Đinh Thanh Phong không đánh giày Tây để mưu sinh. Công việc quản trị hệ thống IT cho một công ty Tây Ban Nha có trụ sở ở Singapore cho anh mức thu nhập hơn 1.000 USD/tháng.
Đánh giày bạc tỉ
Bây giờ, Đinh Thanh Phong, nhà sáng lập Gazano - Chăm sóc giày Tây, đã có 2 cửa hàng bề thế tại quận Ba Đình và Hai Bà Trưng, vốn là 2 trong 4 quận lâu đời nhất của Hà Nội, cũng là nơi dày đặc các văn phòng công ty và căn hộ của tầng lớp trung lưu. Các cửa hàng của Phong nằm trong nhóm dịch vụ mới xuất hiện tại Hà Nội, được dẫn dắt bởi những người trẻ, phản ánh sự thay đổi trong quan điểm về việc làm trong xã hội hiện nay.
Câu chuyện chàng trai Hà Nội mặc vest, đi giày Tây, ngồi đánh giày trước quán cà phê với giá “cắt cổ”, không chỉ thu hút những người hiếu kỳ mà còn cả “dân chơi giày Tây” bắt đầu từ 4 năm trước. Khách hàng mê cách Phong đánh giày, thích thú khi những đôi giày bụi bẩn được làm sạch một cách hoàn hảo, nhưng cũng “nhăn mặt” khi phải bỏ ra 50.000-70.000 đồng, gấp 5-8 lần bình thường, chỉ để đánh xi một đôi giày. Thời điểm đó, Hà Nội có nhiều cửa hàng bán giày, cũng không ít cửa hiệu đóng giày, nhưng gần như chưa xuất hiện dịch vụ vệ sinh giày.
Đinh Thanh Phong không đánh giày Tây để mưu sinh. Công việc quản trị hệ thống IT cho một công ty Tây Ban Nha có trụ sở ở Singapore cho anh mức thu nhập hơn 1.000 USD/tháng, đủ trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng niềm đam mê với “giày Tây”. Tuy nhiên, thời gian làm việc 12 giờ/ngày và 7 ngày/tuần khiến Phong không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, mất dần động lực với công việc. Và cố gắng làm nhiều việc cùng lúc không phải khi nào cũng mang lại kết quả tốt.
Khởi sự của Phong không bằng phẳng. Vài tháng trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Phong chính thức dừng công việc đang nuôi sống mình để tập trung hoàn toàn vào việc phát triển dịch vụ chăm sóc giày. “Tôi muốn đặt đam mê giày Tây lên hàng đầu và trở thành ông chủ của chính mình”, Phong cho biết và mong đợi khi có được 20.000 khách hàng, anh sẽ có tiền tỉ trong tay. Suy nghĩ của Phong là nhất quán bởi anh là người làm được việc và chơi cũng hết mình, cũng không khác biệt với nhiều người thuộc thế hệ Millennials (sinh ra trong khoảng thời gian 1981-1996).
Cửa hàng chăm sóc giày cao cấp đầu tiên mở cửa, nằm trên phố Hai Bà Trưng - con phố sầm uất giữa trung tâm Hà Nội, với kỳ vọng lớn lao ban đầu về một sân chơi cho giới mộ điệu. Thế nhưng, mô hình kinh doanh này đã đóng cửa, trả mặt bằng chỉ sau hơn 1 năm do doanh thu không bù đắp được chi phí. Dịch vụ vệ sinh giày có khả năng sinh lời thấp, nhưng chi phí thuê cửa hàng, mua nguyên liệu nước ngoài quá cao, cộng thêm yếu kém trong quản lý dòng tiền, trở thành những nguyên nhân căn bản không chỉ làm tiêu tan khoản tiền tích cóp trong 10 năm làm IT mà còn mang đến cho Phong những khoản nợ, buộc anh phải đi vay tiền để duy trì cửa hàng. Đó là quãng thời gian rất khó khăn.
Bây giờ, Phong đã kiếm được 200 triệu đồng mỗi tháng qua các đơn hàng trên TikTok. Anh vẫn giữ mô hình kinh doanh cũ là tập trung vào dịch vụ cao cấp, nhưng với cách làm mới. Anh tận dụng vốn tiếng Anh và kinh nghiệm IT để quảng bá dịch vụ, nhận đơn hàng từ các nền tảng điện tử, đặc biệt là TikTok, đồng thời thúc đẩy mảng kinh doanh dụng cụ, hóa chất vệ sinh giày da, túi xách. Từ đó, doanh số và lợi nhuận từng bước được cải thiện.
Nhiều người nhận ra rằng Gazano đã thay đổi quan điểm kinh doanh, lựa chọn sản phẩm phù hợp để cung cấp dịch vụ cao cấp. “Giày Tây không phải thứ có thể nuôi sống mình, mà phải là giày hiệu”, Phong thừa nhận. Nhu cầu chăm sóc giày hiệu tương đối lớn, bởi Việt Nam thuộc nhóm thị trường tiêu thụ nhiều hàng hiệu trên thế giới, chỉ tính giày Monte Carlo và dép HM của Louis Vuitton có thể lên tới con số trăm ngàn. Trong danh mục khách hàng của Gazano, nhiều khách hàng sở hữu từ vài sản phẩm giày, túi xách đến gần 100 sản phẩm thương hiệu nước ngoài.
Không có đường tắt nào đến thành công. Những gì Phong có được hôm nay là một quá trình, từ lý thuyết ở đại học, công việc IT và trải nghiệm đánh giày và làm dịch vụ. Anh nhận ra rằng: “Hiểu biết về giày chỉ chiếm 5% thành công” trong khi kinh doanh dịch vụ này yêu cầu rất nhiều kỹ năng, từ quản trị, công nghệ, maketing, tiếp thị đến chăm sóc khách hàng. Chẳng hạn, mỗi một sản phẩm giày lại yêu cầu cách thức chăm sóc riêng, ngoài những kỹ thuật căn bản còn phải đáp ứng các yêu cầu về thái độ, sự chỉn chu của nhân viên trong công việc. Đó cũng là lý do Gazano gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân sự phục vụ các kế hoạch mở rộng kinh doanh.
Gần cuối năm cũng là mùa cao điểm, Phong nhắc nhân viên giãn thời gian giao nhận vì anh muốn đảm bảo chất lượng và giao hàng đúng hẹn. Một thực tế là dịch vụ khó ước định tiêu chuẩn cụ thể, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ của Gazano hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm cá nhân của Phong. Điều này một mặt đạt được sự thống nhất về chất lượng và thời gian trả hàng, nhưng mặt khác lại dẫn đến sự phụ thuộc nhất định về kỹ thuật vào anh.
Thách thức thực sự với anh là thời gian. Phong vẫn làm việc 10-12 giờ mỗi ngày, như thời điểm làm công việc IT, nhưng anh cảm thấy vui bởi được làm việc mình thích. Bây giờ, ngoài trực tiếp xử lý những ca khó, Phong dạy nghề vệ sinh giày cho người trẻ, dành thời gian nghiên cứu những cách thức vệ sinh giày mới, sử dụng ít xi và hóa chất hơn, phát triển kế hoạch tái chế một số sản phẩm từ giày, túi xách đã qua sử dụng. Anh đang nghĩ đến dịch vụ chăm sóc sản phẩm da giày, túi xách sẽ phát triển như một ngành công nghiệp tái chế trong tương lai.