Sơn Phạm

 
Hoàng Hạnh Thứ Ba | 05/09/2017 09:00

Dân số vàng, lao động bèo

Được ca ngợi là "công xưởng mới" của thế giới nhưng lao động Việt có bị cuốn theo áp lực của lao động giá rẻ?

Sự vụ Samsung

Năm 2025, Việt Nam sẽ bước qua giai đoạn dân số vàng. Thế nhưng, người lao động Việt vẫn đang làm thuê giản đơn cho các ông chủ FDI với mức lương bèo bọt, chịu nhiều rủi ro trong tương lai nghề nghiệp. Làm thế nào để thay đổi thực trạng này?

Mới đây, tổ chức phi chính phủ Thụy Điển IPEN và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) đã có báo cáo về điều kiện làm việc của nữ công nhân ở các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.

Trước báo cáo này, Samsung Việt Nam cho rằng, phía đơn vị nghiên cứu “không hề đến thăm nhà máy Samsung Điện tử Việt Nam hay xác minh lại lập trường quan điểm của Công ty mà chỉ đơn phương đưa ra bản báo cáo về những nội dung không hề có căn cứ sát thực”. Hay “báo cáo chỉ khảo sát với 45 người rồi kết luận nhiều trường hợp sảy thai, không chỉ ra tỉ lệ, không có so sánh đối chiếu... Điều đó thực sự không thuyết phục’’.

Tuy nhiên, có thể thấy, nhóm nghiên cứu không định đưa ra một kết luận chắc chắn, mà chỉ muốn đánh động dư luận quan tâm hơn tới vấn đề sức khỏe và điều kiện làm việc của lao động nữ trong ngành công nghiệp điện tử trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Thừa nhận những hạn chế khi tiến hành nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc phản ánh quan điểm của những công nhân nữ trong hai khu công nghiệp nói trên, thể hiện một xu hướng không thể phủ nhận trong đời sống của họ.

Dan so vang, lao dong beo

Mặc dù vậy, hoàn toàn có thể hiểu được phản ứng của Samsung Việt Nam. Vì báo cáo này có thể gây ngộ nhận cho hoạt động sản xuất kinh doanh của một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, thông tin khiến nhiều người liên tưởng tới những sự vụ không hay của các công ty công nghệ trên thế giới đi cùng với những mối lo ngại về sức khỏe người lao động trong lĩnh vực này.

Foxconn hay Apple đều hơn một lần chịu liên đới bởi những lùm xùm liên quan tới việc ép công nhân làm việc quá sức, hay việc phơi nhiễm hóa chất trong quá trình lắp ráp linh kiện. Bản thân Samsung vẫn đang phải giải quyết những vấn đề tương tự tại quê nhà Hàn Quốc. Dập lửa nhỏ để không thành đám cháy lớn, hành động của Samsung Việt Nam tỏ rõ sự chuyên nghiệp trong xử lý khủng hoảng truyền thông.

Tất nhiên, vẫn có thể kỳ vọng Samsung Việt Nam tự tiến hành điều tra, cũng như công khai minh bạch đến từng chi tiết về điều kiện làm việc của công nhân. Điều này thể hiện trách nhiệm rất cao của Samsung với sức khỏe cộng đồng và chắc chắn sẽ giúp họ ghi điểm với người tiêu dùng. Lựa chọn này hy vọng được Samsung Việt Nam ưu tiên khi đối diện lùm xùm từ báo cáo của IPEN và CGFED vừa qua.

Những nỗi lo có thật

Nhìn từ góc độ khác, hệ quả đáng ghi nhận sau những dư luận nói trên là vấn đề bảo vệ người lao động trong làn sóng lao động giá rẻ tại Việt Nam lại tiếp tục được đặt ra. Đây là điều không chỉ cần thiết mà còn rất quan trọng, đặc biệt khi chúng ta vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu đối phó với tình trạng “thất nghiệp ở tuổi 35’’ vừa mới làm nóng nghị trường kỳ họp Quốc hội.

Một khảo sát mới đây của Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO) cho thấy, công nhân người Việt Nam chỉ nhận được 4.025USD trong năm 2016 dù họ làm trong những công ty hàng đầu thế giới của Nhật. Khoản tiền lương này chưa bằng 1/2 mức lương mà doanh nghiệp Nhật trả tại Trung Quốc.

Quả thật, không thể nhắm mắt, bịt tai, lờ đi thế bấp bênh của người lao động trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc giải quyết lao động, cũng như đảm bảo thành tích phát triển kinh tế Việt Nam, điều khiến tiếng nói của họ ngày càng có sức nặng.

Chúng ta vẫn trải thảm đỏ mời FDI và ngoài những ưu đãi về thuế suất, lao động giá rẻ vẫn được tính như một điểm cộng cho Việt Nam. Trong khi, với những ưu đãi hết nấc, những gì nhận được từ các doanh nghiệp FDI khó có thể đủ để Việt Nam có mức chăm sóc đặc biệt cho người lao động của mình.

Dan so vang, lao dong beo

Trao đổi với NCĐT, Giáo sư - Tiến sĩ Lê Sĩ Thiệp, nguyên Trưởng khoa Quản lý Nhà nước về kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia, chỉ rõ, nhà đầu tư FDI ‘’mang đến việc làm’’ không phải vì thấy công nhân Việt Nam có tài cao hay kỹ năng giỏi mà chỉ đơn giản vì có thể thuê mướn với đồng lương giá rẻ.

Tuy nhiên, rất khó thay đổi thực trạng này, bởi lời hứa với khối FDI về lao động giá rẻ là không thể đảo ngược. Người lao động cũng cần việc làm để đảm bảo mức sống dù tối thiểu của họ.

Chưa kể, sẽ là phi lý khi đòi hỏi thu nhập cao khi người lao động Việt đang chỉ gia công ở mức giản đơn. Theo vị chuyên gia, người lao động Việt Nam khó có lựa chọn nào khác ngoài tìm cách sống chung với hoàn cảnh. Tinh thần chuyển bại thành thắng, tính lạc quan tìm may trong rủi... nếu có thật phải được phát huy tối đa để chúng ta có thể học được một cái gì đó, để khi rời bỏ khỏi hoàn cảnh làm thuê, chúng ta vẫn có thể tự lập.
"Tất nhiên, chẳng phải ai đi làm thuê cho các ông chủ FDI nếu cũng có cơ hội và có khả năng chủ quan để làm được việc đó, nhưng số ít thì chắc không phải là không có. Vấn đề là có nghĩ đến điều đó, kế đó hay không mà thôi’’, ông Thiệp khẳng định.

Giải pháp căn cơ nhất, theo ông Thiệp, là phải xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ, có khả năng giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Trước mắt, hãy thực hiện cho tốt những chủ trương đã được ban hành, nhất là Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 12 về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp nhà nước. Chỉ có như vậy, chúng ta mới bớt được cảnh người dân Việt đang cơ cực làm thuê cho nước ngoài trên chính mảnh đất quê hương.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, bổ sung giải pháp thiết thực, cần làm ngay. Dựa trên thực tế người lao động đang tự bỏ qua quyền lợi khi đặt bút ký vào các hợp đồng lao động, ông Sơn cho rằng, phía quản lý, công đoàn... phải hỗ trợ người lao động trong vấn đề này.

“Giải pháp rất đơn giản, phải giúp người lao động đọc thật kỹ hợp đồng, từ đó, ký đúng mà làm theo hợp đồng thôi. Nhà nước, các tổ chức công đoàn có trách nhiệm bảo vệ người lao động bằng cách dạy cho họ đọc kỹ hợp đồng, các nội dung trong đó, điều gì không có lợi cho họ, thỏa thuận để thay đổi như thế nào?’’, vị chuyên gia trao đổi với NCĐT.

Chỉ còn 8 năm nữa, Việt Nam sẽ bước qua giai đoạn “dân số vàng”. Để món quà này không chỉ mang lại việc làm ngắn hạn với đồng lương bèo bọt, chúng ta đang còn rất ít thời gian