Đạm Ninh Bình có thể cổ phần hóa sau 2015
Chiều 15/12, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp (DN) Nhà nước đã chủ trì buổi họp về tái cơ cấu Tập đoàn hóa chất Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá thời gian qua Vinachem đã hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh tích cực, nhiều sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện năm 2014 đạt 42.371 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2013, doanh thu khoảng 45.619 tỷ đồng, tăng 4,1%, nộp ngân sách 2.373 tỷ đồng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 505 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu trực tiếp đạt 229 tiệu USD, tăng 38,1%, tổng giá trị nhập khẩu là 276 triệu USD, tăng 15,9%.
Hoạt động sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Vinachem theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là cơ bản đạt tiến độ. Tới nay Vinachem đã thoái vốn ở 5/13 đơn vị với tổng giá trị đã thoái là 346,7 tỷ đồng (chiếm hơn một nửa tổng số vốn cần phải thoái), trong đó lãi gộp thu từ thoái vốn là 32,7 tỷ đồng.
“Thoái vốn với Vinachem không còn là vấn đề nữa và tốt hơn khi thoái vốn mà vẫn có lãi, đảm bảo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá.
Về cổ phần hóa (CPH), Vinachem đã làm xong ở 3 DN là Công ty hóa chất cơ bản miền Nam - vẫn hoạt động hiệu quả sau CPH, Công ty DAP (bán được 100% số cổ phần đấu giá) và Công ty Hơi kỹ nghệ que hàn. Tuy nhiên, Công ty Hơi kỹ nghệ que hàn chỉ bán được ít cổ phần (1,4% số cổ phần chào bán) vào trung tuần tháng 11/2014.
Trong năm 2015, Vinachem đặt kế hoạch thực hiện CPH xong với Công ty TNHH MTV Vật tư và xuất nhập khẩu hóa chất, Công ty TNHH MTV Phân đạm và hóa chất Hà Bắc và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Tuy nhiên, theo Vinachem thì khó khăn đang tới từ kế hoạch CPH Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình khi vướng ở đánh giá giá trị nhà máy, hoạt động của Đạm Ninh Bình đang bị lỗ (số lỗ lũy kế tới hết tháng 6/2014 là 1.500 tỷ đồng), không đủ nguồn trả nợ ngân hàng...
Trong quá trình thực hiện CPH, nếu gặp vướng mắc thì Vinachem cần báo cáo tới các Bộ, ngành để xử lý kịp thời - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu. Ảnh: VGP/Thành Chung
Để CPH đúng tiến độ Đạm Ninh Bình, Vinachem kiến nghị Chính phủ không đánh giá lại giá trị nhà máy, bàn giao nghĩa vụ trả nợ và lãi vay từ công ty mẹ-Tập đoàn cho công ty cổ phần sau CPH, giảm vốn Nhà nước tại công ty để xử lý khoản lỗ lũy kế...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, khó khăn của Đạm Ninh Bình không thể xử lý sớm để CPH trong năm 2015 mà có thể lùi thời điểm CPH sau năm 2015. Vinachem cần phải đưa ra phương án xử lý khoản lỗ của Đạm Ninh Bình.
“Lùi thời điểm CPH Đạm Ninh Bình không phải là trì hoãn mà phải chuẩn bị cho điều kiện chín muồi thì mới làm. Tùy thuộc vào tình hình, có DN cần phải đẩy nhanh CPH nhưng cũng có DN làm chậm lại”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng không đồng tình kiến nghị của Vinachem về việc chuyển giao Trường CĐ Công nghiệp hóa chất về Bộ Công Thương, vì cho rằng Chính phủ đang tổ chức thực hiện CPH các đơn vị sự nghiệp công lập. Dù Trường CĐ này ở đâu thì nâng cao hiệu quả hoạt động vẫn thuộc trách nhiệm của Nhà nước mà Vinachem có trách nhiệm trong đó.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, Phó Thủ tướng lưu ý, Vinachem phải lựa chọn đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến để đáp ứng những cơ hội “dài hơi” từ các hiệp định tư do thương mại mà Việt Nam ký kết, tránh việc đầu tư dây truyền sản xuất xong là lạc hậu ngay. Đồng thời Vinachem phải hết sức quan tâm đổi mới hoạt động của bộ máy quản lý.
“Trong quá trình thực hiện CPH, nếu gặp vướng mắc thì Vinachem cần báo cáo tới các bộ, ngành để xử lý kịp thời”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu.
Ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2097/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hoá chất Việt Nam giai đoạn 2012-2015.
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam vẫn được duy trì là Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Đề án nhằm mục tiêu bảo đảm Tập đoàn có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong sản xuất, kinh doanh hoá chất cơ bản và sản phẩm hoá chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Tập đoàn.
4 nhóm ngành, nghề kinh doanh chính gồm: Sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hoá chất; công nghiệp chế biến cao su; sản xuất và kinh doanh hoá chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hoá dược.
2 nhóm ngành, nghề liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính là: Tư vấn thiết kế công nghiệp hóa chất; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị hoá chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành hóa chất.
Nguồn Chinhphu