Các nhà kinh doanh điện tử, điện máy khép lại nửa đầu năm 2024 với kết quả khởi sắc. Ảnh: T.L

 
Lam Hồng Thứ Sáu | 20/09/2024 08:00

Đảo chiều bán lẻ công nghệ

Sau thời gian vật lộn giành thị phần trong một thị trường xuống đáy, doanh nghiệp bán lẻ điện máy, công nghệ đang đón tín hiệu lạc quan hơn.

Cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động đã tăng giá hơn 60% từ đầu năm 2024, leo lên mức cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây, vốn hóa thị trường cũng theo đó vượt 100.000 tỉ đồng. Đà tăng cổ phiếu gắn với việc Thế Giới Di Động vừa có 2 quý lãi lớn liên tiếp cùng mức tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Công ty đạt 65.621 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỉ đồng, lần lượt tăng 16% và 5.200% so với nửa đầu năm 2023.

Phục hồi từ đáy 

Với kỳ vọng nhu cầu mua sắm nửa cuối năm sẽ tiếp tục hồi phục, báo cáo của SSI Research dự phóng doanh thu mảng điện thoại, điện máy của Thế Giới Di động trong năm nay sẽ đạt 89.000 tỉ đồng, tăng 7% so với năm 2023. Đà tăng này được đánh giá là “ngoạn mục” vì tình hình kinh doanh của Công ty rơi xuống đáy 3 năm khi sức mua rất yếu.

Đà đi lên của chuỗi Thế Giới Di Động cũng như các cửa hàng bán lẻ di động, điện máy khác gắn với thời điểm bùng nổ của sản phẩm máy lạnh và thiết bị làm mát nhờ nhu cầu tăng cao trong mùa nắng nóng. Sự kiện bóng đá Euro cũng góp phần đẩy tăng doanh số bán điện thoại, TV nhờ các chương trình khuyến mãi lớn.

 

Sau năm 2023 nhiều bất ổn, các nhà kinh doanh điện tử, điện máy khép lại nửa đầu năm 2024 với kết quả khởi sắc, đặc biệt là nhóm bán lẻ, thậm chí có doanh nghiệp đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm. Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT) trong quý II ghi nhận doanh thu hơn 9.200 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW) trong quý II có doanh thu và lãi ròng lần lượt 5.008 tỉ đồng và hơn 89 tỉ đồng, tăng tương ứng 9% và 8%. Mức tăng trưởng có được nhờ mảng máy tính xách tay, máy tính bảng, bất chấp đang trong mùa thấp điểm.

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET) đạt gần 4.674 tỉ đồng doanh thu trong quý II/2024, tăng 5% trong khi lãi ròng 28 tỉ đồng, tăng 643%. Kết quả này nhờ hầu hết mảng kinh doanh của các công ty con đều tăng trưởng, xuất phát từ việc thị trường có dấu hiệu hồi phục giúp cải thiện biên lãi gộp.
Tình hình kinh doanh quý II khởi sắc giúp nhiều công ty có thể sớm đạt kế hoạch năm 2024 đề ra. Trong đó, Thế Giới Di Động đã thực hiện 86% kế hoạch lãi sau thuế 2.400 tỉ đồng. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, cho biết đây là con số hoàn toàn nằm trong tầm tay nếu loại trừ những biến số không thể kiểm soát.

Khốc liệt vẫn phía trước

Tuy nhiên, đại diện các công ty bán lẻ điện tử, điện máy cho rằng về ngắn hạn, tình hình kinh doanh tiếp tục đi ngang tùy biến động thị trường và phụ thuộc vào từng thời điểm. Từ quý II này là mùa thấp điểm sẽ kéo sức mua giảm xuống; từ tháng 9, 10 sẽ khởi sắc hơn bởi thị trường có những dòng sản phẩm mới được ra mắt.

Về dài hạn, phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tiếp tục đưa ra lưu ý về rủi ro các phân khúc chính của thị trường điện tử, điện máy đang bước vào giai đoạn bão hòa, thể hiện bằng tỉ lệ thâm nhập cao và doanh số bán hàng trì trệ. Sự xuất hiện của các nhà bán lẻ mới (như CellphoneS, Hoàng Hà Mobile, ShopDunk…) với chính sách giá rẻ hơn cũng gia tăng thêm áp lực cạnh tranh trên thị trường.

 

Nói cách khác, doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt để giữ cho được thị phần. Họ còn phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ nhiều nền tảng bán hàng trực tuyến khi thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh chóng từ cửa hàng (offline) sang trực tuyến (online). Cụ thể, thị trường đã và đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các sản phẩm điện máy, điện tử trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam với doanh số tăng trưởng trên 40% (năm 2023). VDSC cho rằng, việc thu hẹp thị phần từ các ông lớn như Thế Giới Di động, FPT Retail trước những nhà bán lẻ “vị thành niên” và các nền tảng thương mại điện tử có tác động tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng doanh số, bằng hoặc thấp hơn mức trung bình ngành.

Vì thế, dù tình hình khả quan hơn nhưng cuộc đua giành thị phần được dự báo sẽ tiếp tục khốc liệt. Thực tế, theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, trong 2-3 năm tới, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh không có kế hoạch mở rộng cửa hàng, thậm chí những cửa hàng hiện tại kinh doanh kém hiệu quả sẽ phải điều chỉnh cũng như đi tới đóng cửa.