Đạm Phú Mỹ: Tổ hợp nhà máy mới đem lại lợi nhuận 600 tỷ mỗi năm
Sáng nay (22/4), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP DPM tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 tại nhà máy Đạm Phú Mỹ của Tổng công ty ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kết thúc chương trình Đại hội, cổ đông thông qua tất cả nội dung tờ trình.
Điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 35%
HĐQT trình Đại hội kế hoạch kinh doanh năm 2015 điều chỉnh so với kế hoạch đã công bố trước đó. Cụ thể, Tổng công ty đề ra kế hoạch đạt doanh thu 9.246 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.293 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.047 tỷ đồng, tăng lần lượt so với kế hoạch đề ra ban đầu lần lượt là 928 tỷ đồng và 767 tỷ đồng, tăng tương ứng hơn 39% và 36,5%.
Kết quả kinh doanh trong quý I của Tổng công ty vượt xa kế hoạch. Cụ thể, doanh thu ước đạt 2.386 tỷ đồng, LNTT đạt 560 tỷ đồng. HĐQT DPM cho biết, mức tăng này chủ yếu là do giá khí trong quý I thấp.
Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận này dựa trên giá dầu 65 USD/thùng tính trung bình cả năm, giá bán phân bón 6.800 đồng/kg.
Phát hành cổ phiếu ESOP lần đầu tiên
HĐQT trình Đại hội kế hoạch và phương án phát hành cổ phiếu ESOP. Đây là lần đầu tiên HĐQT trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên.
Dự kiến trong quý II/2015, DPM sẽ phát hành 11.400.000 cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành 3% trên tổng số 380.000.000.000 cổ phiếu của DPM.
Dự án mới đem lại 600 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm
Ông Cao Hoài Dương, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DPM chia sẻ, vào ngày 21/4, DPM đã được PVN chọn là nhà thầu EPC đối với các dự án mở rộng nhà máy phân xưởng NH3 và nhà máy sản xuất NPK theo công nghệ hóa học. Thời gian triển khai dự án trong 26 tháng. Khi đi vào hoạt động, dự kiến các dự án này sẽ mang lại 4.000 tỷ đồng doanh thu và 600 tỷ đồng lợi nhuận hằng năm cho Tổng công ty. Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm của DPM trong năm nay.
Bên cạnh đó, dự án xưởng sản xuất UFC85/formaldehyde tổng mức đầu tư 497 tỷ đồng đang được thi công. Khi đi vào hoạt động trong năm 2016, Tổng công ty sẽ là nhà sản xuất trong nước đầu tiên cung ứng sản phẩm này. Đồng thời, chuẩn bị các dự án chiến lược như dự án tổ hợp hóa dầu miền Trung sử dụng khí Cá Voi Xanh, dự án tổ hợp hóa dầu Đông Nam Bộ và dự án nhà máy sản xuất Polystyren.
Thị phần NPK, cả nước hiện chưa có nhà máy sản phẩm NHK chất lượng cao theo công nghệ hóa học. Công suất của nhà máy của DPM khoảng 250.000 tấn. Nhu cầu NPK cả nước hiện ở mức 3,5 - 4 triệu tấn, trong đó, NHK chất lượng cao chỉ chiếm chưa đến 10%. Vì thế phát triển nhà máy này nhằm hỗ trợ nông dân và giảm nhập khẩu, tiết kiệm chi tiêu cho đất nước.
Duy trì thị phần ure cả nước trên 40%
Thị trường ure Việt Nam cạnh tranh khốc liệt, cung hiện đang vượt cầu. Sau khi khánh thành dây chuyền 2 của nhà máy đạm Hà Bắc, công suất ure toàn quốc đạt 2,2 triệu tấn, trong khi nhu cầu chỉ 2 triệu tấn, dư 20%. Tuy nhiên, DPM cho biết tự tin với kế hoạch sản xuất kinh doanh. Năm 2015, DPM sẽ vẫn giữ vững thị phần cả nước trên 40%. Tiếp tục duy trì công suất nhà máy 100% với 800.000 tấn.
Về thị phần ure của DPM phân theo vùng miền, hiện cả nước có 4 thị trường lớn, trong đó thị phần DPM như sau: Khu vực Quảng Bình trở ra Bắc chiếm 25%, Khu vực miền Trung - Tây Nguyên chiếm 75%, Khu vực Đông Nam Bộ chiếm 75%, Khu vực Tây Nam Bộ chiếm 30-35%.
Về giá bán ure, quý I/2015 chứng kiến sự sụt giảm giá bán ure. Sản phẩm này được sản xuất từ khí thiên nhiên và than. Giá dầu giảm ảnh hưởng tới giá khí giảm, dẫn tới giá bán ure cũng giảm. Giá bán trong quý I là 7.500 đồng/kg, giảm gần 6% so với cùng kỳ 2014.
Giải trình trước Đại hội về việc doanh thu năm 2014 tăng mà lợi nhuận giảm, HĐQT cho biết, giai đoạn đầu 2014, giá khí cao, nên giá thành sản xuất tăng, bên cạnh đó, từ ngày 1/4/2014, Nhà nước siết chặt tải trọng xe tải đường bộ, dẫn đến phí giao thông tăng lên nhiều, phí đường thủy cũng tăng... dẫn đến giá thành tăng. Giá phân bón giảm so với 2013 do cạnh tranh trong nước đối thủ giảm giá, nguồn cung ngày càng tăng dẫn đến giá ở nước ngoài giảm, vì thế biên lợi nhuận giảm.
Hai năm một lần nhà máy sẽ dừng 25 ngày tất cả máy móc để bảo dưỡng tổng thể. Tháng 2/2015 đã tiến hành bảo dưỡng định kỳ.
Trả lời cổ đông về DPM ưu tiên sản xuất cho nông dân trong nước trước, sau đó dư thừa mới xuất khẩu. Xuất khẩu sang các thị trường khó tính như New Zealand, Úc, Jordan. Do giá thành vận chuyển cao, DPM chưa có kế hoạch sang châu Phi.
HĐQT cho biết, hiện DPM chưa có kế hoạch phát hành cổ phiếu quỹ.
Nguồn NCĐT