Đạm Ninh Bình lỗ cả ngàn tỷ đồng sau 3 năm
Theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được Tổng giám đốc Nguyễn Gia Tường đưa ra, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đang rất khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, do nguồn cung urea tăng và giá liên tục giảm.
Cụ thể, trong năm 2013, 4 nhà máy sản xuất đạm trong nước (gồm Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình) đã sản xuất trên 2 triệu tấn urea.
Cộng thêm khoảng 1,2 triệu tấn urea nhập khẩu, trong đó nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc gần 1 triệu tấn (cả theo đường chính ngạch và tiểu ngạch), tổng nguồn cung phân bón trong nước là 3,25 triệu tấn, cao hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ nội địa (2,2 triệu tấn).
Cùng với việc dư thừa nguồn cung, giá phân bón thế giới cũng lao dốc khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường càng trở nên quyết liệt. Năm 2011, giá urea nhập khẩu từ Trung Quốc (điều kiện FOB) là 460 USD/tấn, giảm xuống còn 415 USD/tấn vào năm 2012 và tiếp tục giảm xuống còn 330 USD/tấn năm 2013. Dự kiến trong năm 2014, giá urea tiếp tục giảm xuống mức 305-310 USD/tấn.
Giao dịch bán thành công của urea Trung Quốc trong tháng 4/2014 là 297 USD/tấn điều kiện FOB. Còn Công ty Đạm Ninh Bình vừa ký hợp đồng bán urea xuất khẩu với mức 285 USD/tấn và dự báo trong quý II và III/2014 cũng chỉ đạt mức 260-280 USD/tấn.
Hiện tại, giá bán urea của Đạm Ninh Bình tại thị trường nội địa là 7,2 triệu đồng/tấn, thấp hơn so với mức 7,5 triệu đồng/tấn của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau hay 7,7 triệu đồng/tấn của Đạm Hà Bắc.
Do chi phí cao, giá urea liên tục giảm, nên hoạt động sản xuất - kinh doanh của Đạm Ninh Bình gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng và ước tính 6 tháng đầu năm tiếp tục lỗ 237 tỷ đồng.
Giá than cao
Nguyên nhân lỗ lũy kế hơn 1.071 tỷ đồng của Đạm Ninh Bình được Vinachem cho là việc tăng giá than đã tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh của Công ty, trong khi các chi phí cố định như khấu hao, lãi vay không thể giảm được. Ước tính, nếu giá than vẫn giữ như hiện nay, thì năm 2014, Đạm Ninh Bình sẽ lỗ 500 tỷ đồng.
Theo Vinachem, trong khi giá than được điều chỉnh tăng thì chất lượng than lại được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) điều chỉnh giảm. Cụ thể, than cám 4a đang sử dụng cho sản xuất của Đạm Ninh Bình có chất lượng thấp hơn so với than được mô tả trong dự án, nên không đáp ứng được yêu cầu công nghệ, dẫn tới chi phí tiêu hao cao, máy móc, thiết bị nhanh bị ăn mòn, công nghệ không ổn định.
Đại diện Vinachem cho hay, nếu duy trì sản xuất theo đúng thiết kế, thì Đạm Ninh Bình phải sử dụng than cám 3c để đảm bảo yêu cầu công nghệ. Điều này sẽ làm chi phí tăng thêm khoảng 42 tỷ đồng/năm do giá than cám 3c cao hơn cám 4a.
Dẫu vậy, chính Vinachem cũng thừa nhận, Đạm Ninh Bình là công trình sản xuất hóa chất với quy mô khá lớn, dây chuyền, máy móc, thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, với chất lượng ở mức trung bình. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng khó khăn do phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc, nên dây chuyền thường xảy ra các sự cố, tiêu hao định mức chưa đạt theo thiết kế.
Để giảm đà lỗ của Đạm Ninh Bình, Vinachem đã đề nghị điều chỉnh giá bán than cho hộ sản xuất phân bón trong nước bằng 90% giá xuất khẩu và công khai giá than xuất khẩu để đối chiếu. Ngoài ra, Vinachem cũng kiến nghị tạm dừng hoạt động nhập khẩu phân bón tiểu ngạch hiện nay, hay tăng thuế suất mặt hàng urea lên mức 7%/năm.
Nguồn Báo đầu tư