Đàm phán Doha thất bại, Nga rục rịch tăng sản lượng dầu
Được “giải phóng” khỏi kế hoạch đóng băng sản lượng với các nước thành viên OPEC, các quan chức Nga hôm thứ Ba 19/4 tuyên bố nước này có thể tăng sản lượng cũng như xuất khẩu dầu thô. Sản lượng dầu thô của Nga trong năm 2016 có thể tăng thêm 100.000 thùng/ngày lên 10,81 triệu thùng/ngày, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Kirill Molodtsov cho biết.
“Và tại sao không? Việc tăng sản lượng là hoàn toàn có thể”, ông Molodtsov phát biểu tại Diễn đàn Dầu Khí Quốc gia tại Moscow.
Các cuộc thảo luận giữa các nước sản xuất dầu thô chủ chốt về việc đóng băng sản lượng để hỗ trợ giá tại Doha hôm Chủ nhật 17/4 đã thất bại sau khi Arab Saudi tuyên bố sẽ chỉ đóng băng sản lượng nếu Iran có hành động tương tự. Thỏa thuận đóng băng sản lượng, nếu thành công, sẽ đánh dấu sự hợp tác đầu tiên giữa OPEC và Nga trong 15 năm qua trong bối cảnh thừa cung toàn cầu khiến giá dầu lao dốc 60% so với mức đỉnh hồi giữa năm 2014.
Các nhà sản xuất dầu thô của Nga có thể tăng sản lượng ngay cả trong môi trường giá dầu ở mức thấp nhờ chi phí sản xuất không vượt quá 4 USD/thùng, Maxim Nechaev, giám đốc phụ trách thị trường Nga tại IHS Inc - công ty chuyên về phân tích, đánh giá và cung cấp dịch vụ thông tin toàn cầu - cho biết tại Diễn đàn Dầu Khí Quốc gia. “Dù giá dầu ở 45 hay 50 uuDù giá dầu ở 45 hay 50 USD/thùng hoặc thậm chí xuống dưới 35 USD/thùng, chúng tôi [IHS] dự đoán sản lượng dầu thô của Nga năm nay vẫn cao hơn năm ngoái”. Năm 2015, sản lượng dầu thô của Nga tăng 1,5%, theo số liệu của CDU-TEK thuộc Bộ Năng lượng Nga.
Xuất khẩu dầu thô của Nga sang các nước ngoài Liên bang Xô-viết cũ có thể tăng lên 255 triệu tấn trong năm nay, tương đương 5,11 triệu thùng/ngày, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Năng lượng Nga Alexey Teksler cho biết tại Diễn đàn. Mức tăng như vậy, hơn 4%, đồng nghĩa rằng sẽ có thêm 300.000 thùng/ngày được đưa ra thị trường toàn cầu ngay cả khi các nước sản xuất tại Trung Đông dùng mọi cách để giành thị phần. Iran đang nỗ lực tăng sản lượng dầu thô lên ngang bằng mức trước khi các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt, trong khi Arab Saudi tuyên bố có thể “ngay lập tức” tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày.
Tuy Bộ Năng lượng Nga cho rằng nguồn cung dầu thô của nước này có thể tăng, song sản lượng của nước này vẫn đối mặt với nguy cơ sụt giảm vào năm tới trừ khi gánh nặng thuế được tháo gỡ, Leonid Fedun, Phó chủ tịch Lukoil PJSC - hãng dầu khí lớn thứ 2 của Nga - cho biết. Chính phủ Nga trong năm nay đã tăng thuế đánh vào hoạt động sản xuất dầu thô và hủy bỏ kế hoạch hạ thuế xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu mỏ nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách trong bối cảnh Nga đang phải chống chọi với cuộc suy thoái dài nhất trong 2 thập kỷ qua.
Cuộc đàm phán Doha đã giúp ngân sách Nga hưởng lợi, tăng thêm ít nhất 2-3 tỷ USD, dù không thành công vì đã đẩy giá dầu lên và khiến một số nhà đầu cơ tháo chạy khỏi thị trường, ông Fedun cho biết.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg