tẩm bột với mục tiêu hướng vào thị trường Mỹ và EU. Dự kiến nhà máy sẽ đạt công suất 40.000 tấn/năm và là động lực tăng trưởng doanh thu cho Công ty kể từ năm 2020.

Công suất của các doanh nghiệp tăng lên, chất lượng cũng được nâng cao. Khi ấy, vấn đề tiên quyết là thị trường tiêu thụ. Điều này dường như đang chiều lòng các công ty thủy sản.

Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2019 sẽ giảm thuế xuất khẩu tôm vào thị trường EU về 0%. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng kỳ vọng tạo sự dịch chuyển nhu cầu nhập khẩu tôm từ Trung Quốc sang thị trường Việt Nam. Những yếu tố này gia tăng cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Mỹ và EU của các doanh nghiệp tôm trong nước.

Nắm bắt được xu thế đó, Nhà nước cũng đã có những động thái hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản. Ngày 13.12, Chính phủ đã xác định danh mục đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra. Đây có thể là một kim chỉ nam cho doanh nghiệp thủy sản ở Việt Nam, giúp chuẩn hóa và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành.

Về triển vọng năm 2019, ông Đào Phước Toàn cũng nhận định rằng ngành thủy sản sẽ có sự phân hóa trong năm tới với trọng tâm tăng trưởng đến từ ngành tôm nhờ nền tảng tăng trưởng dựa trên sản lượng thông qua cơ hội tăng thị phần tại thị trường Mỹ, EU.