Thứ Tư | 04/12/2013 19:40

Dân số Việt Nam già hóa nhanh nhất thế giới

Nguyên nhân của thực trạng này là do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm.

Trong khi nhiều nước mất hàng thập kỷ, thậm chí là thế kỷ mới bước vào giai đoạn dân số già thì Việt Nam chỉ mất 16-18 năm. Đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 70% vẫn phải làm việc kiếm sống.

Năm 2009, Tổng cục Thống kê dự báo đến 2017 nước ta mới bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nhưng chỉ 2 năm sau dự báo này đã trở nên lạc hậu.Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.Tốc độ già hóa dân số của nước ta nhanh hàng đầu châu Á và cũng thuộc diện nhanh nhất thế giới, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biếttại lễphát động Tháng hành động quốc gia về dân số diễn ra sáng 4/12 tại Hà Nội.

Nguyên nhân của thực trạng này là dotuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Tuổi thọ của người Việt Nam tăng gấp khoảng 1,5 lần mức gia tăng tuổi thọ trung bình trên thế giới.

nggia2-1234-1386140295.jpg

Trung bình một người cao tuổi có khoảng 2,69 bệnh.Ảnh: Dương Ngọc.

Tuy nhiên, theo ông Tân, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam chưa cao.Trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình.95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường...; trung bình một người mắc 2,69 bệnh.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn ngày càng lớn, chủ yếu là cụ bà. Điều kiện đời sống phần lớn đang hết sức khó khăn, chủ yếu sống dựa vào sự chăm sóc của xã hội, con cháu hoặc tự làm việc mà không có tích lũy.

Chỉ 30% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước, số còn lại phụ thuộc vào con, cháu và khả năng lao động của bản thân.30% không có bảo hiểm y tế.Quỹ hưu trí, tử tuất của bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn.

Hệ thống chăm sóc người cao tuổi chưa bắt kịp với sự biến đổi nhân khẩu học. Tại tuyến trung ương mới chỉ có một bệnh viện lão khoa; các tuyến tỉnh, huyện và chăm sóc sức khỏe ban đầu hầu như chưa bắt kịp với xu hướng này.Các nhà khoa học đã tính toán, nếu như chăm sóc y tế cho đứa trẻ cần 1 đồng thì chăm sóc cho người già cần tới 8 đồng.

Các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần chuẩn bị tiềm lực kinh tế, phát triển an sinh xã hội để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người cao tuổi; đồng thời,có chiến lược dài hạn làm chậm thời gian chuyển đổi từ già hóa dân số sang già. Cụ thể, mức sinh cần được duy trì hợp lý, không để xuống quá thấp như Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay.

"Dự báo thời gian chuyển sang giai đoạn dân số già của nước ta thuộc hàng ngắn nhất thế giới,trong khi cả xã hội chưa kịp thích ứng với sự biến đổi nhân khẩu học nhanh chóng này. Do đó, nhiệm vụ quan trọng tới đây là chúng ta cần duy trì cho được mức sinh thấp hợp lý - tức là mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con để làm chậm quá trình già hóa dân số", ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết.

Với số lượng 90 triệu dân, quy mô dân số Việt Nam đứng thứ 14 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Nguồn Vnexpress.net


Sự kiện