Đằng sau việc Big C Việt Nam lọt vào tay đại gia Thái
Các đại gia bán lẻ ngoại đang đổ bộ vào thị trường bán lẻ Việt Nam, trong khi chính sách bảo hộ chính đáng của Nhà nước đối với nhà bán lẻ và hàng hóa trong nước lại lỏng lẻo.
Để vuột thương vụ tỉ đô
Ông Nguyễn Thanh Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Coo.op), cho biết trước làn sóng xâm nhập mạnh mẽ của nhà bán lẻ nước ngoài, khó khăn mà Saigon Co.op và các đơn vị bán lẻ trong nước đang gặp phải chính là cơ chế bảo hộ nhà bán lẻ trong nước và chất lượng hàng hóa nội địa.
Cụ thể là quy định ENT (xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm, một công cụ mà Việt Nam đã giành được trong WTO để bảo hộ hợp lý cho các DN trong nước - PV) chưa được thực thi triệt để, chưa có cơ chế đặc thù cho đơn vị bán lẻ quy mô lớn trong nước thuận lợi tham gia mua bán, sáp nhập.
Thương vụ mua hệ thống siêu thị Big C Việt Nam gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử là một ví dụ. Dù Saigon Co.op đã vượt qua được những khó khăn về huy động vốn để trở thành ứng viên tiềm năng nhất của thương vụ mua Big C Việt Nam nhưng do chưa có giấy phép đầu tư ra nước ngoài nên kết quả chưa được như mong muốn. (Siêu thị Big C Việt Nam cuối cùng lọt vào tay đại gia Thái Lan với giá 1,05 tỉ USD - PV)
“Mặc dù được Thủ tướng và các bộ, ngành hết sức ủng hộ nhưng do phía đối tác cần thanh khoản nhanh nên họ đã chọn cách chốt thương vụ sớm. Có thể thấy rằng nếu Saigon Co.op thành công trong thương vụ này thì thương hiệu bán lẻ trong nước sẽ tạo được đối trọng cần thiết và chủ động hơn trong việc chiếm lĩnh thị phần nội địa so với khối ngoại” - ông Nhân nói.
Một số nhà bán lẻ nước ngoài "vượt" luật
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, luật sư Phạm Ngọc Hưng, cho hay qua phản ánh của nhiều DN và khảo sát thực tế cho thấy một số nhà bán lẻ nước ngoài đã vi phạm quy định về một số mặt hàng không được phân phối đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Thông tư số 34 ngày 24-12-2013 của Bộ Công Thương.
Cụ thể, công ty có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối gạo, đường mía, thuốc lá, xì gà... Thế nhưng tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ của nhiều đơn vị nước ngoài đang bày bán công khai các mặt hàng này mà không bị cơ quan quản lý nhắc nhở và có biện pháp xử phạt.
Quả thật, theo khảo sát của chúng tôi, tại nhiều siêu thị nước ngoài các mặt hàng nằm trong danh mục cấm bán theo Thông tư 34 của Bộ Công Thương vẫn được bày bán bình thường, muốn mua bao nhiêu cũng có. Thậm chí có siêu thị ngoại dành hẳn một khu vực bán gạo, nếp, đường, rượu... Riêng gạo thường được đóng gói trong bao bì loại 2 kg, 5 kg. Trong đó đáng chú ý là gạo nhập từ Thái Lan hiệu Homali đóng gói trong bao 5 kg giá 188.000 đồng, gạo Nasiam 5 kg giá 194.000 đồng.
“Điều này đã phần nào tạo sự cạnh tranh không công bằng giữa các nhà bán lẻ trong nước với nước ngoài” - đại diện một DN nêu quan điểm.
Ưu ái nhà đầu tư ngoại, hàng Việt về đâu?
Trong một văn bản gửi tới Thủ tướng mới đây Hiệp hội DN TP.HCM cho hay theo cam kết WTO, trước khi các DN nước ngoài mở cơ sở bán lẻ phải xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm đó (quy định ENT), nếu đảm bảo mới cấp phép. Thế nhưng việc quy hoạch mạng lưới bán lẻ tại nước ta chưa cụ thể, chi tiết và việc quản lý, thực thi các quy định ENT trong thời gian gần đây của nhiều địa phương chưa chặt chẽ.
Điều này dẫn đến việc một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể mở điểm bán hàng ngay bên cạnh và cạnh tranh quyết liệt với các nhà bán lẻ trong nước. “Thậm chí một số trường hợp núp bóng các trung tâm thương mại trong nước để mở mạng lưới và không bị bất cứ một rào cản nào từ phía cơ quan nhà nước” - văn bản của Hiệp hội DN TP.HCM nêu rõ.
Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng các cơ quan chức năng gần như chưa có chính sách bảo hộ nào đối với các nhà bán lẻ trong nước. Điển hình quy định ENT chưa phải là một khung ENT ở cấp độ toàn quốc mà mỗi địa phương áp dụng ENT một kiểu.
Điều này theo ông Hưng là do Nhà nước thiếu một chính sách về thị trường bán lẻ. Một thời gian dài chỉ tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài, hỗ trợ xuất khẩu. Trong khi đó thời đại hiện nay, ai nắm hệ thống phân phối người đó quyết định sản xuất. Việt Nam có nhận thức về việc cần bảo hộ DN bán lẻ trong nước, có chủ trương và có mong muốn thiết tha nhưng chiến lược và chính sách thì... không có.
“Việc thiếu liên kết trong DN, thiếu đồng bộ giữa các chính sách, thiếu phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương cũng góp phần khiến cho các DN Việt mất dần sân nhà. Trong những điều định hướng chưa rõ ràng có sự ưu ái, ưu tiên cho DN phân phối nước ngoài hơn trong nước, vì coi đây là thành tích thu hút đầu tư nước ngoài. Hào hứng với các cam kết quốc tế đạt được về mở cửa thị trường mà quên đi việc thực hiện các biện pháp bảo hộ chính đáng và cần thiết cho DN và hàng hóa của nước nhà. Điều này khiến cho nhà bán lẻ Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với đối thủ ngoại. Đồng nghĩa với các nhà sản xuất nhỏ Việt Nam thiếu một bạn đồng hành quan trọng nhất trong thương trường. Hàng hóa và DN nhỏ của chúng ta sẽ đi về đâu?” - ông Hưng đặt vấn đề.
Phải có chính sách bảo hộ hợp lý
Từ thực tế trên, Hiệp hội DN TP.HCM kiến nghị Nhà nước cần ban hành một chính sách đối với thị trường bán lẻ trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là phải sử dụng công cụ ENT mà Việt Nam đã giành được trong WTO để bảo hộ hợp lý cho các DN trong nước.
Tương tự, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, nhấn mạnh ai cũng hiểu rằng người nào sở hữu được kênh phân phối lớn thì sẽ chủ động được hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, Nhà nước cần có sự quy hoạch rõ ràng, trước hết là tận dụng những quy định về ưu đãi được phép trong lộ trình hội nhập nhằm bảo vệ cho hệ thống bán lẻ trong nước. Đồng thời Nhà nước cần hỗ trợ để có những DN lớn, đủ tầm để dẫn dắt sản xuất và bán lẻ.
Hiệp hội DN TP.HCM cũng kiến nghị việc cấp phép đầu tư liên quan đến quy định ENT về bán lẻ đối với nhà đầu tư nước ngoài cần quy định chặt chẽ và đồng bộ hơn; có quy định chặt chẽ về quy mô dân số khu vực, khoảng cách giữa các điểm bán lẻ…
“Trong thời gian chờ đợi có những văn bản pháp luật được chỉnh sửa hoặc bổ sung, đề nghị cơ quan chức năng ngưng cấp phép cho các nhà bán lẻ nước ngoài mở điểm bán mới. Bên cạnh đó cho kiểm tra, rà soát toàn bộ công tác cấp phép mở điểm bán mới đối với các DN bán lẻ nước ngoài. Từ đó đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế” - trong văn bản gửi Thủ tướng, Hiệp hội DN TP.HCM nêu rõ.
Làm bệ phóng cho hàng Việt Ông Nguyễn Thanh Nhân, Tổng Giám đốc hệ thống Saigon Coo.op, cho biết thế mạnh dễ thấy nhất của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài chính là tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm quản lý có bề dày mấy trăm năm trải rộng trên nhiều thị trường. Ngược lại, bán lẻ nước ta chỉ phát triển một vài chục năm nay, vừa phải nỗ lực huy động vốn, vừa phải tích lũy kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện mình. Do đó, các DN sản xuất trong nước cần đầu tư cải tiến mạnh mẽ hơn nữa để cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nước ngoài, để có thể phối hợp với kênh phân phối trong nước thì mới có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa. Tổng giám đốc Saigon Coo.op cũng nói thêm không thành công trong việc mua lại Big C Việt Nam không có nghĩa là không thể tiếp tục làm bệ phóng cho hàng Việt. “Nếu có thêm được Big C Việt Nam, chúng ta sẽ có thêm yếu tố cộng hưởng để thuận lợi hơn. Nếu không có được Big C, Saigon Co.op vẫn chủ động phát triển nhanh mạng lưới và đa dạng hóa các mô hình bán lẻ để kịp thời đáp ứng xu hướng và hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước” - ông Nhân tự tin nói. Xem xét thanh tra cấp phép hoạt động bán lẻ Theo Công văn số 2714 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng gửi các bộ, ngành mới đây, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ xem xét việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của cơ quan, địa phương trong việc quản lý, cấp phép hoạt động bán lẻ cho DN đầu tư nước ngoài thời gian qua. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật, các hành vi sáp nhập, mua lại của DN đầu tư nước ngoài trên thị trường bán lẻ Việt Nam. |
Nguồn PLO