flickr.com
Dập dìu sóng M&A bất động sản
Khá trùng hợp khi chỉ số chứng khoán Vn-index trên đà tiến đến cột mốc kỷ lục 800 điểm thì các động thái gia tăng đầu tư thông qua các thương vụ M&A của giới đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng trở nên mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt đến 2,24 tỉ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những lĩnh vực nổi bật nhất có lẽ là thị trường bất động sản với nhiều thương vụ có giá trị lớn.
Một thương vụ M&A đáng chú ý trong nửa đầu năm là việc CapitaLand (Singapore) thâu tóm một mảnh đất đẹp 0,6ha tại khu vực trung tâm quận 1. Giá trị giao dịch không được công bố chính thức vì lý do bảo mật, nhưng theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu thị trường và tư vấn của CBRE Việt Nam, “mức giá hỏi mua của nhà đầu tư này là cao ở mức không tưởng so với mặt bằng chung của thị trường”. Điều này tất nhiên cũng phản ánh phần nào sự lạc quan nhất định của CapitaLand vào xu thế của thị trường trong các năm tới, nhất là trên phân khúc nhà ở, bán lẻ và văn phòng cho thuê.
Làn sóng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm không thể không nhắc tới người chơi đến từ Nhật. Tại khu Nam, hai tập đoàn của Nhật là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã thâu tóm 50% cổ phần trong dự án Khu Đô thị Nguyên Sơn (tên mới là Mizuki Park) từ tay Nam Long. Đây được xem là một trong những thương vụ M&A lớn nhất trong năm nay, đồng thời có thể giúp Nam Long ghi nhận được lợi nhuận 300 tỉ đồng.Một nhà đầu tư khác của Singapore là Keppel Land cũng chi ra 37 triệu USD để gia tăng thêm 16% lợi ích trong Trung tâm thương mại cao cấp Saigon Centre. Tập đoàn này cũng đang liên doanh với các đối tác trong nước như Tiến Phước, Trần Thái trong dự án cao nhất Việt Nam Empire City 86 tầng trị giá 1,2 tỉ USD.
Sau thương vụ đầu tư vào Năm Bảy Bảy, quỹ đầu tư Creed Group cùng đối tác trong nước là An Gia Investment trong tháng 3 cũng đã hoàn tất việc thâu tóm nốt 5 block còn lại tại dự án Lacasa (quận 7) của Vạn Phát Hưng. Theo Savills Việt Nam, giá trị của thương vụ này vào khoảng 40 triệu USD.
Danh sách các thương vụ M&A đáng chú ý còn có việc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM chuyển nhượng lô đất tại Khu Đô thị Thủ Thiêm cho Hongkong Land với giá trị gần 96 triệu USD, hay nhà đầu tư bất động sản Alpha King chính thức mua lại tòa cao ốc nổi tiếng Saigon One Tower tại quận 1 từ chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C (giá trị không được tiết lộ).
Không chịu kém cạnh các đối thủ ngoại, các chủ đầu tư trong nước cũng nỗ lực thực hiện các thương vụ thâu tóm khá nổi bật như Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Green Real... góp phần tạo nên cục diện sôi động trên thị trường và giúp cho nhiều tài sản đang nằm bất động có cơ hội chuyển mình.
Dễ thấy, thay vì đầu tư trực tiếp vào tất cả các công đoạn của một dự án, việc thực hiện các thương vụ M&A giúp cho nhà đầu tư tiết kiệm được nhiều thời gian hơn để hoàn thành thủ tục pháp lý và khâu đền bù giải tỏa. Ngoài ra, hầu hết các dự án được thâu tóm nằm ở vị trí đắc địa, tọa lạc ở khu vực trung tâm hay tiện đường giao thông... giúp cho giá trị được duy trì hay có thể tăng mạnh trong tương lai nhờ hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Đây cũng là lý do khiến một số nhà đầu tư không ngần ngại bỏ ra một số tiền không nhỏ để thâu tóm lợi ích trong các dự án có sẵn. Nhưng liệu xu thế M&A trong 6 tháng cuối năm 2017 sẽ như thế nào?
So với quý I khá trầm lắng thì diễn biến thị trường bất ngờ trở nên ấm áp hơn cho nhà đầu tư trong quý II. Theo ghi nhận của CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản tại TP.HCM đã sôi động hơn trong quý II sau khi chủ đầu tư xem xét xong chiến lược mở bán và đánh giá sản phẩm đã mạnh dạn hơn trong việc mở bán. Điều đó đã giúp số lượng căn hộ được chào bán mới và tiêu thụ đều cải thiện. Trong đó, tổng số căn bán được là 9.522 căn, tăng đến 59% so với cùng kỳ. Xu thế cải thiện này có thể kéo dài trong 6 tháng cuối năm do bước vào mùa vụ kinh doanh chính.
Việt Nam hiện được đánh giá là thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội mới tại châu Á, sau khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Lý do là Việt Nam đang hưởng lợi từ dân số trẻ, chính trị ổn định, môi trường lạm phát thấp, Chính phủ thực hiện các chính sách kiến tạo và mở cửa cũng giúp nhà đầu tư cảm thấy yên tâm hơn khi rót vốn vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm lên đến 19,22 tỉ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
Tiềm năng M&A trên thị trường trong thời gian tới vì thế được đánh giá khá khả quan. Theo ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, các thương vụ mua bán - sáp nhập ngành bất động sản có thể tăng mạnh vì sự quan tâm của giới đầu tư vào thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục lên cao. Thậm chí, dòng tiền đầu tư tiềm năng này có thể lên đến hàng tỉ USD nếu Việt Nam biết tận dụng cơ hội.
Từ đây đến cuối năm có thể xuất hiện một số thương vụ M&A lớn đáng chú ý, trong đó có thể là thương vụ Quốc Cường Gia Lai hoàn tất việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho Vạn Thịnh Phát; Phát Đạt có thể bán dự án cao cấp The EverRich 3 cho một tập đoàn khác để có nguồn tiền trả nợ cho Ngân hàng Đông Á, trong khi lãnh đạo Nam Long đang xem xét chuyển nhượng Khu Đô thị Waterpoint diện tích 350ha tại Long An cho một nhà đầu tư khác.
Sơn Nguyễn