PV: Quay trở lại về mối quan tâm của hàng nghìn ngư dân, một khán giả có viết thư về chương trình cho biết: “Là một ngư dân, tôi vô cùng căm phẫn trước hành động vô nhân đạo của Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá ở Đà Nẵng, vì thế tôi càng trông đợi nhiều hơn vào gói tín dụng 10.000 tỷ đồng mà Chính phủ quyết định hỗ trợ chúng tôi. Nhưng tôi nhớ vào năm 2006, cũng có gói hỗ trợ giống thế này rồi, tôi là ngư dân thì không được vay nhưng nghe đài, báo tôi được biết gói tín dụng này có nợ xấu tới gần 90%. Thống đốc cho tôi hỏi liệu với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng này, tôi là ngư dân thì hỗ trợ được gì và liệu nó có thất bại như gói tín dụng trước hay không?”
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Đúng là trước đây chúng ta có chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đến nay tổng kết chương trình này nếu đứng dưới góc độ tín dụng ngân hàng có thể là chương trình không thành công, bởi vì chúng ta đã biết nợ xấu, nợ quá hạn, nợ cần phải khoanh chiếm một tỷ trọng rất lớn.
Tuy nhiên đứng dưới góc độ kinh tế xã hội thì chương trình này cũng có những mặt tích cực to lớn của nó, chính nhờ chương trình này mà hiện nay chúng ta có đội tàu tương đối lớn giúp cho ngư dân của ta có thể vươn khơi ra những vùng biển xa đặc biệt ở Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ thực hiện bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Đất nước chúng ta mà còn nâng cao thêm năng lực đánh bắt xa bờ một cách đáng kể của ngư dân Việt Nam.
Từ đó khẳng định được tiềm năng đánh bắt xa bờ của đất nước chúng ta và mở ra hướng chúng ta phải định hướng xa hơn nữa trong vấn đề đánh bắt xa bờ này. Còn đối với chương trình tín dụng sắp tới chúng tôi đang lên kế hoạch để khắc phục được những mặt yếu kém của chương trình cũ và giúp đạt được định hướng tái cơ cấu lại ngành đánh bắt xa bờ của Việt Nam trong tổng thể tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.
PV: Cũng liên quan tới gói tín dụng dành cho ngư dân 10.000 tỷ đồng, một người dân có hỏi: “Thưa Thống đốc tôi đã dồn tiền vào đóng 1 con tàu gỗ, bây giờ vốn tôi đã cạn, con tàu của chúng tôi chưa đủ tiền để hoàn thành, liệu tôi có được vay thêm tiền trong gói tín dụng 10.000 tỷ đồng này hay không? Và những ngư dân đã có tàu nhưng muốn hoán cải để tàu chắc chắn hơn khi đánh bắt xa bờ thì có được vay vốn ưu đãi hay không?”
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Gói tín dụng này nội dung chủ yếu nhằm giúp ngư dân có thể đóng tàu sắt to lớn hơn vững chãi hơn để có thể vươn khơi bám biển dài ngày hơn và đánh bắt xa bờ được hiệu quả hơn. Tuy nhiên để thực hiện thành công gói tín dụng này đòi hỏi cần một thời gian trong khi chúng ta vẫn phải duy trì năng lực sản xuất, năng lực đánh bắt xa bờ của ngư dân, do vậy một phần trong gói tín dụng này vẫn để hỗ trợ cho ngư dân trong việc hoán cải các con tàu hiện nay và sửa chữa nâng cấp các con tàu hiện nay.
PV: Thưa Thống đốc, Thống đốc ký giải ngân cho 4 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp với mức lãi suất tối đa chỉ từ 7% cho ngắn hạn và hơn 10% cho dài hạn. Vậy ông có thể cho biết điều kiện vay vốn là gì và Thống đốc có chắc chắn mô hình này sẽ thành công hay không?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Vừa qua chúng tôi đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương các cấp đi khảo sát mô hình này trong toàn quốc, và theo kế hoạch chúng tôi sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn 20-30 dự án trọng điểm để tiến hành chương trình này.
Sau khi xem xét và thống nhất với các Bộ ngành chúng tôi đã ký hợp tác này cho 4 dự án của tỉnh An Giang và từ nay đến giữa tháng 6 này chúng tôi sẽ ký tiếp 4 dự án nữa. Chúng tôi cho rằng toàn bộ chương trình thí điểm này sẽ được tiến hành thí điểm từ 1-2 năm và tổng kết rút kinh nghiệp trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện các mặt bằng pháp lý kể cả cơ chế tín dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, để thực hiện chương trình này thành công.
Nguồn VOV