wikimapia.org

 
Thanh Phong Thứ Ba | 18/07/2017 08:00

Đằng sau chuyện hạ lãi suất

Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên đang được kéo giảm nhờ tình hình thanh khoản tốt, nhưng còn lãi suất cho vay thông thường sẽ ra sao?

Khác với dự báo hồi đầu năm, lạm phát đã tăng chậm lại và có vẻ như sẽ đi sát mục tiêu 4% mà Quốc hội đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, trái ngược với lo ngại về thanh khoản hệ thống ngân hàng khi tín dụng trong nửa đầu năm 2017 liên tiếp lập kỷ lục mới, lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ 10 điểm cơ bản, lên mức 1,75% trong khi các kỳ hạn khác đều giảm (kỳ hạn 1 tuần giảm 4,5 điểm, kỳ hạn 1 tháng giảm 11,2 điểm cơ bản) và không có hoạt động nào trên thị trường OMO.

Bối cảnh đó dường như đã tạo cho cơ quan quản lý những khoảng trống rộng rãi để kéo lãi suất điều hành đi xuống sau lần thay đổi gần nhất cách đây gần 3 năm. Theo đó, mới đây, cơ quan điều hành đã giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, bên cạnh việc trần lãi suất cho vay cũng giảm 0,5 điểm phần trăm.

“Thanh khoản dồi dào và lạm phát thấp tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI, nhận xét. 

Có thể thấy Ngân hàng Nhà nước giảm trong bối cảnh lãi suất ổn định ở mặt bằng thấp. Chia sẻ trên báo giới, ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết việc điều hành giữ ổn định lãi suất trong 6 tháng đầu năm gặp khó khăn vì lạm phát cao hồi đầu năm, tín dụng tăng nhanh và trái phiếu chính phủ phát hành với khối lượng lớn, kỳ hạn dài, áp lực tỉ giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn, lãi suất ưu đãi khoảng từ 4-5%/năm tùy theo từng đối tượng.

Dang sau chuyen ha lai suat

Có ý kiến cho rằng đây là động thái mở rộng tiền tệ khi các loại lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng với các ngân hàng giảm. Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến khác nhận định tác động mở rộng cung tiền là chưa rõ ràng. Ngoài việc giảm lãi suất điều hành để cung ứng nguồn vốn rẻ hơn cho các ngân hàng, có thể thấy rõ lãi suất cho vay ngắn hạn tập trung vào lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Về tổng thể, việc giảm các mức lãi suất trên khó có thể coi là động tác nới lỏng tiền tệ. Đây là nỗ lực của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các lĩnh vực ưu tiên để phần nào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, báo cáo của SSI nhận định.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên đang được kéo giảm nhờ tình hình thanh khoản tốt, nhưng còn lãi suất cho vay thông thường sẽ ra sao? Theo đại diện SSI, lãi suất sẽ được giữ ổn định trong quý III và phụ thuộc vào diễn biến lạm phát trong quý IV. “Chúng tôi cho rằng việc giảm các mức lãi suất điều hành sẽ không có tác động nào đáng kể do nhu cầu của thị trường vốn đã rất nhỏ”, ông Linh, SSI nói. Trong khi đó, theo cơ quan điều hành, động thái giảm lãi suất lần này để ưu tiên phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vốn đang chịu áp lực về con số tăng trưởng và tập trung hỗ trợ tín dụng vào các đối tượng mục tiêu.

Dang sau chuyen ha lai suat

Trong khi tác động lên nền kinh tế chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ thì với các ngân hàng thương mại, báo cáo của SSI cho rằng mức độ tác động phụ thuộc vào hành động của từng ngân hàng thương mại dựa trên quan điểm kinh doanh của ngân hàng. Thực tế, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách lãi suất, đã có một vài ngân hàng công bố giảm lãi suất. Chẳng hạn như VPBank, ACB hay Vietcombank lần lượt công bố giảm lãi suất cho vay trong lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc lĩnh vực kinh doanh ưu tiên. Nhưng một điểm chung là trong công bố của mình, hầu như các ngân hàng đều nói rằng để “hưởng ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Với các ngân hàng, áp lực duy trì dòng vốn và cho vay đang ngày càng căng thẳng hơn khi chênh lệch giữa tăng trưởng huy động và tín dụng ngày càng được kéo giãn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20.6, tăng trưởng tín dụng ước đạt 7,54% trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng gần 5,9% (cùng kỳ năm trước tăng hớn 8,2%). Thực tế, các ngân hàng đang chủ động nâng lãi suất huy động, chủ yếu ở các kỳ hạn dài để thu hút người gửi tiền. “NIM của ngân hàng sẽ khó cải thiện vì lãi suất cho vay đang có áp lực phải giảm trong khi lãi suất huy động giữ nguyên”, ông Linh, SSI cho biết.

Thanh Phong