Đàm phán Brexit: EU sẽ áp đảo nước Anh?
Gần một năm kể từ khi người Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit), các cuộc đàm phán về vấn đề này cuối cùng đã được bắt đầu vào thứ Hai. Điều đáng chú ý là xem ra chính phủ Anh còn chưa biết họ thực sự muốn gì từ vụ "ly hôn" này.
David Davis, vị Bộ trưởng phụ trách đàm phán Brexit của Anh, mô tả đây là "cuộc đàm phán phức tạp nhất mọi thời đại". Nó đã được khởi động ở Brussels giữa lúc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May đang ở thế bất lợi. Một nỗ lực để tăng cường quyền lực cho bà trong việc đàm phán Brexit, bằng cách kêu gọi một cuộc bầu cử sớm, đã trở thành một con dao hai lưỡi: bà May giờ đây phải đối mặt với việc mất đi nhiều sự ủng hộ từ phía dân chúng Anh, trong khi 27 nươ thành viên còn lại trong EU lại bắt đầu đàm phán với sự đoàn kết cao độ.
"Chúng tôi đang bắt đầu đàm phán với tâm lý tích cực và xây dựng", ông Davis nói với các phóng viên tại trụ sở của Ủy ban Châu Á. "Chúng tôi có nhiều điểm chung hơn là điểm gây chia rẽ".
Ông David Davis và ông Michel Barnier. Ảnh: Bloomberg |
Trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier, nói với các phóng viên rằng các cuộc hội đàm "trước tiên phải giải quyết những bất ổn do Brexit tạo ra". Barnier nói tiếp: "Tôi hy vọng hôm nay chúng ta có thể xác định được các ưu tiên và thời gian biểu cho phép tôi báo cáo với Hội đồng Châu Âu vào cuối tuần này rằng chúng tôi đã có một cuộc đàm phán mở đầu mang tính xây dựng", ông nói.
Việc đảng Bảo thủ cầm quyền thất bại trong cuộc tổng tuyển cử mới đây ở Anh đã đặt ra nghi vấn về vị thế của bà May, thúc đẩy một cuộc chiến mới trong nội bộ đảng Bảo thủ về việc chính phủ Anh nên theo đuổi Brexit như thế nào. Một số bộ trưởng trong chính phủ của bà May muốn thay đổi chiến lược mà bà đã đề ra trước đây (Brexit cứng) nhằm bảo vệ lợi ích thương mại của Anh tại EU, vốn là thị trường lớn nhất của nước này, thay vì tiếp tục mục tiêu ban đầu là giành quyền kiểm soát nhập cư và tự chủ về luật lệ.
Nước Anh đứng giữa nhiều lo âu
Bà May vẫn chưa chính thức thay đổi chiến thuật, và nếu bà làm như vậy thì cũng sẽ chịu sự phản đối của nhóm phản đối EU (euroskeptics) trong đảng Bảo thủ, những người có thể đủ mạnh để lật đổ bà khỏi vị trí lãnh đạo đảng này nếu họ tin rằng bà đang đi ngược lại quan điểm của họ.
Ông Phillip Souta, người đứng đầu mảng nghiên cứu chính sách công của nước Anh tại công ty luật Clifford Chance, cho biết: "Kết quả bầu cử vừa qua làm tăng khả năng xảy ra các kết cục cực đoan. Nếu Anh và EU đạt được một thỏa thuận, đó sẽ là một thỏa thuận mềm dẻo hơn so với dự kiến trước cuộc tổng tuyển cử, nhưng mặt khác xác suất không đạt được thỏa thuận nào cũng đã tăng lên."
Sau thất bại trong cuộc bầu cử, hình ảnh của bà May gần đây còn xấu hơn nữa khi bà bị nhiều chỉ trích do không đến thăm gia đình của những nạn nhân vụ cháy tòa nhà chung cư Grenfell ở Tây London. Đồng thời, nước Anh cũng đã bị rung chuyển bởi một số cuộc tấn công khủng bố trong những tuần gần đây. Sự cố gần đây nhất là một chiếc xe tải đâm hàng loạt người đi bộ gần nhà thờ Hồi giáo ở Bắc London vào sáng thứ Hai, giết chết một người và làm bị thương 10 người.
Nhìn toàn cục đàm phám Brexit, nước Anh đang muốn giành lại quyền tự chủ (về nhập cư và luật lệ) mà không gây tổn hại cho nền kinh tế, trong khi mục tiêu của EU là duy trì ổn định khu vực và đưa ra những điều khoản thật khắc nghiệt cho nước Anh nhằm ngăn cản các nước khác theo chân nước này rời khối. Ông Barnier dự định sẽ tổ chức các cuộc họp trực tiếp với tần suất 4 tuần một lần, và ông và Davis sẽ tổ chức một cuộc họp báo sau cuộc thảo luận hôm thứ Hai.
“Mối quan hệ đối tác mới”
"Điều quan trọng nhất bây giờ là chúng ta nhìn về phía trước, suy nghĩ về tương lai, suy nghĩ về mối quan hệ đối tác mới, mối quan hệ đối tác sâu sắc và đặc biệt mà chúng tôi muốn xây dựng với các nước thân hữu", Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson nói như vậy với các phóng viên tại Luxembourg vào hôm thứ Hai, trước cuộc họp với những người đồng cấp ở phía EU. "Về lâu dài, điều này sẽ tốt cho nước Anh và tốt cho phần còn lại của châu Âu".
Các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu sẽ theo dõi chặt chẽ tiến trình đàm phán. Các ngân hàng lớn như Goldman Sachs nói rằng họ sẽ chuyển việc làm từ London sang EU nếu quyền tiếp cận của họ đối với thị trường EU bị đe doạ, trong khi các công ty có nhà máy sản xuất ở Anh như hãng ô tô Nissan Motor Co cảnh báo về nguy cơ sụt giảm thương mại nếu Brexit cứng xảy ra. Đồng bảng Anh đã giảm 14% so với đồng USD kể từ cuộc trưng cầu ngày 23/6/2016, đẩy lạm phát tại Anh lên cao kể cả khi nền kinh tế nước này có dấu hiệu chậm lại.
Cuộc tranh luận chính tại London bây giờ là liệu có nên bảo vệ thương mại, có thể là bằng cách tạm thời ở lại trong Liên minh thuế quan của khối EU, hoặc cố gắng giành được các quyền lợi về thương mại thông qua việc nhượng bộ về luật di cư hoặc cháp nhận quyền lực của Toà án Tư pháp châu Âu (ECJ). Những cuộc đối thoại như vậy đánh dấu một sự thay đổi so với quan điểm "Brexit cứng" trước cuộc bầu cử, và lời cảnh báo cứng rắn trước đó của bà May rằng bà sẽ rời khỏi cuộc đàm phán nếu cảm thấy thất vọng.
Do đảng Bảo thủ của bà May không giành được đa số tại Quốc hội Anh, giờ đây bà May đã cho biết sẽ cố gắng phản ánh đầy đủ các quan điểm khác nhau về EU của dân chúng Anh, một dấu hiệu cho thấy chính sách Brexit của bà đã trở nên mềm mỏng hơn.
Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho hay vào hôm Chủ Nhật rằng ông muốn có một Brexit “đặt việc làm lên hàng đầu” (“jobs first” Brexit), đây là một dấu hiệu cho thấy ông Hammond tin rằng các vấn đề kinh tế cần được ưu tiên hơn yêu cầu chính trị về việc cắt giảm nhập cư từ các nước EU. Việc tự do hóa thị trường lao động là một nguyên tắc cơ bản của quy chế thành viên EU, và bà May ban đầu đã cho rằng kết quả trưng cầu dân ý về Brexit là thể hiện mong muốn của nước Anh nhằm chấm dứt việc này.
Đối với phía EU, khối này dự kiến sẽ có quyền quyết định cuối cùng về những gì mà Brexit mang lại, bất kể những kì vọng của Vương quốc Anh. Trong khi phủ nhận rằng họ muốn trừng phạt nước Anh, các quan chức EU đã cảnh báo nước Anh không nên tìm cách "ăn chùa" những lợi ích của quy chế thành viên EU, và nói rằng Anh sẽ bị thiệt thòi hơn nếu rời khối EU thay vì ở lại.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết ưu tiên của bà là duy trì sự thống nhất của 27 nước EU, trong khi lắng nghe "rất cẩn thận" những mong muốn và đề xuất của Vương quốc Anh.
“I think it’s premature to speculate about the outcome on the first day of talks,” she told reporters in Berlin. “I would like us to strike a good deal that is in both sides’ interests, but we 27 will frame our interests very clearly and jointly.”
Bà nói với các phóng viên ở Berlin rằng: "Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để có thể suy đoán về kết quả trong ngày đầu tiên của cuộc hội đàm. Tôi muốn chúng tôi đạt được một thỏa thuận tốt và bảo đảm lợi ích của cả hai bên, nhưng chúng tôi sẽ cùng nhau làm rõ những mối quan tâm của chúng tôi một cách rõ ràng".
Một vài con số đáng lưu ý
Việc không đạt được một thỏa thuận trước khi nước Anh chính thức rời khỏi khối vào ngày 29/3/2019, có thể gây ra những vấn đề thuế quan (khi hai bên tự do áp thuế) và tạo ra nhiều rủi ro lên nền kinh tế của cả 2 bên Anh và EU. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã cảnh báo về một kịch bản "mép vực" như vậy, và rất mong muốn có một thời kỳ chuyển tiếp để họ kịp điều chỉnh sau cuộc "ly hôn" này.
Vấn đề người nhập cư
Thủ tướng Anh Theresa May đã xem cuộc bỏ phiếu của Brexit hồi năm ngoái là lời kêu gọi kiềm chế nhập cư vào nước Anh, vốn được nới lỏng hoàn toàn với các nước thành viên của EU. Anh là điểm đến phổ biến thứ hai của người nhập cư trong khu vực EU sau nước Đức, và bà May đã tỏ ý rằng bà sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cư mới.
Trong số 2,3 triệu người nhập cư từ EU đang sống ở Anh, có tới 916.000 người Ba Lan. Ảnh: Bloomberg |
Tuy nhiên, hiện có tới 2,3 triệu công dân EU đang làm việc ở Anh, có mặt ở đủ các ngành nghề kinh tế: ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp... Điều này nghĩa là chính phủ Anh khó mà cắt giảm mạnh tay nguồn lao động nhập cư, vốn rất cần thiết cho nền kinh tế nước này.
Thương mại
Khi lựa chọn rời khỏi EU, nước Anh đang tự tạo ra rủi ro cho việc tiếp cận thị trường lớn nhất của nước này (cũng chính là EU), vốn chiếm khoảng 45% kim ngạch xuất khẩu. Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 6 vừa qua, bà May đang chịu thêm áp lực phải bảo vệ hoạt động thương mại. Phía EU biết rằng họ có lợi thế, mặc dù việc không được tiếp cận thị trường Vương quốc Anh cũng có thể sẽ làm tổn thương đến các công ty trong khối.
Một số biểu thuế của WTO mà hàng xuất khẩu của Anh có thể phải chịu. Nặng nhất là ngũ cốc với mức thuế 41%. Ảnh: Bloomberg. |
Nếu nước Anh rời khỏi EU mà không có thoả thuận thương mại hoặc giai đoạn chuyển đổi sang một thỏa thuận như vậy, thì các nhà xuất khẩu của Anh có thể chịu mức thuế quan theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau nhiều năm thông thương miễn thuế trong khối EU.
Các khoản đóng góp cho Liên minh Châu Âu
Sự ra đi của Anh sẽ để lại một lỗ hổng trong ngân sách EU, trừ khi Anh đồng ý trả khoản tiền nào đó để đổi lấy một số lợi ích. Anh là nước đóng góp lớn thứ nhì của khối này, và khoảng trống mà họ bỏ lại sẽ cần phải được lấp đầy bằng cách cắt giảm chi tiêu hoặc là các thành viên khác của EU phải đóng góp thêm.
Ngân sách của EU được giãn ra trong một thời gian dài, nghĩa là các thành viên không cần phải đóng góp đủ số tiền họ cam kết ngay lập tức. Điều đó khiến Vương quốc Anh phải đối mặt với khả năng bị yêu cầu thanh toán cho các cam kết của nước này trong quá khứ.
Lợi ích tài chính ròng (số trợ cấp nhận được trừ đi số tiền đã góp) mà một số nước nhận được từ EU, tính trong năm 2015. Số tiền mà nước Đức đóng góp nhiều hơn số mà họ nhận lại tới 14,3 tỷ euro, trong khi con số này của Anh là 11,5 tỷ. Ảnh: Bloomberg |
Cái giá không rẻ
Một trong những cầu hỏi đầu tiên là liệu Vương quốc Anh có sẵn sàng trả một "hóa đơn ly hôn" có giá trị khoảng 50 tỷ bảng Anh hay không. Các quan chức EU nói rằng người Anh cần phải tất toán các khoản phí của họ trước khi đàm phán về thương mại, nhưng chính phủ của bà May đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của số tiền này.
Số tiền mà nước Anh có thể phải chi ra cho việc "ly hôn", theo các kịch bản xấu nhất và tốt nhất. Ảnh: Bloomberg |
Một vấn đề nữa cho bà May là các cử tri Anh đang mâu thuẫn về việc họ muốn gì. Họ muốn chống lại làn sóng di cư, nhưng lại muốn duy trì các lợi thế của tư cách thành viên EU, chẳng hạn như tự do thương mại.
Phần đông người dân Anh bày tỏ sự ủng hộ (màu đỏ) đối với tự do thương mai, giá cước chuyển vùng điện thoại thấp và chế độ hộ chiếu tài chính của Liên minh châu Âu. Nhưng đồng thời, họ cũng muốn đối xử với người di cư từ EU như các nước không thuộc EU, và thích tăng cường kiểm soát nhập cảnh. Ảnh: Bloomberg |
Bây giờ là lúc EU và Anh đàm phán để đảm bảo thỏa thuận tốt nhất có thể cho cả hai. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào kỹ năng đàm phán của chính quyền bà May, và việc EU muốn lấy Brexit ra làm gương thế nào cho những nước nào còn có ý định rời khỏi khối này.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg