Thứ Sáu | 01/08/2014 11:25

Đằng sau những động thái bất thường của Tập đoàn Besra Việt Nam

Tập đoàn Besra Việt Nam vừa tuyên bố tạm ngừng hoạt động ở 2 mỏ vàng lớn nhất Việt Nam.
Hoạt động ở Việt Nam hơn 20 năm qua, sản lượng khai thác vàng của Besra tại Việt Nam đã tăng đều đặn qua từng năm. Năm 2013, sản lượng vàng theo dự đoán Besra làm ra hơn 60.000 ounce (khoảng 2 tấn).

Thế nhưng, nói như lãnh đạo Cục Thuế Quảng Nam: “Thật vô lý bởi nếu Công ty thua lỗ, mất vốn hoặc hàng tồn kho không có khả năng tài chính để nộp thuế thì được. Đằng này họ kinh doanh không lỗ, hàng bán hết mà vẫn không chịu nộp thuế”...

Việc khai thác khoáng sản có tính nhạy cảm cao như vàng luôn gây tò mò cho nhiều người. Do vậy trước việc làm “khó hiểu” của Tập đoàn Besra Việt Nam, những ngày qua dư luận trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm. Để tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề trên, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã vào cuộc tìm hiểu những điều “khó hiểu” này.

Công ty vu khống người dân
Những ngày qua, trước thông tin một số báo phản ánh theo nguồn tin của Tập đoàn Besra - chủ đầu tư Công ty TNHH vàng Phước Sơn cho rằng, hơn 100 người dân H. Phước Sơn ùa vào cướp tài sản của họ, ngày 29-7, ông Hoàng Hoa, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND H. Phước Sơn khẳng định, không hề có chuyện người dân cướp tài sản của Cty Vàng Phước Sơn như thông tin từ Tập đoàn Besra gửi cho một số cơ quan báo chí chiều ngày 28-7.

Trước đó chiều 28-7, Tập đoàn Besra gửi thông báo đến một số phóng viên với nội dung cho rằng, kho vật tư của Cty TNHH Vàng Phước Sơn đặt tại TT Khâm Đức (H. Phước Sơn) đã bị hơn 100 người dân địa phương ùa vào cướp phá. Theo ước tính ban đầu của Cty, tổn thất do "vụ cướp" này lên đến hàng tỷ đồng.

“Chỉ 4 ngày sau khi tuyên bố tạm dừng hoạt động sản xuất, buổi chiều ngày 26-7, những người cướp tài sản đã ùa vào kho vật tư của Cty vàng Phước Sơn vừa khuân vác, vừa dùng xe máy, xe bò chở tài sản ra khỏi nhà kho. Lực lượng bảo vệ của Cty đã cố gắng ngăn chặn nhưng do nhóm người này quá hung hăng và đông đảo. Hơn nữa, họ chia ra làm nhiều hướng để tẩu tán tài sản nên không thể nào ngăn chặn hết được…”, Tập đoàn Besra nêu trong thông báo.

Trong khi đó, trao đổi với P.V, ông Hoàng Hoa cho biết, có sự việc người dân lấy các khay dùng để đựng quặng mẫu mang đi bán phế liệu. Tuy nhiên, nói người dân cướp của là hoàn toàn không chính xác. Theo ông Hoa, toàn bộ khay đựng quặng để ở ngoài trời, không ai quản lý đã lâu nay. Người dân nghe tin nhà máy vàng ngừng hoạt động nghĩ rằng là đồ bỏ nên đã tận dụng mang đi bán phế liệu.

Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan CA cũng có điều tra và có thu hồi các khay này tại các cửa hàng mua phế liệu. “Nếu họ làm cái kho để trong nhà đóng cửa, người dân phá cửa để lấy thì nói người ta cướp được. Còn các ông bỏ ngoài trời, không ai quản lý thì sao lại bảo dân cướp, như thế là vu khống, việc này là không thể chấp nhận được. Tôi khẳng định không có chuyện người dân cướp giật gì cả, đơn giản họ nghĩ đồ bỏ đi thì họ mang bán phế liệu thôi. Người dân Quảng Nam bao đời nay không hề có chuyện đi cướp của người khác đâu", ông Hoa bức xúc.

Còn ông Đặng Văn Chương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Phước Sơn nhận định: Việc đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc dường như xảy ra thường xuyên với Cty này. Mỗi khi muốn tạo sức ép lên chính quyền, Cty lại cho hàng trăm lao động nghỉ việc.

Đầu năm vừa qua, Cty muốn Hải quan bỏ quyết định truy thu gần 250 tỷ đồng tiền xuất khẩu vàng của hai Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu và Cty TNHH Vàng Phước Sơn nên đã nhờ báo chí “kêu la”. Cuối cùng, Bộ Tài chính đã quyết định không truy thu số tiền hàng trăm tỷ đồng đó nữa. Bây giờ, cả 2 Cty lại nợ tỉnh Quảng Nam hơn 300 tỷ đồng tiền thuế, phí các loại. Vậy mà Cty không chịu trả còn tạo sức ép lên chính quyền địa phương là rất khó hiểu. Không có chuyện anh lấy không tài nguyên vàng của địa phương tôi để bán lấy tiền tỷ rồi gây sức ép ngược đời như vậy được.
Điệp khúc dọa đóng cửa

Còn nhớ cuối tháng 11-2013, Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu đã gửi Văn bản số 637 TB-13/BGM cho UBND tỉnh Quảng Nam và các ban, ngành liên quan thông báo việc nhà máy này phải tạm ngưng hoạt động để khắc phục sự cố sạt lở đường và nhiều hạng mục khác trong nhà máy do bão lũ.

Trước đó, vào ngày 6-8-2013 Tập đoàn Besra cũng đã có thông báo gửi đến các cơ quan truyền thông và kiến nghị lên Bộ Tài chính phản đối việc tăng thuế suất tài nguyên vàng từ 15-25%. Không những phản đối việc tăng thuế tài nguyên, Besra thậm chí còn kiến nghị giảm mức thuế suất cũ từ 15% xuống còn 6%, thuế thu nhập doanh nghiệp từ 40% xuống còn 32%.

Trong lúc đang “kêu ca” thì hai Cty trên bị cơ quan chức năng truy thu tiền thuế xuất khẩu vàng nguyên liệu giai đoạn từ tháng 12-2007 đến 12-2012 với số tiền gần 250 tỷ đồng. Nguyên nhân cơ quan Hải quan phát hiện trong gần 5 tấn vàng nguyên liệu Besra đã xuất khẩu, không có chứng thư giám định của Cty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) về hàm lượng vàng 99,99%.

Theo quy định, vàng nguyên liệu có hàm lượng 99,99% (thường gọi là vàng bốn số 9) sẽ được hưởng thuế xuất khẩu 0%. SJC là công ty duy nhất được NHNN chỉ định cho việc giám định này nhưng Besra đã “lách” bằng một đơn vị giám định khác và khẳng định số lượng vàng mà Cty này đã xuất khẩu đạt hàm lượng vàng 99,99%.

Như vậy, việc cơ quan Hải quan đề nghị truy thu thuế gần 250 tỷ đồng đối với Besra và liên doanh là hoàn toàn hợp lý, nhằm tránh thất thu trong ngành khai thác tài nguyên. Thế nhưng sau đó, Bộ Tài chính lại hủy quyết định truy thu thuế xuất khẩu vàng đối với hai Cty này.

Nguồn Công An Đà Nẵng


Sự kiện