Ảnh: QH.

 
Hoàng Hạnh Thứ Ba | 09/04/2019 14:00

Dân số vàng: 18K hay 24k?

Trăn trở về việc phải chăng Việt Nam đã bỏ lỡ đi cơ hội phát triển nhờ lợi thế dân số vàng có thể sắp được làm rõ.

Chỉ 4 tháng nữa, kết quả sơ bộ cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2019 sẽ được công bố. Khi đó, bức tranh với các đường nét cơ bản về dân số, học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật, tình hình lao động việc làm, thực trạng về nhà ở, tình trạng di cư... về thực trạng phát triển của nền kinh tế nói riêng và đời sống xã hội sẽ rõ ràng hơn.

Tất nhiên, để đi tìm sự thật, sẽ phải có những đối chiếu thích hợp, giả dụ, tình trạng sở hữu nhà ở so với số lượng nhà đăng ký, chênh lệch giữa thu nhập cá nhân với số lượng tài sản... Nếu quyết tâm và nghiêm túc, nhiều câu hỏi về “kho vàng trong dân”, “nên hay không nên đánh thuế tài sản và ngưỡng phù hợp”, thậm chí, “tình trạng tham nhũng” đang ở mức báo động nào... cũng có thể tìm được lời đáp tương đối đích đáng.

Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là một giấc mơ xa. Vấn đề đang được quan tâm nhiều hơn là mối lo “Việt Nam chưa giàu đã già”. Còn nhớ, 10 năm trước, một cuộc điều tra tương tự đã chỉ ra rằng Việt Nam đã bước vào thời kỳ mà ít nhất 2 người hoạt động kinh tế sẽ hỗ trợ cho 1 người không hoạt động kinh tế, được các nhà nhân khẩu và kinh tế học gọi là “cơ cấu dân số vàng”. Giai đoạn này tại Việt Nam được cho là sẽ kéo dài trong 17 năm do Việt Nam có thời kỳ “dân số vàng” và già hóa dân số diễn ra cùng một lúc. Dường như, chúng ta đã không nhận được nhiều quả ngọt từ món quà dân số này.

Dan so vang: 18K hay 24k?
 

Xét về mặt thu nhập, dù giai đoạn 2008-2018, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức khá cao, trung bình 6,1% nhưng quy mô GDP của Việt Nam năm 2017 vẫn chỉ bằng 1/2 Thái Lan, bằng 1/7 Hàn Quốc. Dù năng suất lao động tăng tịnh tiến trong suốt 10 năm, lên mức trên 4.400 USD/người năm 2018, cao gấp 3 lần so với năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tăng hơn 2 lần, từ mức 1.160 USD/người năm 2009 lên 2.587 USD/người năm 2018. Mức thu nhập bình quân đầu người đang đứng thứ 136/188 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngang bằng Malaysia năm 1990, Thái Lan năm 2003, Indonesia năm 2009, Hàn Quốc những năm 1980. Nguy cơ vướng “bẫy thu nhập trung bình” của Việt Nam từng được cảnh báo đắng chát, đó là thu nhập trung bình thấp.

Nhìn sâu vào các con số thống kê, thực tế còn ảm đạm hơn nhiều. Nghiên cứu mới đây của Tiến sĩ Bùi Trinh (Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam) và Tiến sĩ Hồ Phi Hà (Học viện Tài chính) chỉ ra nghịch lý, dù GDP tăng cao nhưng đa số người dân không có tiền để dành mà phải đi vay một phần của tiêu dùng. Tính toán của Tiến sĩ Bùi Trinh dựa trên số liệu năm 2012 và 2016 cho thấy, GDP bình quân đầu người tăng 25% nhưng thu nhập từ sản xuất bình quân của người lao động chỉ tăng 1,2%, trong đó phần thặng dư bình quân rất cao thuộc về khu vực FDI.

Dựa trên số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và báo cáo tóm tắt tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống năm 2018 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tréo ngoe giữa mức lợi nhuận và thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp FDI lại hiển lộ. Theo đó, khu vực FDI có mức tăng trưởng về lợi nhuận bình quân cao nhất nhưng chi phí tiền lương chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí sản xuất. Dân số vàng hóa ra chỉ mang lại những công việc gia công giá rẻ.

Dan so vang: 18K hay 24k?
 

Vì sao chúng ta bỏ lỡ cơ hội và Việt Nam làm gì tiếp theo trong việc tận dụng khai thác nguồn lực dân số, lao động cho phát triển nền kinh tế? Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, có những trường hợp dân số trong tuổi lao động rất nhiều nhưng không vàng. Như vậy, dân số chỉ là một phần. Quan trọng là phải có một cơ cấu kinh tế hợp lý để tận dụng lợi thế này, điều mà có lẽ Việt Nam chưa làm được.

Luôn bị gắn mác chất lượng thấp, lợi thế của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở 2 chữ “trẻ” và “rẻ”. Hiện tượng số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động nhiều hơn số doanh nghiệp mới thành lập ghi nhận 2 tháng đầu năm 2019 là một cảnh báo đỏ và nếu vậy, nói như Tiến sĩ Bùi Trinh thì “dân số vàng để làm gì?”.

Rõ ràng, chúng ta cần phải thay đổi dù cơ cấu dân số có hay không còn nữa giai đoạn mà sức lao động dồi dào nhất. Đây là điều bắt buộc cho sự tồn tại lành mạnh và tự chủ của nền kinh tế Việt Nam. Kết quả cuộc tổng điều tra dân số khi được nghiên cứu và tính toán theo các mô hình kinh tế sẽ có thể giải đáp băn khoăn, dân số vàng có được sử dụng như... vàng mười, đồng thời, gợi mở các đường hướng mới cho nền kinh tế Việt Nam.