Chính phủ dự kiến tung ra gói hỗ trợ đặc biệt có quy mô lớn hơn gói hỗ trợ trước đó. Ảnh: Quý Hòa.

 
Lam Hồng Thứ Hai | 20/12/2021 09:00

Đảo chiều trong năm 2022

Suy giảm GDP trong quý III/2021 chỉ là nhất thời, GDP sẽ đảo chiều khi các biện pháp mở cửa thị trường được kích hoạt.

2021 là một năm đặc biệt. Việt Nam đã có một khởi đầu tốt đẹp trong quý I khi kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, biến chủng Delta đã biến mọi kế hoạch đảo lộn, nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách, hậu quả là nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đến nỗi chỉ số GDP của quý III ghi nhận mức thấp kỷ lục, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố số liệu GDP.

Hiện tại, tình hình ngày càng ổn định hơn. Chỉ số PMI phản ánh mức độ tự tin của các nhà sản xuất đã tăng lên 52,2 trong tháng 11, cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện tháng thứ 2 liên tiếp sau thời kỳ giảm do đợt bùng dịch thứ 4 khởi phát từ hồi tháng 4. Hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại trong vài tháng qua và tâm lý vững tin dần trở lại bất chấp vẫn còn nhiều trở ngại do lao động chưa quay lại nhà máy. Đơn hàng xuất khẩu mới cũng bắt đầu ổn định, các nhà sản xuất đang giải quyết lượng đơn hàng tồn đọng. Áp lực về giá cũng giảm nhẹ trong vài tháng qua nhờ giá nguyên liệu thô bắt đầu hạ nhiệt...

 

Đáng chú ý, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế khi trong 11 tháng năm 2021, vốn FDI đăng ký đạt 26,46 tỉ USD ở 18 lĩnh vực. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 602 tỉ USD, giữ vững “vị thế” xuất siêu gần 1,5 tỉ USD.

Với các con số lạc quan trên, liệu chúng ta sẽ trở lại mạnh mẽ với đà tăng trưởng bền vững? Điều đó chưa ai dám nói chắc khi bóng ma dịch bệnh với biến chủng Omicron vẫn diễn biến phức tạp. Tất nhiên, vẫn còn đó nhiều rủi ro. Càng về những tháng cuối năm, các vấn đề của nền kinh tế càng bộc lộ rõ. Bên cạnh việc giải ngân đầu tư công không đạt được như kế hoạch đã đặt ra, thì sự phục hồi của doanh nghiệp cũng chưa được như mong muốn và sự phát triển quá nóng của chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... cũng khiến nền kinh kế đứng trước những rủi ro tiềm ẩn.

Trong khi đó, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động năm 2022 có thể trở lại với doanh nghiệp nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phía Nam. Áp lực lạm phát cao của năm 2022 đối với kinh tế Việt Nam đang ngày một tăng do ảnh hưởng bởi thị trường thế giới.

Tuy nhiên, những động lực tăng trưởng cơ bản đang trở lại, mang đến kỳ vọng cao cho năm sau. Đơn hàng điện tử tiêu dùng giảm nhẹ nhưng nhu cầu về điện tử công nghiệp cũng như linh kiện lắp ráp máy móc và các thiết bị sản xuất khác lại gia tăng. Dự báo nếu khủng hoảng COVID-19 qua đi, thế giới sẽ có một chu kỳ đầu tư vốn lớn diễn ra trên diện rộng, đảm bảo nhu cầu điện tử công nghiệp sẽ duy trì mạnh mẽ và mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.

Nếu khả quan, Việt Nam sẽ lại tiếp tục đón dòng khách quốc tế từng lên đến 20 triệu lượt khách du lịch, đóng góp 33 tỉ USD vào GDP. Ảnh: Quý Hòa.
Nếu khả quan, Việt Nam sẽ lại tiếp tục đón dòng khách quốc tế từng lên đến 20 triệu lượt khách du lịch, đóng góp 33 tỉ USD vào GDP. Ảnh: Quý Hòa.

Một động lực quan trọng khác ngày càng đóng góp nhiều cho kinh tế Việt Nam là du lịch đang phục hồi với kế hoạch mở cửa. Nếu khả quan, Việt Nam sẽ lại tiếp tục đón dòng khách quốc tế từng lên đến 20 triệu lượt khách du lịch, đóng góp 33 tỉ USD vào GDP.

Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến tung ra gói hỗ trợ đặc biệt có quy mô lớn hơn gói hỗ trợ trước đó, đồng thời đi vào thực chất hỗ trợ khu vực sản xuất tiêu dùng mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, năm 2022 việc áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ đi vào cuộc sống sát thực tế hơn, không còn tình hình “chống dịch quá đà” tại một số địa phương làm “đóng băng” hoạt động kinh tế xã hội hoàn toàn, thay vào đó là giải pháp linh hoạt, thích ứng, an toàn với dịch bệnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

 

 “Với tình hình phục hồi như hiện nay, GDP quý I/2022 có thể tăng trưởng khoảng 6%, còn cả năm 2022 có thể đạt hơn 8% nhờ một số ngành năm 2022 sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành dịch vụ như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn...“, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), dự báo. Trong khi đó, Chính phủ dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6-6,5%. 

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ dòng vốn FDI mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký trong vòng 2 năm qua đã bắt đầu mang lại trái ngọt. “Năm Nhâm Dần 2022, chúng ta có thể yên tâm phần nào vì linh vật năm sau là loài hổ vốn tự tin, bản lĩnh, dũng cảm và mạnh mẽ. Tất cả những phẩm chất này sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi thách thức và trở lại lộ trình phục hồi thực sự”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định.