Hải Vân Thứ Ba | 07/11/2017 11:26

Đàm phán TPP 11 tích cực

“Thông tin mới nhất về TPP 11 là khá tích cực”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), cho biết.

“Thông tin mới nhất về TPP 11 là khá tích cực”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), người đang điều phối phiên II, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam năm 2017 đang diễn ra tại Đà Nẵng, cho biết.

Tuần lễ Cấp cao APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng. Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017, ngày 2.11, đã khẳng định sẽ có hội nghị liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cấp bộ trưởng và cấp cao tại Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng. 

Đã có không ít khó khăn khi Mỹ rút khỏi TPP, nhưng các kịch bản TPP 11 đang được xem xét và tiếp tục thực thi. 11 thành viên còn lại của TPP vẫn tiếp tục đàm phán và đã đưa ra tuyên bố vào tháng 5.2017 với 4 điểm chính: Đánh giá cao ý nghĩa của TPP, TPP vẫn mở cửa cho các nước đã rủi khỏi hiệp định; TPP mở của cho các nước mới tham gia với điều kiện đảm bảo được tiêu chuẩn của hiệp định.

Sức sống của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã vượt ngoài khung khổ của một hiệp định thương mại tự do, hơn cả mục tiêu xóa bỏ các rào cản thuế quan tại 11 nước có tổng GDP khoảng 12.400 tỉ USD.

>>TPP-11 bất ngờ gặp những trở ngại mới

Theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam đang có “thế trận” hội nhập “đẹp” chưa từng có trong lịch sử. Trong số 21 thành viên APEC, đã có tới 13 thành viên là đối tác toàn diện với Việt Nam. Việt Nam đã gắn kết được mạng sản xuất, chuỗi giá trị với các thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới hiện nay, như EU, Mỹ… Các FTA mà Việt Nam tham gia bao phủ toàn bộ Đông Á, Đông Bắc Á, Đông Nam Á và nếu có TPP thì sẽ bao phủ cả Thái Bình Dương. 

Với Việt Nam, TPP quan trọng  bởi nó tập hợp nhiều tiêu chí gắn với cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Điều ông Thành, người có nhiều năm nghiên cứu kinh tế, hội nhập, cho là “đáng tiếc” khi Mỹ rút khỏi TPP và  EVFTA đến nay vẫn chưa được ký và thực thi, dù nhiều khả năng EVFTA sẽ được ký và đi vào thực thi vào cuối năm 2018 hoặc 2019.

Kỳ vọng "nước phát triển thấp nhất sẽ thu lợi nhiều nhất" của Việt Nam đã vơi khi Mỹ rút khỏi TPP,  cùng với đó là việc mất đi nhiều cơ hội lớn. Trước hết là cơ hội khuếch trương các thành tựu xuất khẩu, đồng thời là điểm nhấn để thu hút vốn đầu tư FDI theo hướng đón đầu hưởng lợi từ TPP. Bên cạnh việc phải gánh chịu các tác động của Mỹ rút khỏi TPP, doanh nghiệp Việt Nam còn phải chịu những mất mát trực tiếp, nhất là trong chiến lược phát triển dài hạn.

Sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP hồi tháng 1, thì 11 nước còn lại là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam vẫn tích cực đàm phán. TS Võ Trí thành để ngỏ khả năng “Mỹ trở lại TPP”.