Dân Trung Quốc ngày càng chuộng cà phê
Bốn năm trước, Jim Lee, sinh ra tại California, Mỹ, đã đến Trung Quốc để mở quán cà phê và trà cao cấp.
Một tách cà phê latte tại cửa hiệu mang tên Ocean Grounds ở Thượng Hải của Lee có giá 38 nhân dân tệ (5,97 USD). Từ khi mở cửa, quán lúc nào cũng đông khách và đã được mở rộng. Ban đầu, khách lui tới chủ yếu là người nước ngoài và nhân viên văn phòng trẻ tuổi người Trung Quốc. Nhưng giờ đây, Lee cho biết, khách của anh đủ cả già lẫn trẻ và “thị trường đang thực sự bùng nổ”.
Nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc có thể giảm xuống do kinh tế nước này giảm tốc. Tuy vậy, ở một quốc gia mà trà là thức uống phổ biến nhất, cà phê - thậm chí đắt tiền hơn trà - đang trở thành một điểm sáng hiếm hoi. Ngoài cà phê, nhu cầu của Trung Quốc đối với những mặt hàng xa xỉ “nho nhỏ” như hoa quả tươi nhập khẩu cũng tăng mạnh do khẩu vị thay đổi và sự phát triển của tầng lớp trung lưu.
Cà phê đang có sự dịch chuyển khẩu vị rõ ràng nhất. Theo số liệu của hãng nghiên cứu Euromonitor International, người Trung Quốc tiêu thụ 4,5 tỷ cốc cà phê mỗi năm, thấp hơn nhiều so với 133,9 tỷ cốc mỗi năm của Bắc Mỹ. Giai đoạn 2014-2019, tiêu thụ cà phê của Trung Quốc sẽ tăng 18%, theo Euromonitor, trong khi nhu cầu cà phê của Mỹ được dự báo chỉ tăng 0,9%.
Raphaele Auberty, nhà phân tích đồ ăn và đồ uống tại BMI Research ở London, cho biết, ở Trung Quốc, cà phê đại diện cho “lối sống phương Tây, có sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng thành thị thuộc tầng lớp trung và thượng lưu”, trái ngược với trà - loại đồ uống được xem là truyền thống hơn.
Điều này rốt cuộc có thể là một thông tin tốt lành đối với cà phê, mặt hàng vốn đang mất giá mạnh vì tình trạng thừa cung và real Brazil giảm giá so với USD, khiến nông dân Brazil - nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới - đẩy mạnh bán ra thay vì găm hàng chờ giá lên.
Brazil là quốc gia sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao lớn nhất thế giới. Từ đầu năm đến nay, giá cà phê Arabica kỳ hạn trên sàn New York đã giảm hơn 30% xuống 1,19 USD/pound hôm thứ Tư 16/9.
Ngân hàng Barclays nhận định, cà phê dẫn đầu danh sách hàng hóa cơ bản, kể cả vàng và bạc, có thể hưởng lợi khi nền kinh tế Trung Quốc dịch chuyển sang phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng từ chỗ chủ yếu dựa trên xuất khẩu và đầu tư công như hiện nay.
Theo một báo cáo của ngân hàng này, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cà phê của Trung Quốc trong thời gian từ nay đến năm 2020 có thể cao gấp 3 lần 5 năm qua. Trái lại, Barclays dự báo nhập khẩu các nông sản khác của Trung Quốc như đậu nành, gạo, bông và lúa mỳ sẽ đồng loạt giảm giai đoạn 2014-2020.
Dân số của Trung Quốc lớn đến nỗi nước này trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất một loạt các hàng hóa. Tuy Trung Quốc tiêu thụ 30% sản lượng gạo toàn cầu, song lại chỉ tiêu thụ 1% lượng cà phê thế giới, do vậy, tiềm năng vẫn còn rất lớn.
Rượu vang và sô-cô-la là hai trong số những mặt hàng khác hấp dẫn người Trung Quốc có lối sống ngày càng hiện đại, kể cả khi kinh tế nước này giảm tốc. Dù chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh khiến nhu cầu hai mặt hàng này giảm xuống, song giới phân tích dự báo nhu cầu sẽ tăng mạnh trở lại do khẩu vị của người Trung Quốc thay đổi.
Các công ty cà phê đang đặt cược vào sự gia tăng nhu cầu của Trung Quốc đối với loại đồ uống này. Một số công ty tạo ra những sản phẩm cà phê ngọt hơn và nhiều sữa hơn dành riêng cho thị trường Trung Quốc.
Một quán cà phê Starbucks tại Thượng Hải. |
Các chuỗi cửa hiệu cà phê lớn như Starbucks hay Pacific Coffee đã khai trương nhiều cửa hàng ở các thành phố lớn của Trung Quốc và đặt ra những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. Hiện Starbucks có hơn 1.700 cửa hàng ở Trung Quốc đại lục và hy vọng tăng lên 3.400 cửa hàng vào năm 2019.
Pacific Coffee hiện có khoảng 400 cửa hàng ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục. Công ty này dự báo nhu cầu tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới.
Nhật Trường
Nguồn WSJ