Tại Việt Nam, phúc lợi an sinh xã hội cho người dân chưa được cao như nhiều nước nên nhu cầu tiết kiệm của người dân rất cao. Ảnh: Quý Hoà

 
Lam Hồng Thứ Hai | 25/10/2021 07:30

Đánh thức tiền trong dân

Tối ưu hóa tiền nhàn rỗi trong dân là bài toán được nhắc đến nhiều lần trong nỗ lực tăng cường nguồn lực cho nền kinh tế.

Thời gian gần đây, 2 vấn đề liên quan đến tiền được nhắc nhiều. Đó là tìm tiền để tăng nguồn lực cho gói hỗ trợ thúc đẩy phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, để tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế, ý kiến huy động tiền trong dân cũng được đưa ra.

Theo số liệu của World Bank, nền kinh tế Việt Nam có tỉ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỉ USD, nằm trong người dân mà chưa huy động hết. Trong số này, những thông tin và số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra rằng có khoảng hơn 500 tấn vàng đang nằm trong két sắt người dân, tức khoảng gần 20 tỉ USD đang nằm im ở dạng tích sản và chiếm tỉ trọng hơn 7% so với GDP năm 2020. Nếu nguồn vốn này huy động thành công có thể giảm áp lực vay nợ nước ngoài, giúp Chính phủ có thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh.

“Hiện nguồn lực trong dân còn rất nhiều nên chính sách phải làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền vào kinh doanh, chứ không để vào nhà cửa, vàng bạc, USD tích trữ”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thừa nhận. Chẳng hạn, Bộ Tài chính đang tính toán phát hành thêm công trái thông qua người dân như trước đây để huy động nguồn lực trong dân còn đang nhiều, chứ không phải thông qua các ngân hàng thương mại.

Về vàng, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể sử dụng hàng trăm tấn vàng để thế chấp với các tổ chức tài chính thế giới và vay tiền. Ông Hiếu đề xuất, Ngân hàng Nhà nước sẽ là cơ quan chủ trì để huy động nguồn vốn từ nhân dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng như một công cụ tài chính phổ biến trên thế giới.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn ngược lại, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, cho rằng ý tưởng huy động USD (hoặc vàng) trong dân (hình thức trái phiếu, lãi suất với đồng USD) sẽ làm tăng bất ổn vĩ mô. “Việc huy động nguồn lực trong xã hội cần thống nhất thực hiện thông qua công cụ lãi suất và các cơ chế đã có trên thị trường tài chính mà đối tượng điều hành duy nhất là VND”, ông Thành nhấn mạnh.

Trên thực tế, theo ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn của World Bank, các nguồn tích lũy tiết kiệm cần được đầu tư vào đâu là câu hỏi cần được quan tâm. Vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng... 

Ông Ketut Kusuma đưa ra một số khuyến nghị như tăng cường tính minh bạch trong khung thông tin, tiếp tục công cuộc cải cách thị trường trái phiếu chính phủ, thúc đẩy hệ thống đầu tư tư nhân, mở rộng quỹ đầu tư hưu trí, quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu rộng rãi trong công chúng, mở rộng quy mô của các quỹ nhà nước, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ lương hưu.

Sở dĩ vấn đề tìm tiền trong dân được đặt ra là do thị trường vốn eo hẹp của Việt Nam có khả năng huy động vốn hạn chế. Huy động vốn vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng đang quá tải. Phát triển thị trường vốn vẫn chưa bắt kịp các nước trong khu vực, xét cả về quy mô tương đối (tỉ lệ so với GDP) lẫn quy mô tuyệt đối và chất lượng thể hiện ở mức độ công khai, hiệu quả. Đặc biệt, theo World Bank, đây là thời điểm thích hợp phát triển đa dạng các thị trường vốn vì Việt Nam sẽ không còn nhiều cơ hội vay vốn ưu đãi, mà chuyển sang nguồn vốn vay thương mại.

Vì vậy, Việt Nam cần có giải pháp cải thiện thể chế, luật pháp, ưu đãi... để mở rộng năng lực thị trường vốn mới, huy động mạnh mẽ hơn được nguồn lực khác, trong đó có tiền tích lũy trong dân. Hay nói cách khác, Chính phủ phải có thêm các công cụ tài chính hấp dẫn và an toàn để người dân có thêm kênh đầu tư, từ đó có thể bán vàng, USD để đầu tư vào các công cụ này.
 

Tại Việt Nam, phúc lợi an sinh xã hội cho người dân chưa được cao như nhiều nước nên nhu cầu tiết kiệm của người dân rất cao. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng đang chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nên không thể duy trì lãi suất huy động ở mức cao, đủ hấp dẫn người gửi tiền. Do đó, nếu có kênh đầu tư an toàn để ký thác tiền tiết kiệm cũng như tạo ra lãi suất hợp lý từ các khoản đầu tư, tiết kiệm của mình, người dân sẽ sẵn sàng hợp tác.

“Mấu chốt của việc huy động vốn là nằm ở lòng tin của người dân. Theo đó, để huy động được nguồn vốn từ nhân dân, cần có sự công khai, minh bạch từ việc huy động đến việc sử dụng nguồn vốn của Chính phủ”, chuyên gia ngân hàng Phạm Xuân Hòe nhận định.