Đằng sau việc ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất
Ế vốn, hạ lãi tiền gửi
Giữa tháng 3 vừa qua, các NH đồng loạt giảm lãi suất khi NHNN điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 7%/năm xuống 6%/năm. Và đến gần giữa tháng 6 này các NH rục rịch hạ lãi suất dù không trên phạm vi rộng lớn. Hai NH lớn là Vietcombank và VietinBank vừa giảm thêm lãi suất huy động từ 0,1 - 0,5%/năm ở một số kỳ hạn.
Theo biểu lãi suất tính đến ngày 18/6, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng tại Vietcombank chỉ còn 5,1%/năm, kỳ hạn từ 3,6,9 tháng chỉ còn 5,9%/năm. Mức giảm khá mạnh là các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 60 tháng, khi lãi suất lùi sâu về chỉ còn 7%/năm.
VietinBank là NH áp dụng mức lãi suất thấp nhất kỳ hạn ngắn khi lãi suất huy động từ 1 đến dưới 2 tháng chỉ ở mức 5%/năm; 2 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 5,5%/năm; 3 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5,75%; 6,9, 12 tháng ở mức 6%/năm.
Tại các NHTMCP quy mô nhỏ hơn như Eximbank lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng lĩnh lãi cuối ở mức 5,7%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 6,5%/năm; tại ACB mức lãi suất huy động thấp nhất là 5,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1-2 tháng… Đây là mức lãi suất huy động thấp nhất của các NH áp dụng từ đầu năm đến nay và cũng là nhiều năm trở lại đây.
Việc tiếp tục hạ lãi suất huy động được các NH lý giải là một biện pháp để giảm bớt chi phí vì vốn đang “ế”. Số liệu thống kê mới nhất của NHNN cho thấy, đến ngày 23/5, huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm ngoái trong khi tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ tăng 1,31% so với cuối năm 2013.
Như vậy có thể nhìn thấy rõ trong khi huy động vẫn tăng trưởng đều, bài toán đầu ra cho vốn vẫn rất bí bách. Lãnh đạo một NH bày tỏ, dù tất cả cuộc họp của họ tăng trưởng tín dụng luôn được ban lãnh đạo đưa ra làm vấn đề trọng yếu và bàn “nát” ra nhưng kết quả tín dụng vẫn đang ì ạch. Nên buộc họ phải điều chỉnh giảm lãi suất.
Phân tích nguyên nhân sâu hơn, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tỷ lệ lãi cận biên của ngân hàng (NIM) sụt giảm mới là nguyên nhân chính khiến một số ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động nhằm đối phó với nỗi lo không đạt mục tiêu lợi nhuận.
Thừa nhận điều này, lãnh đạo một NH chia sẻ: NH huy động 10 đồng cho vay 7 đồng cũng là tốt lắm rồi. Còn 3 đồng còn lại nếu ném vào TPCP thì lãi suất đang giảm nên phần lãi đó không thể bù đắp lại chi phí huy động vốn trên thị trường 1, thậm chí lãi NH còn bị âm. Vấn đề là sức chịu nhiệt của NH đến đâu. “Nếu các NH thấy ngấm đòn, không chịu nổi nữa thì việc giảm lãi suất là đương nhiên. Giá lãi suất được phản ánh qua cung - cầu trên thị trường”, vị này nói thêm.
Tiền sẽ chạy vào chứng khoán, USD?
Tuy việc giảm lãi suất huy động là cơ sở để các NH giảm lãi suất, nhưng nhiều ý kiến lo ngại có thể người dân sẽ không muốn gửi tiền vào ngân hàng mà chuyển sang kênh đầu tư khác như chứng khoán, USD đang nóng…
Theo quan điểm của TS Trần Du Lịch, tiền gửi tiết kiệm của công chúng, do không có một kênh đầu tư nào khác nên dân mình mới thích gửi tiết kiệm. Còn đối với DN, người kinh doanh gửi ngân hàng lấy lãi là chuyện cực chẳng đã. Phần lớn tiền gửi ngân hàng là vốn lưu động, tiền nhàn rỗi trong các chu kỳ kinh doanh.
Mặt khác, theo ông Lịch việc giảm lãi suất huy động cũng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế vì không có một nước phát triển nào mà nghĩ con đường kiếm lời bằng cách đi gửi tiết kiệm cả, tiền phải được đưa vào kinh doanh.
Người trong cuộc thì họ nghĩ sao? Một lãnh đạo NHTM thẳng thắn bày tỏ: Để đưa ra quyết định giảm lãi suất NH có hội đồng về giả đề nghiên cứu cân nhắc kỹ để xác định tỷ lệ cho phù hợp đồng thời lên các phương án để ứng xử. “Mỗi NH có vị thế khác nhau nên cách hành xử đối với lãi suất cũng khác nhau. Chứ chẳng NH nào lại hạ lãi suất thấp để đuổi khách đi”, vị này quả quyết nói.
Dù mức lãi suất huy động đang ở mức cân bằng với lạm phát của nền kinh tế nhưng trong cuộc họp báo Chính phủ tháng 5, Thống đốc NHNN cho biết NHNN chưa chủ trương hạ lãi suất. Và việc giảm lãi suất được cơ quan này cân nhắc hết sức thận trọng.
Nguồn Tiền Phong