Thứ Tư | 05/12/2012 08:44

Danh sách 8 ngân hàng xin kinh doanh vàng miếng

Dự liến đến cuối tháng 12/2012, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ hoàn thành việc kiểm tra và cấp phép kinh doanh cho những đơn vị đủ điều kiện.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN (Ngân hàng Nhà nước) chi nhánh TPHCM cho biết, hiện có 21 đơn vị gồm 8 ngân hàng thương mại và 13 doanh nghiệp gửi hồ sơ đến NHNN xin cấp phép được kinh doanh vàng miếng đợt 1.

NHNN chi nhánh TPHCM được NHNN Việt Nam ủy quyền để đi kiểm tra các điều kiện kinh doanh vàng miếng của các đơn vị này. Hiện, NHNN chi nhánh TPHCM đang tiến hành kiểm tra trước 8 ngân hàng thương mại gồm: HDBank, Phương Nam, Eximbank, Sacombank, Sài Gòn, Phương Đông, ACB, Nam Việt.

Trong số 13 doanh nghiệp xin cấp phép có những tên tuổi lớn ở miền Bắc như: Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, Công ty TNHH vàng bạc Bảo Tín Minh Châu. Theo ông Minh, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ hoàn tất việc kiểm tra và cấp phép kinh doanh vào cuối tháng 12/2012 cho những đơn vị đủ điều kiện.

Tuy nhiên, theo vị giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng tiết lộ, bản danh sách ngân hàng thương mại (NHTM) xin cấp phép kinh doanh vàng miếng không dừng lại ở con số 8.

Đến thời điểm hiện tại, số NHTM xin cấp phép kinh doanh lên đến 20 NHTM. Theo vị giám đốc này, bởi xét điều kiện của Nghị định 24 thì chỉ có các NHTM mới có đủ điều kiện để kinh doanh.

Theo Nghị định 24, muốn được kinh doanh vàng miếng doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm kinh doanh vàng, nộp thuế kinh doanh vàng 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm gần nhất và có mạng lưới chi nhánh bán hàng tại ít nhất 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Như vậy, chỉ có những doanh nghiệp lớn kinh doanh lâu năm và các tổ chức tín dụng mới đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng, còn các doanh nghiệp nhỏ hay tiệm vàng dĩ nhiên bị loại ra khỏi thị trường.

Như vậy, thị trường vàng miếng sẽ chỉ toàn những gương mặt cũ? Theo một doanh nhân kinh doanh vàng tại Hà Nội, đây là điều bất hợp lý trong Nghị định 24. Bởi nó vi phạm quyền tự do kinh doanh (những gì pháp luật không cấm) của người dân và doanh nghiệp, đã được Hiến pháp thừa nhận.

Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam bày tỏ lo lắng bởi việc xác định các điểm, các phòng chi nhánh kinh doanh vàng miếng đủ điều kiện là một ẩn số với cơ quan chức năng.

“Với các doanh nghiệp, tiệm vàng lớn đang hoạt động nhưng không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng thì họ sẽ tự cứu mình bằng cách móc ngoặc với các chi nhánh, điểm giao dịch được phép và trở thành cánh tay dài của những đơn vị này. Điều này, NHNN không kiểm soát được”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, khi nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân tăng sẽ kéo theo sự hoạt động của thị trường vàng chợ đen.

Một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn ở Hà Nội vừa nộp đơn xin cấp phép cũng nhận định, việc mua bán chui vàng miếng sẽ diễn ra mạnh mẽ sau ngày 30/1/2013.

Tuy nhiên theo ông Trần Thanh Hải, khi kinh doanh vàng miếng bị thu hẹp, nếu chúng ta kiểm soát tốt việc dân mang vàng đến tiệm vàng thì lúc đó giá có thể xuống thấp hơn.

Còn vị giám đốc doanh nghiệp kinh doanh vàng lại lưu tâm và băn khoăn: “Nếu để nhiều ngân hàng kinh doanh vàng sẽ gia tăng hiện tượng vàng giả, kém chất lượng. Như vừa rồi ngay cả những ngân hàng đã kinh doanh vàng cả chục năm như ACB tuy mới chỉ có vài chi nhánh kinh doanh vàng, đã xuất hiện vàng nhái có nguồn gốc từ ngân hàng đưa ra. Do bản thân nhân viên ngân hàng không có đủ kiến thức và nghiệp vụ để kiểm soát chất lượng vàng đầu vào”.

Nguồn Tiền Phong


Sự kiện